Xã hội

Những tỉnh nào có thể sáp nhập theo đề án của Bộ Nội vụ?

17/07/2021, 14:59

Theo Bộ Nội vụ, trường hợp không đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính, địa phương phải sáp nhập, sắp xếp.

Bộ Nội vụ vừa có dự thảo báo cáo, tờ trình và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để lấy ý kiến người dân.

Tại đây, Bộ Nội vụ quy định tiêu chuẩn mới cho đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố, huyện, thị xã. Dự kiến quý I/2022, việc sắp xếp lại các đơn vị hành cấp huyện, cấp xã và làm điểm ở cấp tỉnh sẽ diễn ra.
img

Một góc TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh (Ảnh minh họa)

Với tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bộ chia thành 2 loại là tỉnh miền núi, vùng cao và còn lại.

Về quy mô dân số: Đối với tỉnh miền núi, vùng cao, có quy mô dân số từ 900 nghìn người trở lên. Trường hợp tỉnh có diện tích tự nhiên rộng từ 150% trở lên so với mức tiêu chuẩn được quy định thì quy mô dân số từ 700 nghìn người trở lên.

Với các tỉnh khác, dân số từ 1,4 triệu người trở lên và diện tích tự nhiên trên 5.000 km2.

Bộ Nội vụ cho biết việc sửa đổi quy định về tiêu chuẩn quy mô dân số của địa phương miền núi, vùng cao sẽ theo hướng tỉnh, huyện có diện tích tự nhiên rộng hơn 150% trở lên so với mức tiêu chuẩn thì quy mô dân số được giảm 25% so với quy định.

Điều này nhằm phù hợp với đặc thù của đơn vị hành chính miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên lớn, địa hình phức tạp, dân số ít. Với đơn vị hành chính thành phố trực thuộc tỉnh thì quy mô dân số ít nhất là 180.000 người.

Riêng với thành phố thuộc thành phố, quy mô dân số được quy định từ 250.000 người trở lên. Diện tích tự nhiên từ 150 km2 trở lên. Số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc có ít nhất 10 đơn vị. Số phường đạt từ 70% trở lên so với tổng số đơn vị hành chính cấp xã.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019 của Tổng Cục Thống kê cho thấy, có 5 tỉnh ít dân nhất là các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc. Trong đó, Bắc Kạn là tỉnh ít dân nhất, chỉ với 314 nghìn người.

Đứng thứ hai là Lai Châu, tỉnh có diện tích lớn nhưng dân số chỉ hơn 460 nghìn người. Đứng vị trí thứ 3 là Cao Bằng với trên 530 nghìn người.

Có 2 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên dân số ít là Kon Tum với 540 nghìn người và Đắk Nông có 622 nghìn người.

Về diện tích tự nhiên, Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất chỉ với 822,7 km2. Đứng vị trí thứ hai là tỉnh Hà Nam với 860,9 km2, thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, giáp nhiều tỉnh như Hà Nội, Nam Định, Thái Bình.

Tỉnh diện tích nhỏ nhất kế tiếp là Hưng Yên với 930,2 km2. Vĩnh Phúc ở vị trí thứ tư trong số các tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam và Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng chỉ với diện tích 1.284,9 km2, đứng thứ năm trong số các tỉnh, thành có diện tích nhỏ nhất.

Theo dự thảo của Bộ Nội vụ, các đơn vị hành chính phải được rà soát, đánh giá theo tiêu chuẩn mới quy định tại Nghị quyết. Trường hợp không đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính, địa phương phải sáp nhập, sắp xếp theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, theo dự thảo này, những tỉnh miền núi, vùng cao diện tích dưới 8.000km2, dân số dưới 900.000 người, những tỉnh còn lại có diện tích dưới 5.000km2 sẽ phải sáp nhập, sắp xếp.

Ngoài ra, việc thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính sẽ căn cứ thêm các yếu tố về bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh, bảo tồn, phát triển di sản văn hóa, lịch sử và du lịch quốc gia.

Dự kiến quý I/2022, việc sắp xếp lại các đơn vị hành cấp huyện, cấp xã và làm điểm ở cấp tỉnh sẽ diễn ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.