Tăng cường hỗ trợ cần thiết cho Ukraine
Hãng tin CNN dẫn lời quan chức Mỹ cho biết, chính sách mới được thông qua hồi đầu tháng 11, trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống.
Giới chức Mỹ hy vọng, quyết định trên sẽ giúp đẩy nhanh quá trình bảo dưỡng và sửa chữa vũ khí do Mỹ cung cấp cho quân đội Ukraine sử dụng.
"Các nhà thầu quân sự này sẽ hoạt động cách xa khỏi khu vực tiền tuyến, không chiến đấu với lực lượng quân đội Nga. Họ sẽ giúp quân đội Ukraine nhanh chóng sửa chữa và bảo dưỡng trang thiết bị, vũ khí do Mỹ cung cấp để trang thiết bị vũ khí có thể nhanh chóng quay trở lại mặt trận", một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.
Quan chức này xác nhận Mỹ đang đẩy mạnh kế hoạch nói trên bởi một số hệ thống vũ khí do Mỹ cung cấp cho Ukraine, đặc biệt là tiêm kích F-16 và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriots đòi hỏi trình độ kỹ thuật chuyên môn riêng để bảo dưỡng.
Quyết định này đánh dấu thay đổi căn bản trong chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden với Ukraine. Lầu Năm Góc hy vọng sẽ sớm công bố danh sách những nhà thầu Mỹ được lựa chọn.
Thay đổi nhưng vẫn rất thận trọng
Trong hai năm qua, ông Biden luôn duy trì quan điểm, mọi công dân Mỹ, đặc biệt là quân nhân cần tránh xa mặt trận Ukraine.
Nhà Trắng quyết tâm hạn chế tối đa mọi nguy cơ với người dân Mỹ, không muốn các quốc gia, đặc biệt là Nga cho rằng quân đội Mỹ đang tham chiến ở Ukraine. Từ năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công khai cảnh báo công dân Mỹ không nên đến Ukraine.
Chính vì thế, những loại vũ khí, trang thiết bị do Mỹ cung cấp có thể gây sát thương lớn trên chiến trường Ukraine thường phải vận chuyển qua quốc gia thứ 3 như Ba Lan hay Romania hoặc một số thành viên NATO để sửa chữa. Quá trình này vừa tốn kém lại mất nhiều thời gian.
Các binh sĩ Mỹ luôn sẵn sàng hỗ trợ quân đội Ukraine về hậu cần và duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị, vũ khí.
Song quá trình này phải tiến hành qua trực tuyến hoặc đường dây điện thoại được bảo mật. Cách làm này cũng có những mặt hạn chế nhất định bởi binh sĩ Mỹ và nhà thầu quốc phòng không có điều kiện thao tác trực tiếp với vũ khí, trang thiết bị cần duy tu, bảo dưỡng.
"Bộ Quốc phòng Mỹ ra quyết định này sau khi cân nhắc kỹ lưỡng những rủi ro và có sự điều phối với những đối tác có liên quan. Mỗi nhà thầu, tổ chức hoặc công ty của Mỹ muốn tham gia sẽ phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn và an ninh cho nhân viên cũng như phải có kế hoạch giảm thiểu rủi ro trong hợp đồng đấu thầu", một quan chức quốc phòng Mỹ nói.
Sự thay đổi về chính sách không đồng nghĩa sẽ có lượng lớn nhà thầu quốc phòng Mỹ hiện diện tại Ukraine như từng xảy ra ở Iraq hay Afghanistan.
Thay vì thế, sẽ chỉ có vài chục đến vài trăm nhân viên nhà thầu được làm việc ở Ukraine trong cùng một thời điểm.
"Cần lưu ý đã có khá nhiều công ty Mỹ có nhân sự làm việc trong hợp đồng với Chính phủ Ukraine. Chính vì thế, quyết định mới này sẽ không làm gia tăng đáng kể số lượng công ty Mỹ hoạt động trên đất Ukraine", quan chức quốc phòng nói trên cho biết.
Hiện, vẫn chưa rõ Tổng thống mới đắc cử Donald Trump có tiếp tục duy trì chính sách của người tiền nhiệm khi ông tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2025 hay không. Ông Trump từng tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc chiến Nga - Ukraine trong vòng 24 kể từ khi ông quay trở lại nắm quyền.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận