79 thí sinh vi phạm quy chế thi
Chiều 27/6, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo sau khi kỳ thi THPT Quốc gia 2019 kết thúc. Kết quả thống kê cho thấy, cả nước có 887.104 thí sinh đăng ký dự thi tại 1.980 điểm thi với 38.050 phòng thi; gần 50.000 cán bộ, giảng viên được điều động từ 216 đại học, học viện, cao đẳng tham gia phối hợp tổ chức kỳ thi.
Tỷ lệ thí sinh tới dự thi đạt trên 99%, trong đó môn Ngữ Văn 99,6%, Toán 99,53%, Vật lý 99,6%, Hoá học 99,56%, Sinh học 99,66%, Ngoại ngữ 99,59% Lịch sử 99,48%, Địa lý 99,54%, GDCD 99,6%.
Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia 2019, với gần 2 nghìn điểm thi và gần 900 nghìn thí sinh tham dự, kỳ thi đã hoàn thành, đảm bảo diễn ra trung thực khách quan.
“Trong kỳ họp tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận giao bộ GD&ĐT xây dựng phương án tổ chức kỳ thi, thay đổi cách thức, vật chất kỹ thuật đảm bảo an toàn, đúng quy chế. Tất cả đều đã được quán triệt đến từng điểm thi với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đảm bảo đúng tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh. Mục tiêu đặt ra đến thời điểm này của kỳ thi đã được hoàn thành, đảm bảo an toàn, đúng quy chế; cở sở dữ liệu đăng ký dự thi được đảm bảo chính xác, đầy đủ và bảo mật”, ông Độ nói.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định, kỷ luật phòng thi được duy trì,nghiêm tại tất cả các điểm thi trong cả nước; không còn hiện tượng phao thi ở các điểm thi. Một số hiện tượng vi phạm quy chế thi được phát hiện và xử lý kịp thời đảm bảo tính nghiêm minh của kỳ thi. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức. Toàn quốc có 6 cán bộ coi thi và 79 thí sinh vi phạm quy chế thi (trong đó 72 trường hợp bị đình chỉ do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, 3 thí sinh bị cảnh cáo, 4 thí sinh bị khiển trách).
“Tuy nhiên, vẫn còn một số sai sót xảy ra ở một số Hội đồng thi do lỗi của cán bộ coi thi, in sao đề thi như việc phát nhầm đề thi cho thí sinh, in đề thi thiếu đãn đến thí sinh phải làm bài thi muộn giờ so với quy định. Hội đồng thi đã xử lý bù thời gian làm bài để đảm bảo quyền lợi của thí sinh”, ông Độ nói.
Đề thi dễ hơn năm 2018?
Liên quan tới những sự cố trong công tác coi thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng thông tin: Đối với trường hợp tại Phú Thọ, môn thi ngữ văn đã bị lọt đề sau 2/3 thời gian làm bài thi, điều tra ban đầu cho thấy lỗi do thí sinh dùng điện thoại di động chụp để chuyển ra bên ngoài nhờ giải hộ. Thí sinh này đã bị đình chỉ thi, cơ quan công an đang tiếp tục làm rõ.
"Chúng ta tránh áp lực cho thành phố lớn và thí sinh nên việc giáo viên ĐH đi coi thi tại các nơi là điều bình thường. Trường tôi tham gia 3 tỉnh, sau khi đi vùng sâu xa, giáo viên thấy cần nỗ lực hơn; đồng thời, tạo sự phối hợp với địa phương, giám sát nhau để đảm bảo kỳ thi công bằng. Đem khó khăn về trường đại học không ai kêu ca”, GS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư Phạm.
Tại Hội đồng thi Lào Cai, có cán bộ coi thi ký nhầm vào ô cán bộ chấm thi cho 3 thí sinh, sau 30 phút mới phát hiện và yêu cầu thí sinh làm lại. Do đó, Hội đồng thi quyết định, đình chỉ nhiệm vụ coi thi của 2 giám thị, làm công tác tư tưởng với 3 thí sinh và tổ chức cho 3 em làm lại đề Ngữ Văn trong chiều nay (27/6). Tại Sơn La, 1 thí sinh ghi số báo danh không đúng song cán bộ coi thi không xử lý linh hoạt, gây ảnh hưởng tới thí sinh nên Ban Chỉ đạo đã đình chỉ 2 giám thị và cho thí sinh này làm lại bài thi cũng trong chiều nay.
“Việc xử lý đúng quy chế, đặt quyền lợi thí sinh trên hết, và xử lý nghiêm. Đến lúc này, công tác coi thi đáp ứng yêu cầu đặt ra”, ông Trinh nói và cho biết: “Việc đình chỉ giám thị coi thi chỉ là bước đầu để đảm bảo đúng tiến độ trong quá trình thi còn về sau sẽ xử lý tương xứng với sai phạm của từng cá nhân”.
Về công tác chấm thi sắp tới, ông Trinh cho biết khâu chuẩn bị đã sẵn sàng, bảo đảm an toàn, chính xác; dự kiến tới 14/7 sẽ công bố kết quả thi.
Trước dư luận cho rằng, đề thi năm nay dễ hơn so với năm ngoái bởi có tới 70% thí sinh đặt mục tiêu xét tốt nghiệp, ông Trinh nhận định: “Kỳ thi THPT Quốc gia không phải là phép cộng cơ học giữa thi tốt nghiệp với thi ĐH mà mục đích để đánh giá quá trình 12 năm học vừa là kết quả xét tốt nghiệp vừa là cơ sở để các trường ĐH dùng để tuyển sinh. Do đó đề thi phải bám sát yêu cầu này. Đề thi có nhiều nhóm câu hỏi từ cơ bản để tốt nghiệp, phân hóa để làm cơ sở xét tuyển đại học”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận