PV TTXVN tác nghiệp, ghi nhận hình ảnh doanh nghiệp đầu tiên trở lại sản xuất sau thời gian tạm dừng để phòng dịch Covid-19
Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Bắc Giang, nhiều phóng viên đã lập tức lao vào điểm nóng. Bất chấp nguy cơ lây nhiễm luôn rình rập, họ vẫn không quản ngại ngày đêm để có được những thông tin nóng hổi, những hình ảnh chân thực, câu chuyện cảm động, nhân văn. Gác tình riêng đi tác nghiệp giữa tâm dịch, họ khiến nhiều đồng nghiệp nể phục.
Hai tháng chưa được gặp vợ con
Một trong trong số hàng trăm phóng viên đang tác nghiệp tại Bắc Giang là anh Nguyễn Đinh Quý, Ban Truyền hình, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Anh Quý kể, gần hai tháng nay, anh vẫn chưa được gặp mặt các con, đứa nhỏ mới 3 tuổi, đứa lớn 5 tuổi.
Trong khi đó, vợ anh cũng là phóng viên đang công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam, thường xuyên phải đi công tác xa nhà. Gia đình hai bên nội ngoại đều ở quê, nên việc trông nom con cái, anh chị phải trông cậy hàng xóm.
“Nhiều hôm làm việc cả ngày, đến khi hoàn thành tác phẩm gửi về cơ quan thì trời đã tối muộn. Lúc đó, tôi mới có thời gian gọi video về nói chuyện với các con. Nghe con nói nhớ bố, giục bố về chơi cùng mà tôi rưng rưng. Theo quy định, khi trở lại Hà Nội, chúng tôi sẽ được cơ quan bố trí phòng riêng, cách ly 21 ngày. Mỗi lúc như vậy, tôi phải giấu con, quay đi nơi khác”, anh Quý chia sẻ.
Cảm kích với những tấm gương nhà báo xông pha trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, trong buổi họp báo diễn ra mới đây, ông Mai Sơn, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang đã đánh giá cao vai trò của các nhà báo, PV đang tác nghiệp tại địa bàn. Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang khẳng định, những bài viết, cách đặt vấn đề của các nhà báo đã giúp lãnh đạo tỉnh Bắc Giang có thêm thông tin, nắm bắt rõ hơn diễn biến tại cơ sở để đưa ra những quyết sách đúng đắn, sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Anh Quý thuộc tổ phóng viên Ban Truyền hình, TTXVN, do nhà báo Trần Ngọc Tú làm tổ trưởng, nhận lệnh tăng cường về Bắc Giang hỗ trợ Cơ quan thường trú TTXVN tại Bắc Giang tuyên truyền công tác phòng, chống dịch.
Để phòng dịch nên các hàng quán đều đóng cửa, cả nhóm phải tự nấu ăn tại văn phòng. Thực đơn quen thuộc luôn là mỳ gói và lương khô.
Trong khi đó, việc tác nghiệp rất vất vả bởi thời tiết khắc nghiệt. Ngày nào cả nhóm cũng dầm mình trong bộ quần áo bảo hộ, đội nắng theo chân lực lượng tuyến đầu đến các khu nhà trọ lấy mẫu xét nghiệm cho hàng nghìn công nhân.
Khi về văn phòng, tất cả đều tự coi mình là F1, thậm chí có thể đã là F0 nên đều chủ động giãn cách, không tiếp xúc với ai.
“Khó khăn, nguy hiểm là vậy nhưng khi chứng kiến cộng đồng, người dân cả nước cùng hướng về hỗ trợ Bắc Giang, hay hình ảnh những em nhỏ mới chỉ vài tuổi nhưng đã tự lo cuộc sống trong các khu cách ly tập trung vì bố mẹ, người thân đều đã nhiễm Covid-19, chúng tôi như có thêm động lực, quyết tâm bám trụ đến khi Bắc Giang hết dịch”, nhà báo Trần Ngọc Tú chia sẻ.
Bắc Giang hết dịch mới về!
Nhóm PV Truyền hình TTXVN tác nghiệp tại nhà trọ công nhân
Trung tá Nguyễn Tiến Đạt, Phó trưởng Phòng Biên tập Quốc phòng - An ninh, Báo QĐND cho biết, nhóm của anh gồm 4 người đã nhận lệnh về điểm nóng Bắc Giang ngay từ khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở đây.
“Ngay khi nhận lệnh, chúng tôi chỉ có 1 giờ để chuẩn bị và lên đường. Nhiệm vụ của chúng tôi là theo sát lãnh đạo, chính quyền địa phương, tuyên truyền các hoạt động của các lực lượng trên tuyến đầu đến nhân dân và chiến sĩ cả nước, góp phần cổ vũ, động viên, đề xuất giải quyết những vấn đề nóng phát sinh giữa tâm dịch”, nhà báo Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ.
Cũng theo nhà báo Nguyễn Tiến Đạt, lợi thế của tổ phóng viên Báo QĐND là được lãnh đạo đơn vị quan tâm bố trí xe chuyên dụng, trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ từ Hà Nội trước khi về Bắc Giang. Tổ cũng được bố trí ăn, nghỉ tại Trung đoàn 831, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang nên có nhiều thuận lợi trong quá trình tác nghiệp.
Hàng ngày, tổ cơ động tuyên truyền giữa các điểm nóng Covid-19 tại hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Trong đó, khó khăn lớn nhất là địa bàn phong tỏa rộng, số lượng F0, F1 và các khu cách ly tập trung lớn khiến việc tiếp cận nguồn tin hạn chế.
PV Báo QĐND tác nghiệp tại điểm cách ly Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 3, Quân khu 1
“Trong thời gian tác nghiệp tại Bắc Giang, những câu chuyện, hình ảnh khiến tôi xúc động nhất là những tấm gương cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh hết sức éo le như người thân qua đời, vợ con ở quê mắc bệnh hiểm nghèo... song do điều kiện, hoàn cảnh mà không thể về.
Hay những học viên quân y tình nguyện từ các tỉnh miền Trung đến “chia lửa” với các lực lượng tuyến đầu... Họ đã tiếp thêm sức mạnh cho người cầm bút như chúng tôi thêm vững vàng, để sẵn sàng bám trụ đến khi hết dịch mới về”, anh Đạt tâm sự.
Anh Đạt cho biết, trong tổ phóng viên của Báo QĐND tăng cường về tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh lần này, nhiều cá nhân có điều kiện, hoàn cảnh gia đình khó khăn như quê xa, con nhỏ, cả hai vợ chồng đều đi công tác...
Tuy nhiên, tất cả đều xác định luôn sẵn sàng chiến đấu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
“Sau hơn 2 tuần tác nghiệp tại tâm dịch Bắc Giang, tôi bất ngờ nhận thông báo nằm trong nhóm thí sinh tham gia báo cáo viên của đơn vị đợt này.
Tuy vậy, tôi vẫn xung phong ở lại tác nghiệp, chỉ căn đủ thời gian về Tổng cục Chính trị cách ly 21 ngày theo quy định trước khi bước vào hội thi”, Thiếu tá Trần Duy Văn, phóng viên Phòng Biên tập Quốc phòng - An ninh, Báo QĐND chia sẻ.
Hàng chục nghìn bữa ăn miễn phí đến với công nhân
Ngay khi những ca nhiễm Covid-19 liên tiếp xảy ra tại Bắc Giang, PV Báo Giao thông nhận được phản ánh đời sống của những công nhân đang gặp rất nhiều khó khăn sau những ngày bị cách ly, phong tỏa tại các tổ dân phố My Điền 1, 2, 3, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên. Nhiều người lao động rơi vào cảnh thiếu đồ ăn vì khu vực phong tỏa này có đến 15.000 người.
Ngay lập tức, PV đã nhận lệnh xông vào tâm dịch tìm hiểu. Sau nhiều bài viết phản ánh chân thực đời sống người lao động đăng tải trên Báo Giao thông, các mạnh thường quân từ khắp mọi nơi cũng đã đổ về Việt Yên giúp đỡ.
Tuy nhiên, trong những ngày đầu thực hiện phong tỏa, trước số lượng người cần hỗ trợ quá đông, việc tiếp nhận, hỗ trợ chưa được tổ chức bài bản khiến không ít đoàn thiện nguyện gặp khó khăn khi đưa hàng cứu trợ đến người lao động.
Trước tình hình này, PV đã trực tiếp dẫn đường, kết nối các nhóm thiện nguyện trong và ngoài vùng phong tỏa để đưa hàng cứu trợ đến tận tay người lao động đang bị cách ly trong các khu nhà trọ, với tổng số hơn 1 tấn gạo, 500 thùng mì tôm.
Đặc biệt, từ ngày 17/5 đến nay, một nhà hảo tâm đã tài trợ mỗi ngày 700 suất cơm để phát cho công nhân đang trọ tại khu vực My Điền.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận