1. Bất ổn chính trị tại Sri Lanka
Bất ổn tại đất nước Nam Á đang leo thang từng ngày khi tất cả 26 bộ trưởng trong nội các nước này, ngoại trừ Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và người anh em ruột là Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, đã nộp đơn từ chức.
Khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng; thiếu lương thực, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác; lạm phát kỷ lục đã khiến người dân tổ chức biểu tình quy mô lớn và nảy sinh nhiều nguy cơ bạo loạn.
Biểu tình rầm rộ tại Sri Lanka. Ảnh - Reuters
2. Trung Quốc huy động quân đội, nhân viên y tế xét nghiệm toàn dân Thượng Hải
Trung Quốc, ngày 4/4, đã cử quân đội và hàng nghìn nhân viên y tế đến Thượng Hải để giúp thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho tất cả 26 triệu cư dân thành phố này.
Một số người dân được yêu cầu dậy sớm để xét nghiệm axit nucleic ngay tại khu dân cư.
Cảnh xét nghiệm toàn dân tại Thượng Hải
3. Ông Viktor Orban tái đắc cử Thủ tướng Hungary
Nhà lãnh đạo Hungary Viktor Orban đã tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội nước này, đánh dấu nhiệm kỳ lãnh đạo thứ tư liên tiếp.
Hội đồng bầu cử quốc gia Hungary cho biết, đảng Fidesz của Thủ tướng đương nhiệm Orban đã giành chiến thắng với 71% số phiếu, đảm bảo cho chính đảng của ông chiếm khoảng 2/3 số ghế trong Quốc hội.
Lãnh đạo phe đối lập Peter Marki-Zay thậm chí còn không giành được chiến thắng ở chính nơi ông từng là thị trưởng.
Nhà lãnh đạo Hungary Viktor Orban giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ 4
4. Bất đồng chính trị sâu sắc tại Pakistan
Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã hủy bỏ cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với ông và ra lệnh giải tán Quốc hội nhằm chuẩn bị cho một cuộc bầu cử mới. Tòa án hiến pháp Pakistan chưa phê chuẩn động thái này.
Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc tranh chấp gay gắt giữa ông Khan và phe đối lập, vốn dẫn tới hàng loạt cuộc biểu tình.
Phe đối lập lâu nay cáo buộc ông Khan đưa ra nhiều chính sách kinh tế sai lầm và sẵn sàng bỏ phiếu hạ bệ ông Khan.
Một cuộc biểu tình tại Pakistan. Ảnh - AP
5. Lễ trao giải Grammy đầy bất ngờ
Lễ trao giải Grammy lần thứ 64 năm 2022 - sự kiện thường niên nhằm vinh danh những màn trình diễn xuất sắc trong thế giới âm nhạc, đã khai mạc sáng 4/4 (giờ Việt Nam).
Hiện tượng nhạc pop tuổi teen Olivia Rodrigo và nhóm nhạc Silk Sonic - gồm hai thành viên Bruno Mars và Andenson Paak - đã thống trị các hạng mục chính.
Olivia Rodrigo nhận 3 giải, gồm “Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất”, “Album Pop xuất sắc nhất” (dành cho “Sour”) và “Trình diễn đơn ca nhạc Pop xuất sắc nhất” (dành cho “Driver”s Lisence"). Silk Sonic đoạt giải “Bài hát của năm” cho ca khúc “Leave the Door Open”.
Giải Album của năm đã về tay Jon Batiste với album “We are”.
Thảm đỏ của Lễ trao giải Grammy. Ảnh - AP
6. Đã có kết quả bầu cử tại Serbia
Theo thông báo của Ủy ban Bầu cử Nhà nước Serbia ngày 4/4, trong cuộc bầu cử tổng thống nước này, Tổng thống đương nhiệm của Serbia, Aleksandar Vucic, đã giành được 59,5% số phiếu, sau khi 87,67% số phiếu bầu đã được kiểm.
Đảng Cấp tiến Serbia (SNS) cầm quyền của ông Vucic cũng giành được 43,4% số phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội.
Theo kết quả này, vị trí tổng thống đắc cử của ông Vucic đã được xác lập và đảng của ông có thể thành lập chính phủ kế nhiệm bằng cách liên minh với các đảng khác để chiếm đa số ghế trong quốc hội 250 thành viên.
Tổng thống đương nhiệm của Serbia - Aleksandar Vucic. Ảnh - Reuters
7. Tháng lễ Ramadan
Hoạt động trang trí cho tháng lễ Ramadan tại Jordan. Ảnh - Tân Hoa Xã
Từ ngày 2/4-2/5, người dân tại các quốc gia Hồi giáo trên thế giới bắt đầu bước vào tháng lễ Ramadan, một trong những dịp lễ quan trọng của đạo Hồi.
Trong thời gian này, các tín đồ không được ăn, uống hay hút thuốc từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Sau khi mặt trời lặn, các tín đồ sẽ có bữa ăn tối, được gọi là Iftar.
Tại Ả Rập, bánh Baklava, bánh tart mousse kunafa và bánh trứng sữa caramel là những món tráng miệng truyền thống phổ biến nhất trong tháng Ramadan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận