Góc nhìn

Những toan tính trong cuộc gặp giữa ông Donald Trump và Kim Jong-un

22/03/2018, 07:24

Cuộc gặp giữa ông Donald Trump và Kim Jong-un vào tháng 5 tới là một sự kiện được trông đợi từ nhiều bên...

22

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Cuộc gặp giữa ông Donald Trump và Kim Jong-un vào tháng 5 tới là một sự kiện được trông đợi từ nhiều bên có liên quan. Mỹ và Triều Tiên sẽ được hưởng lợi gì từ việc đàm phán này; Hàn Quốc, Nhật Bản kỳ vọng ra sao là những câu hỏi khiến các nhà quan sát đang đi tìm câu trả lời.

Lợi ích của Mỹ và Triều Tiên

Một bài bình luận trên báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP) hôm 21/3 nêu quan điểm rằng, quyết định nhận lời gặp mặt lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un của ông Donald Trump đã gây bất ngờ khi khả năng chấm dứt chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng chưa rõ ràng.

Tuy nhiên, điều này được lý giải rằng, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đang thúc đẩy các hành động vượt trội hơn những người tiền nhiệm nhằm tranh thủ sự ủng hộ cho cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.

Câu hỏi về nội dung các thỏa thuận (nếu có) vẫn liên tục được đặt ra cùng nhiều hoài nghi hội nghị thượng đỉnh giữa ông Trump và Kim có thể bị đổ vỡ hoặc lùi lại sau tháng 5.

Bởi, trong suốt năm đầu tiên lên nắm quyền, ông Donald Trump đã nhiều lần đe dọa và kích bác nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, thậm chí ông chủ Nhà Trắng từng cho rằng, đàm phán sẽ không giải quyết được vấn đề Triều Tiên.

Theo các chuyên gia, “phi hạt nhân hóa” sẽ là mục tiêu trong dài hạn, nhưng chí ít ông Trump cũng kỳ vọng về việc phóng thích các công dân Mỹ bị giam giữ tại Triều Tiên như một thành tựu ngoại giao nổi bật của chính quyền ông, ngay trước cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ.

Triều Tiên không đưa ra lời bình luận nào kể từ sau tuyên bố đồng ý thu xếp một cuộc gặp thượng đỉnh từ phía Mỹ.

Điều này cũng không đáng ngạc nhiên vì Bình Nhưỡng thường tiếp cận đàm phán hạt nhân với sự lập lờ có chủ ý, đặc biệt khi xác định phi hạt nhân hóa là mục tiêu. Nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn có thể đối mặt với sự bốc đồng của ông Trump trong cuộc chơi này.

Ở một mức độ nào đó, một sự đối đầu chưa từng có với Tổng thống Mỹ lại đem đến một sự nhượng bộ, vốn là mong muốn lâu dài của Bình Nhưỡng.

Rõ ràng, một hội nghị thượng đỉnh về mục tiêu chiến lược như vậy thường sẽ mất vài tháng, nếu không cũng mất nhiều năm. Nhưng đổi lại, sự leo thang về mặt ngoại giao của Washington đối với Bình Nhưỡng đã giảm đáng kể.

Nhận diện về mục tiêu của Triều Tiên, Giáo sư Đại học Havard Joseph S.Nye, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ cho hay, hơn ai hết, trong cuộc chơi rủi ro cao này, ông Kim Jong-un không muốn một cuộc giao tranh hạt nhân với Mỹ vì điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt triều đại mà ông đang muốn duy trì.

Giới phân tích cho rằng, Triều Tiên đã sở hữu vũ khí hạt nhân hơn 10 năm nay; chúng hoàn toàn có thể được đưa tới các cảng biển ở Mỹ, cả bờ Đông lẫn bờ Tây, bằng nhiều phương tiện, ví dụ như trong khoang chứa của tàu hàng. Triều Tiên đe dọa Mỹ là biện pháp chế độ Kim Jong-un tìm kiếm để bảo đảm sự tồn tại lâu dài của mình.

Lợi ích Hàn Quốc, Nhật Bản

Bằng cách theo đuổi chính sách hứa hẹn với Bình Nhưỡng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã điều hướng mối quan hệ Mỹ - Triều Tiên khỏi sự đối đầu, ít nhất là trong ngắn hạn. Những kỳ vọng về một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên rất gần với mục tiêu mà ông Moon theo đuổi ở Hội nghị liên Triều là có được cam kết thực sự về phi hạt nhân hóa từ Bình Nhưỡng.

Trái ngược với Hàn Quốc, Nhật Bản tỏ thái độ hoài nghi về cuộc gặp “vội vã” giữa ông Trump và Kim vì lo ngại rằng, mong muốn của ông Trump về thành công ngoại giao có thể dẫn đến việc Washington gạt quyền lợi của đồng minh Mỹ sang một bên.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ thăm Washington vào tháng 4 trước khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên bắt đầu. Dự đoán đây sẽ là bài kiểm tra lớn nhất về kỹ năng điều hướng đồng minh của ông Abe.

Những phân tích trên nhằm nhận diện những kỳ vọng và mối tương quan giữa các bên liên quan đến bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Liệu có điều gì tích cực đạt được trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên khi cơ hội về giải trừ vũ khí hạt nhân còn xa tầm tay?

Việc thiết lập đường dây quân sự Mỹ - Triều Tiên trực tiếp có lẽ là mục tiêu hữu ích và sẽ “dễ kiếm nhất” cho cả hai bên. Còn nếu hội nghị thượng đỉnh sụp đổ khi không có một mục tiêu nào đạt được thì đây có thể là sự chấm dứt những nỗ lực ngoại giao của Mỹ dưới chính quyền ông Trump và thúc đẩy con đường dẫn đến chiến tranh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.