Cán bộ vào Ban Chỉ đạo chống tham nhũng mà lại tư túi, vướng vào tham nhũng thì còn chống ai nữa
Sáng 12/5/2022, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng (Hà Nội) trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Hội nghị Trung ương 5 đã thống nhất và lấy ý kiến 100% địa phương đều đồng ý lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tại cấp tỉnh.
Tổng Bí thư lưu ý việc chọn nhân sự vào Ban chỉ đạo cấp tỉnh làm sao phải phát huy hiệu quả như Ban Chỉ đạo Trung ương.
"Cán bộ vào ban chỉ đạo chống tham nhũng mà lại tư túi, vướng vào tham nhũng thì còn chống ai nữa. Ông nào vướng vào tôi xử trước, xin nói thẳng là như thế", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Không thích thú gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm
Sáng 23/6/2022, tại buổi tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng để báo cáo kết quả kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành thời gian chia sẻ về việc xử lý kỷ luật 2 ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh do liên quan đến Công ty Việt Á.
Ông nhấn mạnh 2 ủy viên Trung ương Đảng, không những 1 khóa mà như ông Chu Ngọc Anh còn 3 khóa nhưng vẫn bị xử lý khai trừ ra khỏi Đảng.
Tổng Bí thư đánh giá việc xử lý hiện nay được tiến hành bài bản, khoa học, còn trước đây làm chưa được như vậy.
"Không thích thú gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót nhưng buộc phải làm. Điều này nhiều lần tôi nói rồi, cắt bỏ vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây, chứ để lan ra sẽ rất nguy hiểm", Tổng Bí thư nói.
Phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ làm chùn bước người không trong sáng, đã trót nhúng chàm
Ngày 30/6/2022, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không đồng tình một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí, chùn bước những người dám nghĩ, dám làm, làm chậm sự phát triển đất nước.
Tổng Bí thư khẳng định, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đặc biệt, đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.
"Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng chỉ làm chùn bước những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm" và những người thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm", Tổng Bí thư nói.
"Trót nhúng chàm rồi thì phải biết rửa tay"
Ngày 19/11/2022, tại buổi tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng, Tổng Bí thư nhấn mạnh, nếu không quyết tâm chống cho được tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng, suy thoái cán bộ thì đến lúc nào đó coi chừng ảnh hưởng tới chế độ. Do đó, phải giữ được phẩm chất, tư cách, đạo đức, lối sống trong sạch và giữ cho được kỷ luật, kỷ cương.
Tổng Bí thư cũng nhắc lại, Trung ương đã có chủ trương khuyến khích cán bộ nào có sai phạm tự giác xin thôi việc, tự giác nộp lại tiền của đã tham ô, tham nhũng sẽ được miễn giảm, xử nhẹ hơn và điều này rất nhân văn.
"Không phải xử nặng mới là tốt, không phải cách hết chức vụ mới là tốt", Tổng Bí thư nói và nhắc lại việc 3 Ủy viên Trung ương tự giác xin thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương sau khi bị kỷ luật.
"Đây là cuộc đấu tranh nội bộ trong chính chúng ta, trong mỗi con người. Do vậy phải làm kiên trì, làm bền bỉ, phương pháp đúng, nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, chứ không phải cốt xử nặng. Chúng ta khuyến khích ai đã trót "nhúng chàm" rồi thì rửa tay đi", Tổng Bí thư nói.
Ai bao che, ai bỏ trốn rồi cũng sẽ bị xử lý
Sáng 15/10, cũng tại buổi tiếp xúc cử tri các quận: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tổng Bí thư đã đề cập một số vấn đề nổi bật mà cử tri nêu, trong đó có vấn đề kiểm soát quyền lực.
Tổng Bí thư cho biết, vừa qua, Trung ương đã xử lý rất quyết liệt vấn đề này. Những cán bộ dù ở chức vụ nào khi vi phạm kỷ luật đều bị xử lý rất nghiêm khắc, nhất là cán bộ nắm trong tay quyền lực lại bè cánh, móc nối với nhau, lợi ích nhóm như ở tỉnh Hải Dương vừa qua.
Cách thức xử lý đối với cán bộ vi phạm được Trung ương thực hiện công khai, minh bạch, khách quan, rõ đến đâu làm đến đấy, làm từng bước vững chắc, làm không thể "cãi" được. Quy trình xử lý có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, thống nhất từ xử lý về mặt Đảng, chính quyền đến pháp luật.
Không chỉ xử lý kỷ luật, xử lý mạnh theo quy định pháp luật, Trung ương vừa ra quy định rất mới là Kết luận số 20-TB/TƯ ngày 8/9/2022 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật; trong đó, khuyến khích cán bộ bị kỷ luật từ chức hoặc chuyển sang công việc khác phù hợp hơn. Vừa qua, một số đồng chí đã chủ động xin rút không tham gia Ban Chấp hành Trung ương, xin từ chức.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Cuộc chiến đấu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn đang còn tiếp diễn. Các bác cứ chờ xem. Những vụ trọng tâm, trọng điểm đang làm. Những vụ từ cách đây nhiều năm rất ghê gớm, chi phối, ảnh hưởng tiêu cực tới chế độ, uy tín của Đảng đều sẽ được đưa ra ánh sáng. Ai bao che, ai bỏ trốn rồi cũng sẽ bị xử lý".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận