GDP có thể vượt 7%
TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu từ Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm và dự báo cho cả năm 2024-2025.
Nhóm nghiên cứu nhận định rằng, với sự phục hồi của kinh tế thế giới (tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024-2025 dự kiến đạt từ 2,6-3,2%, tương đương với năm 2023; cùng với thương mại và dòng vốn FDI toàn cầu tăng trưởng 2-3% trong giai đoạn này), kết hợp với những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,8-7% trong năm 2024 (theo kịch bản cơ sở), tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 6/2024. Trong kịch bản lạc quan hơn, tăng trưởng có thể vượt 7%.
Theo nhóm nghiên cứu, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8-7% trong năm 2024, GDP quý IV cần tăng từ 6,8-7,8%. Nếu xu hướng tăng trưởng mạnh của năm 2024 được duy trì, các động lực tăng trưởng tiếp tục phát huy, dự báo GDP của Việt Nam năm 2025 có thể đạt từ 6,7-7%, tương đương với năm 2024.
Về lạm phát, nhóm dự báo áp lực lạm phát sẽ gia tăng nhẹ trong 3 tháng cuối năm 2024, chủ yếu do các yếu tố chi phí đẩy (giá cả thế giới còn biến động, đặc biệt là giá dầu và chi phí logistics vẫn ở mức cao; cùng với hiệu ứng tăng giá của các mặt hàng do Nhà nước quản lý như tiền điện, học phí, lương…) và yếu tố cầu kéo (cung tiền và vòng quay tiền dự báo tăng cao hơn năm 2023, hỗ trợ bởi đà phục hồi kinh tế).
Tuy nhiên, lạm phát cả năm 2024 vẫn sẽ được kiểm soát tốt nhờ xu hướng giảm của lạm phát toàn cầu và các biện pháp kiềm chế lạm phát trong nước như đảm bảo nguồn cung hàng hóa - dịch vụ thiết yếu, tỷ giá và lãi suất ổn định. CPI bình quân dự kiến tăng 3,8-4,2% trong năm 2024 và 3,5-4% trong năm 2025.
6 rủi ro hiện hữu cho nền kinh tế
Mặc dù nền kinh tế có nhiều dấu hiệu lạc quan, TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu vẫn chỉ ra 6 rủi ro mà Việt Nam phải đối mặt trong quý cuối cùng của năm 2024 và năm 2025:
Thứ nhất, các rủi ro từ bên ngoài vẫn hiện hữu. Điều này bao gồm căng thẳng địa chính trị leo thang, khó dự đoán (đặc biệt là xung đột tại Ukraine và Trung Đông); cạnh tranh chiến lược về thương mại và công nghệ giữa các cường quốc còn phức tạp; rủi ro từ chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội có thể thay đổi sau các cuộc bầu cử ở Mỹ, châu Âu và châu Á. Lạm phát có khả năng giảm chậm hơn kỳ vọng do biến động giá năng lượng và hàng hóa toàn cầu dưới tác động của các căng thẳng này, trong khi các rủi ro về an ninh năng lượng, lương thực và biến đổi khí hậu vẫn hiện hữu.
Thứ hai, hậu quả của bão số 3 vẫn còn cần thời gian để khắc phục. Thiệt hại kinh tế ước tính sơ bộ lên đến 81,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,8% GDP năm 2023, cao gấp nhiều lần so với thiệt hại thiên tai trước đó, đặc biệt trong ba năm từ 2021 đến 2023. Hơn nữa, khoảng 165 nghìn tỷ đồng dư nợ và 94 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng, làm gia tăng nguy cơ nợ xấu. Điều này có thể khiến tăng trưởng GDP năm 2024 giảm khoảng 0,22 điểm phần trăm.
Thứ ba, các động lực tăng trưởng truyền thống phục hồi chưa đều và vẫn ở mức thấp so với trước dịch. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ loại trừ yếu tố giá chỉ đạt 5,8%, bằng 60% so với cùng kỳ trước dịch (9% giai đoạn 2018-2019). Tiêu dùng cuối cùng tuy tăng 6,18%, nhưng vẫn thấp hơn so với trước dịch (7,2% năm 2019).
Ngoài ra, sự phát triển của các động lực mới như liên kết vùng, kinh tế số, kinh tế xanh, và kinh tế tuần hoàn vẫn còn chậm. Đặc biệt, các cơ chế như sandbox cho Fintech và nền tảng số, phân loại xanh, và thị trường tín chỉ carbon vẫn đang trong quá trình triển khai chậm.
Thứ tư, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù số lượng doanh nghiệp mới gia nhập thị trường trong 9 tháng đầu năm 2024 đã vượt số doanh nghiệp rút lui, nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh vẫn tăng 14,7%. Áp lực tài chính, đặc biệt từ đáo hạn nợ vay và nợ trái phiếu, cùng với chi phí đầu vào cao, tiếp tục là thách thức lớn.
Thứ năm, nợ xấu tăng lên và quá trình xử lý còn nhiều vướng mắc. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến tháng 7/2024 là 4,75%, cao hơn so với cuối năm 2023. Cơn bão số 3 làm tăng thêm 165 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng, khiến nguy cơ nợ xấu gia tăng trong thời gian tới.
Cuối cùng, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, bao gồm DNNN và các tổ chức tín dụng yếu kém, vẫn chậm so với yêu cầu. Việc cổ phần hóa và thoái vốn DNNN, cùng với việc xử lý các TCTD yếu kém, vẫn gặp nhiều trở ngại về quy trình và định giá tài sản. Điều này dẫn đến sự gia tăng nợ xấu và nợ tồn đọng, đòi hỏi cần có những biện pháp quyết liệt hơn để nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực trong thời gian tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận