Trước đó, một clip đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, tối 30/7, xe ô tô Mazda trên đi vào làn khẩn cấp, lì lợm không nhường đường, mặc cho xe ưu tiên hú còi và liên tục phát loa thông báo.
Cơ quan công an làm việc với tài xế ô tô Mazda biển số 30K-505.28 đi vào làn khẩn cấp, không nhường đường cho xe ưu tiên.
Làm việc với cơ quan công an, tài xế thừa nhận hành vi vi phạm và sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng về hành vi đi vào làn khẩn cấp. Về hành vi không nhường đường, lái xe trần tình "không nghe, không thấy, không biết vì trời mưa".
Tuy nhiên, trên nhiều diễn đàn mạng, giới tài xế cho rằng, lời trần tình trên chỉ là ngụy biện. "Không thể có chuyện xe ưu tiên dí sát đuôi phát loa thông báo mà không nghe, không biết.
Còn nếu không nghe, không biết thì kỹ năng lái xe của người này quá kém, là mối nguy tiềm ẩn cho các xe khác", một người bày tỏ.
Gần đây, ngày càng nhiều trường hợp tài xế chạy trên đường có những hành vi ngông cuồng, bất chấp các quy định. Đó là việc lạng lách giành đường, chèn ép nhau.
Mới nhất, trên đoạn đường ở huyện Kim Động chiều 31/7, hai ô tô biển số 89 (tỉnh Hưng Yên) tranh chấp trên đường, chèn ép nhau suốt một đoạn dài và kết quả một chiếc chổng vó lên trời, một chiếc suýt lật ngang. Cả 2 xe đều móp méo tơi tả và may mắn không ai làm sao.
Táo tợn hơn, nhiều tài xế còn liều lĩnh hất cả CSGT lên nắp capo và chạy nhiều cây số. Mới nhất, ngày 31/7, Công an huyện An Lão (Hải Phòng) đã khởi tố đối tượng Hoàng Trung Hiếu về hành vi này, khi Hiếu vượt đèn đỏ, hất CSGT lên capo và chạy suốt 1km.
Những chuyện nhức mắt như trên không chỉ xảy ra với những người mưu sinh trên đường mà còn cả với cán bộ, công chức.
Ngày 1/8, Công an huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) đã xác minh người chạy xe Honda CRV đánh võng, lạng lách, gây hấn với xe khác trên đường ngày 25/7 là Trần Ngọc Nhật, cán bộ Trung tâm Văn hóa – Thông tin – thể thao của huyện này. Chiếc xe ông Nhật chạy là của Trưởng phòng Nội vụ huyện Bình Xuyên.
Liệt kê một số vụ để thấy, những chuyện nhức mắt trên đường hiện nay diễn ra khá phổ biến, ở nhiều người, nhiều giới. Nó cho thấy ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của một số người là rất kém.
Không ít người sau khi vi phạm giao thông còn sẵn sàng dùng nắm đấm, thốt ra những lời lẽ thiếu văn hoá, hành xử một cách rất hoang dã, dị hợm.
Theo thống kê, trong 7 tháng qua, toàn quốc xảy ra 14.242 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 6.200 người, bị thương gần 11.000 người. Tuy số người chết giảm (gần 10,4%) nhưng số người bị thương lại tăng gần 33% và số vụ tăng gần 15%.
Phải nói, dù còn một số hạn chế nhưng hạ tầng giao thông hiện nay, cả thủy lẫn bộ đều đã được cải thiện nhiều.
Phương tiện được kiểm định chặt chẽ, đủ điều kiện lưu thông. Trong số các nguyên nhân dẫn tới tai nạn, lớn nhất vẫn là lỗi chủ quan của người lái, đặc biệt là những người lái vô ý thức.
Bởi vậy, ngoài việc xử lý nghiêm minh của lực lượng chức năng, xã hội cần lên án mạnh mẽ những hành vi ngông cuồng, dị hợm, bất chấp pháp luật khi tham gia giao thông.
Có như thế mới góp phần hạn chế được những vụ tai nạn đáng tiếc và những người không may gặp họa bởi các tài xế thiếu ý thức.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận