Thầy Lê Xuân Quyết và các em học sinh Trường Tiểu học Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: M.T |
Khi đặt bút viết đơn tình nguyện ra đảo, những người thày, người cô đều không thể lường hết những khó khăn mà mình phải trải qua. Ấy vậy mà nhiều người trong số họ, sau thời hạn công tác lại lựa chọn gắn bó cả cuộc đời nơi đảo xa...
Không bao giờ ân hận...
Chương trình “Chia sẻ cùng thày cô” năm 2016, tuyên dương các thày giáo, cô giáo đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo do T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức từ ngày 11-13/11. Theo đó, 42 thày cô trên khắp vùng biển đảo cả nước đã được vinh danh trong dịp này.
Sinh ra và lớn lên ở đảo Cát Bà (Hải Phòng), nhưng khi quyết định tình nguyện chuyển ra Trường Tiểu học mẫu giáo Bạch Long Vĩ, cô giáo Vũ Thị Hà lại gặp nhiều ý kiến phản đối từ chính người thân. "Năm 1996, khi tôi xin chuyển trường, bạn bè, gia đình đều ngăn cản vì khi đó công việc đang ổn định tại một trường trên đất liền. Tuy nhiên, chẳng chút đắn đo, do dự, tôi vẫn quyết tâm ra đảo. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ mình là một thanh niên nhiệt huyết, không thiếu nghị lực, dù khó khăn tới đâu cũng sẽ vượt qua hết", cô Hà nhớ lại. Không ngờ, chuyến ra đảo đầu tiên của cô giáo trẻ lại trên một con tàu đánh cá đơn sơ, vào một hôm biển động, sóng đánh cao ngất trời.
Đặt chân lên đảo Bạch Long Vĩ, cô Hà tưởng như cạn sức, phải có người dìu đi rồi nằm li bì mất mấy hôm. “Trong buổi nhận lớp đầu tiên, những ánh mắt tròn xoe ngơ ngác nhìn tôi... Các em ở nơi xa xôi, thiệt thòi và thiếu thốn quá. Tôi tự nhủ lòng phải có trách nhiệm, bổn phận, tình yêu và là người mẹ thứ hai của các em", cô Hà chia sẻ.
Cứ thế, 20 năm trôi qua, cô Hà đã gắn bó với đảo Bạch Long Vĩ như quê hương thứ hai của mình. Suốt thời gian ấy, những nỗi nhọc nhằn, thiếu thốn vật chất, cô đều vượt qua không một lời than vãn. Thế nhưng, ít nhất cũng đã có hai biến cố xảy đến, cho tới bây giờ vẫn đè nặng trong trái tim của người giáo viên này. Đó là tháng 2/2002, nghe tin bố ốm nặng khó bề qua khỏi, cô Hà tìm mọi cách để tìm tàu trở về nhìn mặt ông lần cuối. Thế nhưng, nguyện vọng ấy cũng không thành, về tới nhà, cô chỉ kịp đưa tang cha. 10 năm sau, tin mẹ mất đúng vào hôm bão to, phải một tuần sau cô Hà mới về được nhà. "Người thân lần lượt ra đi, tuổi xuân của tôi cũng trôi qua trên đảo. Tuy vậy, tôi vẫn không ân hận khi đặt tình yêu, trách nhiệm lên mảnh đất này", cô Hà nghẹn ngào chia sẻ.
Ngay trong lễ tuyên dương lần này, vì trường học trên đảo vẫn thiếu giáo viên, cô Hà cũng không thể về Hà Nội tham dự. “Cũng có chút ngậm ngùi nhưng nghĩ lại, tình yêu của học trò trên đảo vẫn là phần thưởng vô giá”, cô Hà nói.
Quà 20/11 từ những mảnh giấy của học trò Trường Sa
“20 tuổi ra đảo dạy học, gần 20 năm sau lại lập gia đình trên đảo và bây giờ con trai lên 9 tuổi của mình cũng lớn lên trên đảo”, cô Nguyễn Thị Bích Thủy, giáo viên tại xã đảo Kiến Hải, Kiên Giang kể vắn tắt về thời gian 29 năm công tác của mình như thế. Bằng chất giọng rắn rỏi, cô Thủy chia sẻ: “Không nam tính, không mạnh mẽ thì khó có thể trụ được, thích nghi với vô vàn thiếu thốn nơi đảo xa. Cô đơn nhưng không phải muốn về lúc nào cũng được. Thường phải chờ tàu đánh cá của ngư dân ghé vào đảo, rồi đích thân lãnh đạo phải ra bảo lãnh với chủ tàu thì mới được cho quá giang...”, cô Thủy nói và kể lại: “Ngày đầu ra đảo, lớp học lợp tạm bằng lá, không điện, thiếu nước ngọt... Đa phần người dân đều không biết tới con chữ, họ quan niệm con cái mình chỉ cần có sức khỏe để đi biển là đủ”.
Thiếu lớp, thiếu giáo viên, một mình cô Thủy có thời gian phải đứng dạy bốn ca: Sáng - trưa - chiều - tối. Ban ngày thì dạy trẻ, ban đêm, cô Thủy lại xách đèn đi tới các điểm dạy xóa mù chữ ngay tại nhà dân. “Thời gian trôi đi, khi quay lại, bạn bè cùng trang lứa trong đất liền nhiều người đã làm hiệu trưởng các trường, mời mình về dạy nhưng cứ nghĩ bao nhiêu khó khăn cũng đã trải qua thì giờ đây chẳng còn gì có thể làm mình nản lòng nữa...”, cô Thủy tâm sự.
Là một trong những giáo viên trẻ tuổi nhất được tuyên dương, thày Lê Xuân Quyết (Trường Tiểu học Song Tử Tây, Trường Sa) cho hay: Từng nhận được rất nhiều cuộc gọi của thày, cô giáo trẻ, sinh viên sư phạm bày tỏ nguyện vọng muốn ra giảng dạy tại đảo. “Mỗi lần nhận điện thoại tôi vui lắm, thấy tình yêu nghề, tình yêu đất nước, biển đảo trong mình lại được nhân lên gấp bội”.
Theo thày Quyết, trường học trên đảo Song Tử Tây hiện chỉ có 14 học sinh từ lứa tuổi mầm non tới tiểu học, cùng hai thày giáo thay phiên nhau đứng lớp. “Lớp thưa nên người thày vừa như gia sư vừa như người anh. Chỉ thương các em nhỏ mùa nắng thì nóng rát mặt, mùa mưa thì thường xuyên bão biển ghé qua...”, thày Quyết nói. Những giờ không đứng lớp, thày giáo trẻ lại cùng học sinh tăng gia, trồng rau, ra biển đánh bắt cá... Chính vì thế, ở nơi đảo xa, khí hậu khắc nghiệt, tình thày trò cũng có phần đặc biệt hơn.
Nhớ về ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thày Quyết xúc động chia sẻ: “Các em ở đảo tuy còn nhỏ nhưng vào dịp kỷ niệm ngày 20/11, trước đó hai, ba ngày đã xì xào to nhỏ bàn với nhau. Ngoài đảo không có hoa tươi, thay vào đó các em làm những bông hoa giấy. Có những em còn viết lời chúc vào những mảnh giấy xé từ vở học sinh, mang tới lớp kẹp trên bàn giáo viên. Các em chúc “thày công tác tốt nơi biển đảo xa xôi, khỏe mạnh để bám đảo dạy chữ”... Và tôi biết đó là những lời chúc từ tận đáy lòng các em”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận