Vở diễn “Ngạ Quỷ” lần đầu có những thử nghiệm táo bạo |
Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa cho ra mắt vở Ngạ Quỷ với nhiều thử nghiệm táo bạo thay đổi diện mạo mới cho nghệ thuật cải lương, tuy nhiên vẫn còn vấp phải nhiều khó khăn.
Lần đầu tiên, nghệ thuật cải lương kết hợp với rối
Ngạ Quỷ là vở cải lương được chuyển thể từ tác phẩm của nhà sư - Đại đức Thích Nguyên Thanh. Vở diễn thuộc thể loại giả tưởng kết hợp hư cấu lịch sử, dùng các sự kiện lịch sử có thật. Chuyện kịch được kết cấu từ hai khối sự kiện lịch sử của hai nền văn hóa cách nhau hàng nghìn năm. Đó là chuyện về vụ án chu di tam tộc nhà họ Triệu ở thế kỷ thứ V trước Công nguyên, vào thời Xuân thu – Trung Quốc và câu chuyện thứ hai là về hôn quân Nhật Lễ thời nhà Trần (Đại Việt) vào nửa cuối thế kỷ XIV.
Trong vụ án chu di tam tộc nhà họ Triệu có nhân vật phản diện là Đồ Ngạ Giả. Chính người này đã hãm hại và đẩy gia đình họ Triệu lâm vào án chu di. Vở Ngạ Quỷ đã lấy nhân vật Đồ Ngạ Giả làm đại diện điển hình cho cái ác không thể hóa giải. Trong khi đó, bối cảnh vở cải lương diễn ra vào thời nhà Trần. Vua Trần Nhật Lễ thực tế là con của một kép hát tên Dương Khương. Sau khi phát hiện mình không mang dòng máu họ Trần, đồng thời Hiến Từ Thái Thượng Thái Hậu lại tỏ ý hối hận việc lập Nhật Lễ lên ngôi, Nhật Lễ đã ra tay sát hại Hiến Từ Thái Thượng Thái Hậu, mưu đồ lật đổ triều Trần để thay thế bằng triều Dương.
Điều ấn tượng trong vở diễn lần này là Nhà hát Cải lương thử nghiệm nhiều yếu tố sáng tạo trong trình diễn. Đó là thử nghiệm về bố cục không gian, thời gian khi sân khấu được trang trí bằng một hình bánh xe luân hồi, với hai mặt bố trí hai biểu trưng về cuộc sống vương giả nơi cung đình và cuộc sống bần hàn nơi dân dã. Không chỉ vậy, phục trang cũng được mô phỏng không theo nguyên bản trong triều đại phong kiến mà được thực hiện với phong cách biểu trưng.
Đặc biệt, vở diễn còn là sự kết hợp lần đầu giữa hai loại hình nghệ thuật cải lương và múa rối. Bên cạnh cải lương, những con rối tay, rối que, rối người đều lần lượt xuất hiện trong vở diễn nhằm diễn tả câu chuyện những con rối trong các trò diễn xướng dân gian xưa bị quỷ ám. Những con rối này cũng là nhân vật trung gian kết nối hai sự kiện lịch sử được nêu trong vở diễn.
Khó khăn với thể loại giả tưởng
Ngạ Quỷ là tác phẩm được Bộ VH,TT&DL đặt hàng và được dàn dựng trong gần hai tháng với hơn 30 diễn viên. Ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Nhà hát Cải lương tiết lộ, hiện tại, kinh phí cho vở diễn vẫn chưa được tổng kết hoàn chỉnh để báo cáo lên Bộ nên tiền dàn dựng vẫn do nhà hát tự lo. Cùng đó, NSƯT Triệu Trung Kiên, đạo diễn vở cải lương Ngạ Quỷ cho hay, vở diễn rất khó dàn dựng vì mang tính giả tưởng và còn kết hợp giữa hai nền văn hóa cách nhau hàng nghìn năm. Khó khăn lớn nhất chính là việc sắp xếp và dựng như thế nào để khán giả không nhàm chán nhưng vẫn có thể hiểu được nội dung câu chuyện.
Vở diễn đã đặt ra nhiều thứ rất lạ, lần đầu tiên xuất hiện. Ngạ Quỷ có nhiều yếu tố liêu trai, có ảo và thực, có chút gì đó kinh dị và hơi hoang đường, nhưng lại đặt trong giai đoạn rất cụ thể”. NSƯT Lê Chức |
NSƯT Triệu Trung Kiên nói: “Ngay từ đầu, vở diễn đã được xác định với ý định thử nghiệm. Chúng tôi phải cân nhắc xem thử nghiệm cái gì và thử nghiệm thế nào để vừa tìm được hướng đi mới cho sân khấu, vừa phải đồng hành với khán giả, để khán giả có thể hiểu và chung mạch cảm xúc, suy nghĩ với nhân vật…”.
Còn đối với nghệ sĩ cải lương Văn Đáng, vai diễn Dương Khương thực sự khiến anh “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Trong vai Dương Khương, nghệ sĩ Văn Đáng vừa phải biểu diễn cải lương, vừa phải múa rối, điều này từng khiến anh mất ăn, mất ngủ những ngày đầu tập luyện. “Tôi phải lấy những con gấu bông của con gái để tập luyện. Thông thường một diễn viên thể hiện một nhân vật đã khó rồi, vai Dương Khương của tôi phải thể hiện tới bốn nhân vật”, nghệ sĩ Văn Đáng dí dỏm.
Tham gia liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm
Ngạ Quỷ dự định đăng ký tham gia Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm 2016 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức. Đây cũng là điều mà ê-kíp nhà hát trăn trở và lo lắng, bởi trước mắt phải chờ Bộ VH,TT&DL nghiệm thu. Theo NSƯT Triệu Trung Kiên, nhà hát đặt tiêu chí thử nghiệm là chính, sau khi làm tốt thì vở diễn sẽ đi phục vụ những đối tượng khán giả khác nhau. NSƯT Triệu Trung Kiên tiết lộ, nhà hát dự định sẽ dựng nhiều mức độ biểu diễn cho vở Ngạ Quỷ để có thể diễn trên nhiều mô hình sân khấu và phục vụ được nhiều tầng lớp khán giả với những trình độ thẩm định khác nhau. Kinh phí hạn hẹp, sân khấu nhỏ thì sẽ rút gọn vở diễn.
Nói về việc có tự tin vở diễn có thể bán vé nếu được nghiệm thu và ra rạp hay không, ông Kiên tỏ vẻ khá e ngại. Phó giám đốc Nhà hát Cải lương nhìn nhận, việc bán vé luôn là điều mà các nhà hát trăn trở. Ngoài ra, khán giả ở miền Bắc vẫn có tâm lý và thói quen xem miễn phí chứ không bỏ tiền mua vé đi xem sân khấu. Do đó, khó có thể đo mức độ thành công và chất lượng của một vở diễn dựa trên việc bán vé. Tuy nhiên, NSƯT Trung Kiên khẳng định, trong lúc xã hội chưa hình thành thói quen mua vé, bản thân các nghệ sĩ vẫn đang cố gắng hết sức để chinh phục khán giả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận