Thời sự Quốc tế

Những sự kiện làm rung chuyển thế giới năm 2022

23/12/2022, 06:30

Theo trang CFR, các nhà sử học có thể coi năm 2022 là một năm bản lề trong lịch sử và rất nhiều sự kiện có lẽ đã làm thay đổi cục bộ thế giới.

Xung đột Nga - Ukraine

Sự kiện quan trọng nhất trong năm 2022 chính là cuộc xung đột Nga – Ukraine. Từ cuối năm 2021, các quan chức Mỹ và Anh bắt đầu cảnh báo Nga sẽ có hành động với Ukraine. Lúc đó, nhiều lãnh đạo châu Âu, trong đó có Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky, vẫn bác bỏ khả năng này.

Nhưng vào ngày 24/2/2022, Nga đã khiến thế giới chấn động khi tung ra "chiến dịch quân sự đặc biệt" mà họ cho là cần thiết để "phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa Ukraine".

Tuy nhiên, sau gần 1 năm, trái với dự đoán của nhiều chuyên gia quân sự rằng chiến dịch này sẽ kết thúc nhanh chóng, Ukraine vẫn đứng vững trước tình hình chiến sự dữ dội ban đầu và bắt đầu đẩy lùi các lực lượng Nga. Moscow từ bỏ nỗ lực kiểm soát Kiev và chuyển sang nắm giữ vùng Donbas ở miền đông Ukraine.

img

Cuộc xung đột Nga – Ukraine được đánh giá là sự kiện gây chấn động thế giới nhất trong năm 2022

Vào tháng 9, Ukraine đã phát động một cuộc phản công giải phóng thành phố Kharkiv ở phía đông bắc và 6 tuần sau, các lực lượng Nga tiếp tục phải rút khỏi thành phố Kherson ở phía đông nam.

Đây không chỉ là cuộc xung đột giữa hai bên mà nó còn bộc lộ sự chia rẽ địa chính trị đáng kể. Các quốc gia phương Tây ủng hộ Kiev trong khi Trung Quốc và hầu hết các quốc gia ở Nam bán cầu thì không tỏ rõ lập trường. Một số nước khác còn cho rằng lỗi là do NATO liên tục mở rộng liên minh, phớt lờ những quan ngại của Nga.

Bên cạnh đó, cuộc xung đột quân sự này đã tạo nên một “cuộc khủng hoảng” nguồn cung nhiều mặt hàng trong đó có năng lượng, lương thực, kim loại… Khu vực chịu tác động nặng nề nhất chính là châu Âu.

Xung đột cũng kéo theo cuộc sơ tán, di cư lớn nhất thế kỷ, với số người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn lên tới 8,5 triệu người.

Năm 2022 đã dần kết thúc nhưng lệnh ngừng bắn có vẻ khó xảy ra và phần còn lại của thế giới cũng phải vật lộn để thích nghi với những cú sốc giá cả, sự gián đoạn nguồn cung và tình trạng thiếu lương thực do xung đột kéo dài.

Nới lỏng hạn chế Covid-19 toàn cầu

Ba năm sau khi Covid-19 bùng phát, thế giới dường như đã xoay chuyển được tình thế đối với đại dịch toàn cầu.

Vào tháng 9, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố rằng khả năng đại dịch kết thúc “đang ở trước mắt”. Thực tế đó thể hiện rõ qua việc nhiều quốc gia đã bãi bỏ phong tỏa, ngừng hạn chế đi lại và các biện pháp liên quan.

img

Ảnh minh họa

Họ có thể làm được như vậy là nhờ sự thành công của vaccine và các phương pháp điều trị giảm khả năng tử vong do Covid-19 cùng nhiều biện pháp tạo miễn dịch cộng đồng.

Với Trung Quốc, sau thời gian dài kiên trì thực hiện chiến lược Zero Covid, đến tháng 12, Bắc Kinh bắt đầu nới lỏng các hạn chế về Covid-19 và dần tiến tới bình thường hoá.

Tuy Trung Quốc tránh được tình trạng Mỹ và các quốc gia khác đã trải qua vào năm 2020 (khi số người tử vong tăng cao) nhưng Covid-19 sẽ vẫn là một căn bệnh cần lưu ý ở Bắc Kinh và một số quốc gia khác nữa trong nhiều năm tới.

Lạm phát trở lại

Năm 2022 chứng kiến lạm phát gia tăng trên khắp thế giới. Giá cả tăng đột biến vì nhiều vấn đề cung và cầu. Nguyên nhân là do trong 3 năm qua, các Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách tiền tệ nới lỏng kết hợp với chi tiêu mạnh để ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế trong đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, đại dịch Covid và cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra khan hiếm trong nhiều loại hàng hóa.

Giá cả leo thang đã làm dấy lên căng thẳng chính trị ở nhiều quốc gia, rất nhiều cuộc biểu tình vì giá cả đã nổ ra tại nhiều nước như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Sri Lanka… Các nhà lãnh đạo gấp rút phải tìm được biện pháp để hạ nhiệt những bức xúc của người dân.

img

Một cuộc biểu tình thể hiện bức xúc vì chi phí sống tăng cao tại trung tâm thành phố Dublin, Ireland ngày 18/6.

Tuy giải pháp cho lạm phát là tăng lãi suất nhưng cách làm này không giải quyết được nhiều vấn đề về gián đoạn chuỗi cung ứng, thậm chí có thể gây ra suy thoái kinh tế.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác đang hy vọng sẽ tạo ra một “cuộc hạ cánh mềm”. Nhưng ngay cả khi thành công, lãi suất cao hơn vẫn tạo ra một cuộc khủng hoảng nợ ở nhiều nước nghèo.

Biến đổi khí hậu gia tăng

40 năm trước khi các nhà khoa học lần đầu tiên cảnh báo về một thảm họa khí hậu, đó vẫn là vấn đề xa vời, dường như của tương lai.

Nhưng những thảm họa thiên nhiên xảy ra trong năm 2022 cho thấy tương lai nguy hiểm đó đã đến.

Châu Âu trải qua những đợt nắng nóng kỷ lục đốt cháy nhiều khu rừng và làm khô cạn các dòng sông, đến mức các công trình giao thông bị nứt vỡ, cong vênh, gián đoạn hoạt động đi lại.

Pakistan đã phải chịu đựng một đợt nắng nóng tàn khốc tương tự, kéo theo những đợt mưa bão lớn khiến 1/3 diện tích đất nước chìm trong nước.

img

Sân bay Luton của London bị chảy nhựa buộc đơn vị quản lý phải tạm dừng hoạt động bay để sửa chữa

Vùng Tây nam nước Mỹ cũng phải chịu đựng một đợt hạn hán kỷ lục làm thu hẹp các hồ chứa như Hồ Mead và làm giảm năng suất cây trồng.

Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đã cảnh báo, nếu không thay đổi, tác động của biến đổi khí hậu sẽ sớm trở thành vấn đề không thể đảo ngược.

Tuy nhiên, đã có một vài điểm sáng trong cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu. Tại Mỹ - một trong những quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, vào tháng 8, Quốc hội Mỹ đã thông qua và Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật Đạo luật Giảm lạm phát để giảm phát thải khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu.

Nhưng nhìn chung, hành động của các chính phủ vẫn còn nhiều chậm trễ. Cuộc họp COP27 tại Sharm El Sheikh, Ai Cập, đã kết thúc với một thỏa thuận về tổn thất và thiệt hại mà trên lý thuyết sẽ dẫn đến việc các nước giàu bồi thường cho các nước nghèo bị tổn hại bởi biến đổi khí hậu, nhưng không có bước đột phá nào được thực hiện trong việc cắt giảm khí thải.

Thay vào đó, tỷ lệ carbon dioxide trong khí quyển vẫn tiếp tục tăng vào năm 2022.

Căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng

Cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ đang diễn ra rõ nét. Chiến lược An ninh Quốc gia của chính quyền Joe Biden, được công bố vào tháng 10 năm 2022, đã thẳng thừng đưa ra quan điểm: “Trung Quốc nuôi dưỡng ý định và ngày càng có khả năng định hình lại trật tự quốc tế”, còn Mỹ thì có ý định “chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này.”

Chính quyền Mỹ dẫn lại những việc như Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông, giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột Nga -Ukraine, các hành động cứng rắn với Đài Loan hay các hành động về tài sản trí tuệ là bằng chứng cho việc Mỹ từ bỏ chính sách chào đón Trung Quốc.

Phản ứng gay gắt của Trung Quốc đối với chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan vào tháng 8 đã cho thấy rõ sự căng thẳng đã gia tăng như thế nào giữa hai nước.

img

Ảnh minh họa.

Vào tháng 10, ông Biden đã thực hiện một bước quan trọng để hạn chế sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng cách từ chối nước này tiếp cận chip bán dẫn tiên tiến và công nghệ cần thiết để thống trị các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo.

Ông Biden cũng kêu gọi đối tác và đồng minh có lập trường cứng rắn tương tự đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, xu hướng hành động đơn phương của chính quyền Mỹ, các sáng kiến thương mại mờ nhạt, việc áp dụng chính sách công nghiệp có thể cướp đi việc làm của chính những người bạn và đồng minh đó đã làm giảm sức thuyết phục các nước này có hành động với Trung Quốc.

Vào giữa tháng 11, ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 và cam kết sẽ cùng nỗ lực giảm căng thẳng và cam kết hợp tác trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, sự nghi ngại lẫn nhau và sự gay gắt vẫn có khả năng bao trùm mối quan hệ nước lớn trong nhiều năm tới.

Mối quan hệ lạnh nhạt, đối đầu giữa 2 cường quốc hàng đầu thế giới cũng là nhân tố chi phối mạnh tới các mặt với các nước khác trên toàn cầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.