Đối với những người mắc bệnh gout, khái niệm về axit uric có lẽ không còn quá xa lạ. Đây là một chất thừa, sản phẩm của quá trình chuyển hóa tự nhiên trong cơ thể. Nếu nồng độ axit uric trong máu tăng cao sẽ gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe con người, đặc biệt đây cũng là nguyên nhân chính gây ra bệnh gout.
Một khi cơ thể tích tụ quá nhiều axit uric, chúng sẽ dễ dàng kết tinh thành muối urát. Các tinh thể muối này tích tụ ở các khớp, lâu ngày thoái hóa thành các hạt tophi, gây ra tình trạng viêm và đau nhức.
Với những bệnh nhân gặp tình trạng tăng axit uric trong máu, có khoảng 5 – 12% trong số đó cuối cùng sẽ phát triển thành bệnh gout. Một khi nồng độ axit uric tăng cao, sẽ có những biểu hiện sau:
- Khớp sưng đỏ
- Đột ngột ngứa ran các khớp
- Thường xuyên đau lưng mà không rõ lý do
- Huyết áp và đường huyết đột ngột tăng cao bất thường
- Nửa đêm khát nước không chịu được, dù có uống nhiều nước cũng không cải thiện
Bệnh gout thường kéo dài dai dẳng, gây nhiều bất tiện và đau đớn cho người mắc phải. Do đó nếu muốn bệnh tình thuyên giảm, người bệnh cần phải kiểm soát kỹ lưỡng một số thói quen ăn uống và sinh hoạt thường ngày của mình.
Những loại đồ uống mà người bị bệnh gout không nên dùng
Bia
Nếu axit uric cao, cần tránh uống các loại đồ uống có cồn, đặc biệt là bia. Khi rượu bia tiến vào cơ thể, chúng sẽ làm gia tăng axit uric và ức chế quá trình đào thải chất này ra ngoài, khiến nồng độ axit uric trong máu tăng vọt.
Mặt khác, trong bia có chứa vitamin B1 là một chất xúc tác phân hủy các nucleotide purine và sản sinh ra nhiều axit uric.
Nước ngọt
Các nghiên cứu khoa học cho biết, nếu uống một lon nước ngọt có đường mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout lên tới 70%, uống từ 2 lon trở lên thì con số này sẽ tăng lên gấp 2,4 lần.
Nước trái cây
Mặc dù trái cây rất tốt cho sức khỏe nhưng chúng ta chỉ nên ăn chúng trực tiếp, hạn chế tối đa việc ép lấy nước. Nguyên nhân là do trong quá trình ép nước, phần lớn chất xơ bị loại bỏ, nước trái cây khi ép xong chứa một lượng lớn đường fructose. Đây là một chất có thể thúc đẩy quá trình tổng hợp axit uric và ức chế cơ thể bài tiết chất này.
Những thói quen người mắc bệnh gout cần thay đổi
Ăn nhậu cùng hải sản
Như đã nói ở trên, các đồ uống có cồn có thể khiến nồng độ axit uric tăng cao. Trong khi đó, hầu hết các loại hải sản đều có hàm lượng purin cao và thúc đẩy quá trình tạo axit uric.
Thường xuyên nhịn tiểu
Đi tiểu là một hành vi sinh lý hết sức bình thường, tuy nhiên không ít người lại có thói quen nhịn tiểu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nên biết, axit uric chủ yếu được đào thải thông qua nước tiểu, nếu nhịn tiểu sẽ khiến cho axit uric bị ứ lại. Thời gian dài, nó không chỉ khiến gây nên bệnh gout mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến thận.
Lười vận động
Trong cuộc sống ngày nay, con người càng ngày càng lười vận động. Tuy nhiên thói quen này có thể dẫn đến tình trạng tích nước và natri trong cơ thể,làm cho máu lưu thông kém, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa và bài tiết axit uric.
Nếu muốn thiểu nguy cơ mắc bệnh gout, chúng ta cần thường xuyên bổ sung nhiều loại rau củ, đặc biệt cải thảo và măng tây. Hai loại rau này đều có tác dụng làm dịu cơn khát, lợi tiểu, nhuận tràng, ích ngũ tạng, kích thích ngon miệng và giúp đào thải axit uric.
Bên cạnh đó những người mắc bệnh gout cần phải thường xuyên kiểm soát cân nặng của mình, giữ cân nặng ở mức ổn định. Béo phì là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều bệnh mãn tính, trong đó bao gồm cả gout.
Ngoài ra nên thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Hầu hết những người thừa axit uric thường không cảm nhận được sự khó chịu quá rõ ràng. Đến khi cơ thể phát ra các triệu chứng như đường huyết cao, sỏi thận, v.v... thì bệnh đã ở mức nghiêm trọng. Bởi vậy, việc theo dõi nồng độ axit uric thường xuyên vô cùng cần thiết. Một khi giá trị axit uric vượt quá 520μmol / L, dù người bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào cũng cần phải lập tức có các biện phát can thiệp để hạ nồng độ axit uric ngay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận