Giao thông

Những “thủ lĩnh” trọn đời theo nghiệp Công đoàn

16/07/2016, 09:04

50 năm truyền thống, các lớp cán bộ Công đoàn GTVT luôn khẳng định vai trò thủ lĩnh của người lao động.

14

Ông Vũ Minh Tâm, nguyên Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam (1993 - 2013) xúc động kể lại những kỷ niệm khó quên trong thời gian hoạt động công đoàn (Chụp tại buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Công đoàn GTVT Việt Nam tháng 7/2014)

Gắn bó cả đời với công tác công đoàn

Nhiều lần dự kỷ niệm ngày truyền thống Công đoàn GTVT VN (18/11), tôi thực sự cảm kích trước sự phát triển và trưởng thành của đội ngũ CNLĐ. 50 năm một chặng đường ghi nhiều dấu ấn của thời kì cùng cả nước “Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi” làm nên khải hoàn đại thắng mùa xuân năm 1975; Rồi 10 năm khôi phục, phát triền giao thông thời hậu chiến, bao cấp, cấm vận và 30 năm chung sức đổi mới toàn diện, GTVT thực sự đi trước mở đường, góp phần làm cho đất nước khang trang hiện đại.

Những năm qua, phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn thực sự phát triển nhận được sự tín nhiệm và đồng hành của người lao động. Hơn 300 cán bộ Công đoàn chuyên trách một thời, tới nay trong quá trình sắp xếp, cải cách, cổ phần hóa còn hơn 100 người và hàng nghìn cán bộ bán chuyên trách tại các đơn vị. Họ là cán bộ của quần chúng, được đào tạo, rèn luyện, có bản lĩnh, luôn đặt lợi ích tập thể trên cá nhân, lặn lội, gắn bó cả cuộc đời vì sự ổn định và phát triển của cơ quan, đơn vị.

Mỗi lần gặp mặt là sự động viên, tri ân đóng góp và chia sẻ với các thế hệ. Đâu đó cũng phảng phất nỗi buồn vì sự thiếu vắng dần những gương mặt thân quen do tuổi cao sức yếu hay quy luật sinh tử. Họ là những cán bộ cựu trào cả đời gắn bó với cơ sở như các anh: Trần Chánh, nguyên Hiệu trưởng Trường Công đoàn, thư ký, Chủ tịch Công đoàn Cục Công trình II - CIENCO 1; Nguyễn Hữu Chúc, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Công đoàn, Trưởng ban Thi đua Tuyên giáo Công đoàn ngành, Chủ tịch Công đoàn Tổng cục Đường biển - Tổng công ty Hàng hải VN... Những cán bộ có tâm có tầm, cầm tay chỉ việc, lăn lộn với các phong trào “tay búa, tay súng vì miền Nam ruột thịt”, khôi phục, phát triển giao thông.

Nhớ một thời chiến tranh ác liệt, phương tiện vận tải lạc hậu, cũ nát, đường sá đi lại khó khăn. Mỗi chuyến công tác, mọi người phải lo tư trang như quần áo chăn màn, tem phiếu để báo cơm nhà ăn tập thể của công ty, xí nghiệp. Lái xe lo xăng dầu, dụng cụ sửa chữa và cả dẻ lau, đề phòng đang đi xe chết máy. Ngoài ra, phải tính toán cung đường sao cho hợp lý, không may nhỡ đường vì xe hỏng hoặc mưa bão sụt trượt, phải tá túc một vài ngày, tháng lương đó coi như đi đứt.

Sáng tạo trong hoạt động

Sau hòa bình, nhiệm vụ của Công đoàn ngành là phải chỉ đạo phạm vi toàn quốc, gồm trực tiếp chỉ đạo Công đoàn các cục, liên hiệp xí nghiệp, công ty, viện, trường… và phối hợp chỉ đạo Công đoàn các sở GTVT thi đua phát triển đất nước. Lớp cán bộ đầu tiên Nam tiến năm 1978 là các anh: Vũ Mạnh, Chu Hữu Chuyền, Nguyễn Hữu Tuấn.

Sau một thời gian công tác, anh Hữu Tuấn được luân chuyển ra Bắc, sau này làm Chủ tịch Công đoàn Liên hiệp Đường thủy - Công đoàn Cục Đường sông VN - Công đoàn Cục Đường thủy nội địa VN. Còn hai anh Vũ Mạnh và Hữu Chuyền đưa vợ con vào gắn bó cả đời với với sự nghiệp, làm Chủ tịch Công đoàn TCT Xây dựng công trình giao thông 6 và Công đoàn Khu Quản lý đường bộ 7 là những đơn vị trụ cột, tiêu biểu phía Nam.

Kỉ niệm 50 năm thành lập Công đoàn GTVT VN (18/11/1966 - 18/11/2016), nhiều hoạt động thiết thực đang được các cấp Công đoàn triển khai. Nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Trong tình hình mới hiện nay rất cần sự chủ động đổi mới tư duy hoạt động của cán bộ, tập hợp, tổ chức phong trào quần chúng, đột phá, mở đường, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Năm 1993, anh Nguyễn Ngoan được điều động làm Phó ban Thường trực cùng anh Vũ Mạnh, ủy viên thường vụ Công đoàn ngành chủ động triển khai các nội dung hoạt động và chế độ thông tin báo cáo thường xuyên, đều khắp các đơn vị giao thông, nhất là phong trào thi đua xây dựng giao thông nông thôn, phong trào xóa đói giảm nghèo… tạo mô hình hoạt động ngành nghề hiệu quả.

Nhiều nội dung hoạt động hay, sáng tạo, thu phục và tập hợp được đông đảo người lao động như đổi mới nội dung, phương pháp sinh hoạt theo từng chuyên đề sản xuất, tư tưởng, kiến nghị đề xuất tháo gỡ khó khăn… Các anh Lã Hữu Ly, Ngô Văn Thuyết, Chủ tịch Công đoàn TCT Xây dựng Thăng Long đã khởi xướng và duy trì hoạt động: Tổ trưởng công đoàn, tổ trưởng sản xuất chuẩn bị kĩ nội dung, mời chủ tịch hoặc phó chủ tịch hoặc đại diện BCH của Công đoàn TCT dự giải đáp kiến nghị; Khen thưởng vật chất tại chỗ các cá nhân, tập thể tiêu biểu. Hàng tháng, Công đoàn TCT xây dựng chương trình công tác, phân công cán bộ đi cơ sở, có sổ theo dõi đánh giá kết quả thực hiện. Do vậy, hoạt động Công đoàn sát thực với người lao động, khắc phục bệnh thành tích phô trương.

Cũng từ những sáng tạo trên, năm 2010 Công đoàn TCT Xây dựng Thăng Long được Công đoàn ngành báo cáo Tổng Liên đoàn chọn là thí điểm thực hiện hoạt động Công đoàn theo mô hình công ty mẹ - con, cổ phần hóa mà giờ đây không chỉ được nhân lên trong ngành GTVT mà còn được các ngành trong cả nước nghiên cứu áp dụng.

Nhiều tấm gương tâm huyết luôn nêu cao trách nhiệm, thường xuyên thăm hỏi, chăm lo cho người lao động từ nơi ăn chốn ở, nơi làm việc, sinh hoạt, chủ động bám sát chỉ đạo của ngành phối hợp các hoạt động ngành nghề như các “nữ tướng” Cao Thị Hồng, nguyên Phó chủ tịch Công đoàn ngành; Nguyễn Thị Xuân, Trưởng ban Nữ công; Đinh Thị Thanh, Chủ tịch Công đoàn GTVT Hà Tĩnh; Nguyễn Thị Mỵ, Vũ Thị Ngoãn, Công đoàn GTVT TP HCM… Và còn biết bao cán bộ Công đoàn cơ sở hàng ngày tính toán lo liệu hoàn thành trách nhiệm của mình với người lao động, góp phần xây dựng ngành ổn định và phát triển.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.