Luật Đường sắt sửa đổi chính thức có hiệu lực
Luật Đường sắt 2017 có hiệu lực từ 1/7/2018, có vai trò quan trọng, tác động rất lớn tới sự phát triển của ngành Đường sắt nói riêng và kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung. Luật Đường sắt 2017 sửa đổi, bổ sung một số quy định, mở ra hành lang pháp lý thông thoáng. Đặc biệt, ưu đãi để phát triển đường sắt và cơ chế thu hút vốn đầu tư, hứa hẹn sẽ tạo đột phá trong phát triển lĩnh vực đường sắt.
Quốc hội thông qua nguồn vốn 7.000 tỷ đồng
Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho đường sắt hạn chế, trong khi việc huy động vốn xã hội hóa rất khó khăn, đặc biệt là vốn đầu tư ngoài Nhà nước thì việc Quốc hội đồng ý thông qua gói vốn đầu tư trung hạn 7.000 tỷ đồng, giai đoạn 2017 - 2020 cho ngành Đường sắt được ví như một cú hích khởi đầu cho việc từng bước triển khai thực hiện các dự án nâng cấp hạ tầng đường sắt hiện có. Với gói 7.000 tỷ đồng này, ngành Đường sắt sẽ sử dụng để nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng tốc độ và tải trọng đồng đều trên toàn tuyến đường sắt Bắc – Nam, đồng thời đảm bảo kiểm soát ATGT đường sắt trong giai đoạn 2017-2021. Qua đó, tăng năng lực thông qua và sản lượng, khai thác hiệu quả tuyến đường sắt hiện hữu.
Tổ chức thành công Hội nghị Tổng giám đốc Đường sắt OSJD
Trong các ngày từ 16 - 19/4/2018, Tổng công ty Đường sắt VN đăng cai tổ chức thành công Phiên họp thứ 33, Hội nghị Tổng giám đốc đường sắt thuộc Tổ chức hợp tác đường sắt (OSJD) tại TP Đà Nẵng. Đây là hội nghị quốc tế với quy mô lớn, song với sự chuẩn bị chu đáo, cách thức tổ chức chuyên nghiệp, nước chủ nhà (Tổng công ty Đường sắt VN) đã để lại nhiều ấn tượng tốt, tiếp tục khẳng định tiềm năng phát triển của ngành Đường sắt cũng như đất nước Việt Nam, mở ra nhiều triển vọng hợp tác, giao thương với bạn bè quốc tế…
Tổng công ty Đường sắt VN chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và hiệu quả quản lý vốn Nhà nước, từ tháng 10/2018, 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thuộc 5 bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin Truyền thông, Tài chính và Giao thông vận tải (trong đó, có Tổng công ty Đường sắt VN), được bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Sự chuyển giao này được kỳ vọng sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh và bước phát triển mới cho doanh nghiệp Nhà nước.
Tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh Đường sắt VN
Nhằm nâng cao uy tín và vị thế của ngành Đường sắt Việt Nam, trong năm 2018, Tổng công ty Đường sắt VN đã đẩy mạnh truyền thông, vận động tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ, Quốc hội đối với các dự án đường sắt, quảng bá rộng rãi các sản phẩm, dịch vụ mới của ngành trên các phương tiện truyền thông. Đặc biệt, Tổng công ty Đường sắt VN cùng phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất và phát sóng chương trình “Dặm dài đất nước”, đưa hình ảnh đường sắt đến gần hơn với khán giả trên cả nước.
Công nghiệp đường sắt khởi sắc
Cùng với sự chuyển mình của ngành Đường sắt những năm gần đây, lĩnh vực công nghiệp đường sắt cũng có nhiều đột phá khi liên tiếp cho ra mắt những đoàn tàu thế hệ mới được thiết kế và sản xuất trong nước như đoàn tàu thế hệ 3, toa xe VIP hai giường... Đây là tín hiệu khả quan, cho thấy quyết tâm đổi mới, từng bước làm chủ công nghệ, lấy khoa học công nghệ là nền tảng, làm tiền đề cho những chiến lược mang tính bứt phá của ngành Đường sắt trong tương lai.
Sẵn sàng hợp tác, cộng đồng lợi ích vì sự phát triển của xã hội
Năm 2018, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tiến hành ký kết chương trình hợp tác với các tập đoàn, công ty lớn như: Vietel, Mobifone, SASCO, Điện Quang, Vietcombank… nhằm đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, mang đến cho khách hàng nhiều tiện ích và trải nghiệm mới như ví điện tử Momo, Amazing Rail Tour... Việc liên kết này mang tính chiến lược quan trọng, vì nó không chỉ giúp các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả tiềm năng của nhau, nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp nước ngoài mà còn góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận