Xã hội

Những trợ thủ đắc lực của nhà báo điều tra

20/06/2023, 13:32

Với sự tiến bộ của công nghệ, nhiều phóng viên đã biến các thiết bị như flycam, camera hành trình… thành trợ thủ đắc lực khi làm bài điều tra...

Cánh tay nối dài của nhà báo

Cuối năm 2022, bài báo “Dòng sông ở Sài Gòn bị biệt thự xâm lấn mỗi ngày” đăng trên Báo Tuổi trẻ thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Để thực hiện loạt bài này, nhà báo Tự Trung đã kỳ công theo dõi từ rất nhiều tháng. Từ thời điểm biệt thự này chưa lấn sông Rạch Đĩa, đến mấy tháng sau đã thấy mảnh đất rộng ra hàng nghìn m2.

img

Phóng viên dùng flycam ghi lại toàn cảnh dự án Thủy điện Phú Tân 2 trong loạt bài điều tra: “Nhiều dầu hiệu sai phạm tại dự án Thủy điện Phú Tân 2” trên Báo Giao thông

Từ các bức ảnh chụp bằng flycam thời điểm trước đó mấy tháng và thời điểm sau đã chứng minh chủ biệt thự đã lấn chiếm dòng sông một cách rõ ràng.

Nếu không có công nghệ flycam để bay chụp từ trên cao xuống, khó có những bức ảnh để minh chứng rõ ràng cho sự việc này. Ngay sau bài báo, các cơ quan, ban, ngành đã vào cuộc làm sáng tỏ vụ việc.

Mới đây, Báo Giao thông đăng tải loạt bài điều tra “Nhiều dầu hiệu sai phạm tại dự án Thủy điện Phú Tân 2”. Hình ảnh trong các bài viết được trích xuất từ gần 32GB dữ liệu flycam trong suốt 5 tháng, để cho thấy môi trường, đường sá bị biến đổi ra sao thời điểm trước và sau khi thi công dự án.

Với địa hình rộng lớn hàng chục hecta mà công trình thủy điện đang thi công, việc sử dụng flycam ghi nhận toàn cảnh trước khi phân tích chi tiết giúp rút ngắn khoảng thời gian thực tế rất nhiều. Để từ đó, nhà báo có thể chọn được hướng khai thác nội dung phù hợp với tình hình.

Cùng với flycam, việc sử dụng camera hành trình, camera toàn cảnh 360 trên phương tiện giao thông cũng được các nhà báo điều tra tận dụng triệt để. Loạt bài “Xe quá tải tung hoành ở Đông Nam bộ, Tây Nguyên” của hai nhà báo Tự Sang - Võ Tùng (Báo Pháp luật TP.HCM) là một minh chứng.

Liên tục trong nhiều tháng, hai nhà báo rong ruổi trên các tuyến đường là điểm nóng về tình trạng xe cơi nới thành thùng, xe quá tải ở Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Do điều kiện đặc thù buộc phải di chuyển bằng xe ô tô để tránh bị phát hiện, camera hành trình đã giúp lưu trữ nhiều tư liệu, thể hiện cụ thể biển số xe vi phạm, thời gian ghi nhận. Từ các dữ liệu này, nhóm tác giả tiếp tục triển khai sàng lọc đối tượng cần đeo bám.

Sau loạt bài, nhóm tác giả đã phát hiện ra các thùng xe được độ chế trái phép để có thể chở quá tải. Từ đây, manh mối dẫn đến các “lò” độ chế nâng, hạ thùng xe bằng thủy lực cực kỳ tinh vi dần lộ diện.

“Nếu không có camera hành trình, quá trình tác nghiệp chắc chắn sẽ gian nan hơn rất nhiều. Đôi lúc, sự xuất hiện của các phương tiện quá tải trên đường rất bất ngờ, chúng tôi không kịp sử dụng máy ảnh thông thường hoặc điện thoại”, nhà báo Tự Sang chia sẻ.

Là nhà báo từng thực hiện nhiều đề tài điều tra và có nhiều Giải Báo chí quốc gia về thể loại điều tra, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Báo Dân Việt chia sẻ, các thiết bị công nghệ hiện đại như một cánh tay nối dài của nhà báo, giúp họ có thể nhìn xa hơn, ghi nhận nhiều câu chuyện và mang tính thuyết phục hơn. Ở khía cạnh nào đó, nó cũng giúp nhà báo được an toàn hơn.

“So với trước đây chỉ có quyển sổ và máy ảnh cơ, chiếc máy ghi âm rất lớn, gần như không thể giấu được thì hiện nay, máy ghi âm được từ xa, ghi âm định hướng có thể truyền tải hình ảnh, âm thanh mà không phải đứng gần đối tượng”, anh Hoàng nói và cho hay, công nghệ cũng hỗ trợ rất lớn trong việc xuất bản, in ấn hoặc hỗ trợ giúp lan tỏa tác phẩm, đạt được giá trị to lớn.

Sử dụng công nghệ cũng phải linh hoạt

img

Xe tải “độ” thùng bị phát hiện từ dữ liệu camera hành trình trong loạt bài điều tra của hai nhà báo Tự Sang - Võ Tùng

Thành công với nhiều tác phẩm báo chí điều tra nhờ công cụ hỗ trợ, từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, nhà báo Tự Sang cho rằng, quá trình sử dụng không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nên các nhà báo điều tra phải có phương án dự phòng, linh hoạt trong ứng dụng.

“Trong lần thâm nhập vào lò “độ” thùng xe tải Bình Định, ban đầu chúng tôi dự định sẽ ghi hình từ camera hành trình. Nhưng khi vào đến nơi, mới biết khoảng cách quá xa nên không thực hiện được. Cuối cùng, tôi quyết định sử dụng chính điện thoại đang sử dụng để tác nghiệp trực tiếp, dù khá nguy hiểm”, nhà báo Tự Sang tâm sự.

Nhà báo Phạm Việt Hòa, Báo Giao thông, từng đoạt Giải B thể loại điều tra Giải Báo chí quốc gia năm 2020 với loạt bài “Ngang nhiên bạt đồi, lấp hồ Đại Lải làm khu biệt thự nghỉ dưỡng”; đoạt Giải Khuyến khích với loạt bài “Giang hồ lộng hành xâu xé đất quốc phòng” Giải Báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ hai, năm 2018 - 2019 và nhiều giải báo chí khác chia sẻ, công nghệ đã hỗ trợ anh rất nhiều trong các tuyến bài điều tra.

Từ tìm kiếm, định vị địa điểm, điều tra qua Google Map, theo dõi tọa độ với Google Earth, ghi hình bằng các thiết bị bay không người lái (flying cam), các thiết bị ghi hình giấu kín… đến các thông tin khai thác từ mạng xã hội, cách kết nối, chia sẻ thông tin, liên lạc qua kênh Zalo, Facebook, Snapchat... đều là những trợ thủ đắc lực cho các nhà báo điều tra.

“Khi đi điều tra, tôi luôn phải sẵn sàng, linh hoạt các tình huống ứng phó. Nhiều khi chuẩn bị không phải 1 thiết bị ghi hình, ghi âm mà có đến 2 thiết bị. Đã có lần tôi bị thu máy ghi âm, điện thoại, may mắn vẫn còn thiết bị ghi hình giấu kín không bị phát hiện ra”, anh Hòa cho hay.

Nhà báo Đoàn Bổng, báo VietNamNet cho biết, với phóng viên thực hiện đề tài phản ánh tiêu cực, động chạm tới lợi ích nhóm, ngoài việc sử dụng công nghệ bình thường, các công nghệ hiện đại khác góp phần quyết định sự thành công của tác phẩm báo chí.

“Công nghệ hỗ trợ nhà báo từ những việc đơn giản nhất. Trước đây, nhà báo phải khai thác tài liệu văn bản thông thường nên việc phản ánh bị hạn chế, do phụ thuộc vào sự chia sẻ. Tuy nhiên, hiện nay có một số văn bản có thể tra trên mạng được. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách”, anh Bổng chia sẻ.

Ranh giới mong manh

Đánh giá cao vai trò công nghệ hỗ trợ các đề tài điều tra, tuy nhiên, nhà báo An Nhơn, báo điện tử VnExpress cho rằng, mỗi nhà báo cần ý thức giới hạn và quy định pháp luật. Trong một số tình huống như vùng cấm bay, khu vực quân sự, việc sử dụng flycam là không được phép.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, báo Dân Việt cũng lưu ý, để có những tác phẩm giá trị, thuyết phục thì thiết bị công nghệ gần như không thể thiếu đối với nhà báo, tuy nhiên cũng nên cẩn trọng khi sử dụng.

“Việc sử dụng công nghệ cũng phải đúng đạo đức và phải đúng luật pháp. Đối với những máy quay lén, máy quay ngụy trang thì người Việt Nam không được bán và không được mua, chỉ có lực lượng chức năng được cấp phép sử dụng, trong đó báo chí chỉ được sử dụng một phạm vi nhỏ.

Hơn nữa, ranh giới giữa điều tra, cống hiến cho nghề báo và vi phạm pháp luật rất mong manh. Bởi, khi quá nôn nóng chứng minh sai phạm của đối tượng hay quá say nghề lại vô tình tham gia vào quá trình thúc đẩy sai phạm”, nhà báo Doãn Hoàng chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.