Từ tháng 4, hành khách trên tuyến tàu mới thuộc hệ thống tàu điện ngầm Cairo đã thấy bóng dáng phụ nữ tham gia công việc lái tàu.
Tổng cộng có 2 nữ lái tàu được tham gia chương trình huấn luyện do một cơ quan giao thông vận tải của Ai Cập kết hợp với nhà vận hành tại nước ngoài RATP-Dev của tàu điện ngầm Paris thực hiện.
Một trong số đó là Hind Omar, 30 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành kinh doanh. Omar chia sẻ cô đã gấp rút nộp đơn ứng tuyển vào vị trí nhân viên lái tàu với mong muốn trở thành một trong những phụ nữ tiên phong làm nghề lái tàu tại quốc gia chỉ có 14,3% phụ nữ tham gia lao động chính thức như Ai Cập, theo số liệu năm 2020.
Cô Hind Omar là một trong hai phụ nữ đầu tiên làm nghề lái tàu tại Ai Cập. Ảnh - AFP
Sở dĩ cô tự tin như vậy vì khác với nhiều phụ nữ khác, cô may mắn nhận được sự ủng hộ từ gia đình. “Lúc đầu, cha mẹ tôi thấy khá kỳ lạ nhưng cuối cùng họ cũng ủng hộ. Còn chồng tôi thì ngay từ đầu đã rất hào hứng và luôn khích lệ tôi”, cô Omar nói.
Nhớ lại quá trình đào tạo, Omar cho biết đây là khoảng thời gian rất nhiều khó khăn gian khổ, các ứng viên phải thể hiện sự tập trung, khả năng chịu đựng cao và duy trì trạng thái cảnh giác cao độ nhiều giờ liền trong 6 ngày/tuần.
Tuy vậy, cô Omar rất tự hào với công việc được cầm lái đưa hàng nghìn người đi lại mỗi ngày, mỗi quyết định của cô có liên quan tới hàng nghìn sinh mạng. Trong công việc mới, cô cũng được tạo rất nhiều điều kiện chẳng hạn như nữ giới không phải làm ca đêm.
Cô Suzanne Mohamed cho biết cô thấu hiểu lý do hành khách cảm thấy ngạc nhiên khi thấy phụ nữ lái tàu tại quốc gia nơi phụ nữ không có nhiều cơ hội việc làm như Ai Cập. Ảnh - AFP
Cô Suzanne Mohamed, 32 tuổi, nữ lái tàu thứ hai, nhớ lại khi hành khách lần đầu tiên nhìn thấy cô ngồi ở vị trí ghế lái, có rất nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên. “Một số hành khách rất lo sợ. Họ nghi ngờ kỹ năng của tôi và cho biết không cảm thấy an toàn khi phụ nữ điều khiển tàu”, cô Mohamed nói.
Trong bối cảnh tàu điện ngầm Cairo có kế hoạch mở thêm 3 tuyến mới cũng như Ai Cập sắp có hệ thống tàu chạy trên đường một ray đầu tiên, Omar cho biết cô hy vọng những trường hợp tiên phong như mình sẽ giúp mở đường cho nhiều phụ nữ khác trở thành lái tàu. Omar tin chắc sẽ có rất nhiều nữ giới hào hứng với công việc này.
Đưa vào vận hành từ năm 1987, hệ thống tàu điện ngầm Cairo là hệ thống tàu vận hành lâu nhất tại thế giới Arab nhưng đang tụt lại so với các quốc gia khác trong việc tạo ra cơ hội việc làm cho nữ giới.
Tại châu Phi và các quốc gia Arab, đã có người phụ nữ trở thành lái tàu đầu tiên vào năm 1999. Tại Saudi Arabia, đất nước mà mãi đến gần đây phụ nữ mới được cho phép lái ô tô, một nhóm nữ giới đầu tiên hiện cũng được tham gia đào tạo để trở thành lái tàu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận