Theo bà Hằng, Bộ Ngoại giao hiện đang rất tích cực trao đổi với khoảng 80 đối tác về việc công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng khẩn trương hoàn tất các giải pháp phần mềm để sớm ban hành mẫu hộ chiếu vaccine theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tính đến đầu tháng 12/2021 có một số các đối tác, trong đó có Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Australia, Belarus đã công nhận chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam với một số tiêu chuẩn cụ thể về chủng loại vaccine. Ấn Độ, Canada cũng đã nhất trí về mặt nguyên tắc.
Một số đối tác khác trong đó có các nước ASEAN, Liên minh Châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc… đều xem xét tích cực và chờ phía Việt Nam ban hành, giới thiệu mẫu hộ chiếu vaccine thống nhất cùng cơ chế xác thực điện tử.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng
Về phía Việt Nam, tính đến ngày 8/12, Việt Nam cũng đang tạm thời công nhận mẫu Giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vắc-xin của 78 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao. Đây là cơ sở để người mang các giấy tờ này được sử dụng trực tiếp ở Việt Nam và được giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 07 ngày theo Hướng dẫn của Bộ Y tế về rút ngắn thời gian cách ly cho người đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.
Bảo hộ công dân, doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar
Liên quan tới vấn đề triển khai công tác bảo hộ công dân, doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar luôn theo dõi sát diễn biến tình hình sở tại cũng như tình hình công dân và doanh nghiệp Việt Nam tại đây".
Đồng thời Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã triển khai nhiều biện pháp bảo hộ công dân và lãnh sự cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar.
Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán tại Myanmar cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng của Myanmar quan tâm, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của công dân Việt Nam, doanh nghiệp và những người lao động thuộc các doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar, đặc biệt là bảo vệ các quyền lợi chính đáng và hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam phù hợp với thoả thuận của hai bên cũng như luật pháp và thông lệ quốc tế, bà Hằng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận