Lấp kênh rạch làm đường đô thị
Sau khi chiếm được Sài Gòn vào năm 1859, một năm sau đó người Pháp đã lập xong quy hoạch xây dựng Sài Gòn thành một đô thị lớn theo phong cách châu Âu, rộng khoảng 25km2 với trên 500.000 dân, nhưng lại có nhiều chức năng: hành chính, quân sự, kinh tế, cảng…
Việc xây dựng những trục đường đô thị này, được triển khai từ tháng 4/1861. Sài Gòn khi đó vốn là một vùng đất rất hoang sơ, bên ngoài thành Gia Định, đại bộ phận là đồng ruộng, ao đìa, kênh rạch. Hầu hết dân cư thời đó sống chen chúc dọc theo rạch Bến Nghé - rạch vào loại lớn nhất ở vùng đất này, trong các căn nhà nhỏ lợp lá, nửa trên mặt đất và một nửa sàn cắm xuống dòng kênh rạch.
Đường đi bộ thời bấy giờ chủ yếu bằng đất nhỏ, được đắp cao lên, để không bị ngập nước lúc triều cường. Nơi đây, lại vừa trải qua một cuộc chiến giữa quân và dân nhà Nguyễn chống quân xâm lược Pháp, nên hầu hết thành trì, làng xóm đều xơ xác hoang tàn.
Từ bờ sông Sài Gòn dọc theo dòng Bến Nghé, từ phía Đông Nam lên phía Tây Bắc, nằm trong khu vực bến Bạch Đằng men theo rạch Bến Nghé đến Tàu Hũ và sau này được mở rộng đến rạch Thị Nghè. Khi đó người Pháp cho đào các kinh cũ sâu và rộng hơn, lấy đất đắp lên bờ và cho lấp các kênh, rạch nhỏ, rồi san đất trên các đồi cao xuống mé kênh, rạch để đắp đường. Vào thời đó, người Pháp đã xây dựng được trên 20 tuyến đường phố và đều được đánh số.
Những tuyến đường được xây dựng đầu tiên
Một trong những trục đường đầu tiên người Pháp xây dựng để nối với dinh Thống đốc Nam kỳ vào năm 1863 là tuyến đường đất có từ thời nhà Nguyễn, vốn là đường dành riêng cho vua đi thẳng từ thành Gia Định chạy ra sông Sài Gòn. Tuyến đường này được đặt tên là đường số 16, sau đó đổi tên thành đường Rue Cartinat.
Năm 1954, dưới thời Việt Nam Cộng hòa, đường được đổi tên thành đường Tự do. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, con đường được đổi tên thành đường Đồng Khởi.
Tiếp đó là trục đường dài khoảng 2km nối Thảo cầm viên Sài Gòn với Dinh Độc Lập bây giờ. Con đường có từ trước khi Sài Gòn bị người Pháp đánh chiếm. Sau đó, được mở rộng để nối với đường trung tâm Hoàng thành cũ, thành đại lộ trung tâm của khu vực đầu não chính quyền Pháp và mang tên là đường Chính phủ, sau đổi tên thành đại lộ Norodom, sau năm 1975 đổi thành đại lộ Lê Duẩn.
Tiếp đó là đường Hàm Nghi, đường này vốn trước kia là con rạch tên Cầu Sấu. Từ 1867, rạch được lấp tạo thành một trục đường rộng 56m với tên gọi Canton, sau đổi tên thành đại lộ Hàm Nghi.
Từ 2 tuyến đường phố đó người Pháp tiếp tục triển khai mở tiếp các trục đường khác như: Tuyến đường số 1 được bắt đầu từ sông Sài Gòn từ khu vực Khánh Hội đi lên phía Tây. Sau được đổi thành Lefèbvre (tên một giáo sĩ). Từ năm 1954 đến nay, đường được đổi tên thành đường Nguyễn Công Trứ.
Tuyến đường số 2 thành đường Dayot, là một thuyền trưởng người Pháp, phò Nguyễn Ánh đánh nhau với quân Tây Sơn. Sau đổi thành đường Nguyễn Văn Sâm, sau năm 1975 đổi thành đường Nguyễn Thái Bình.
Đường số 13, sau đổi tên thành đường Bonard, đến năm 1955 đổi tên thành đường Lê Lợi. Đường số 14, sau đổi thành Impériale, từ năm 1955 đổi tên thành đường Hai Bà Trưng. Đường số 25, sau đổi tên thành đường Chasseloup Laubat, bây giờ là đường Nguyễn Thị Minh Khai. Đường số 26, sau đổi tên thành đường Imprératrice, rồi thành đường Công Lý, bây giờ là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Trong số các tuyến đường phố được xây dựng đầu tiên ở Sài Gòn, sau này được người Pháp lấy làm trục đường chính, hay được gọi là đại lộ trong khu vực trung tâm hành chính thành phố Sài Gòn như các trục đường: Catinat (hiện là đường Đồng Khởi), Bonnard (đường Lê Lợi), De la Somme (đường Hàm Nghi), Norodom (đường Lê Duẩn). Riêng đường Quai du Donnai lúc Pháp mới chiếm đóng, sau đổi là Quai Napoléon, rồi được đặt là đường Cường Để, bây giờ là đường Tôn Đức Thắng… Đây là một trong 5 tuyến đường đầu tiên được người Pháp xây dựng theo quy mô như một đại lộ ở thủ đô Paris.
Riêng trục đường Charner hay còn gọi là đường Kinh Lấp, nối từ tòa nhà Hôtel de ville (trong tiếng Việt gọi là Dinh xã Tây), sau trở thành dinh Đốc lý, bây giờ là trụ sở UBND thành phố Hồ Chí Minh, dài 0,7km, nối đến bờ sông Sài Gòn, cũng là trục đường trong trung tâm Sài Gòn vốn từng là một con kinh đào Charner, nối liền với sông Sài Gòn. Con kinh nay bị lấp vào năm 1887, trở thành đại lộ Charner. Từ năm 1955 đến nay, con đường này mang tên đại lộ Nguyễn Huệ và bây giờ trở thành phố đi bộ đẹp nhất thành phố Hồ Chí Minh.
Huy động 4 vạn dân làm đường
Qua nhiều giai đoạn lịch sử, các con phố được xây dựng từ thủa ban đầu ở thành phố Sài Gòn xưa, đến nay vẫn là những con đường sầm uất, nhộn nhịp bậc nhất ở thành phố Hồ Chí Minh.
Các ô phố và đường sá được bố cục theo ô vuông bàn cờ, với hầu hết các trục đường chính được bắt đầu từ sông Sài Gòn theo hướng Đông Nam kéo dài tới phía Tây Bắc đi qua các khu hành chính của thành phố. Hầu hết các con đường đều ở khu trung tâm theo hướng song song hoặc thẳng ra bờ sông Sài Gòn.
Hai bên trục đường mới làm khi đó đều dẫn tới các cơ quan hành chính, nhà dây thép (Bưu điện Sài Gòn), nhà thương, nhà thờ (nhà thờ Đức Bà)... và hầu như đều làm bằng gỗ.
Các trục đường trên đều có dải đất lưu không làm vỉa hè, cống thoát nước và trồng cây xanh. Ở các điểm giao nhau có vòng xoay, như tiểu đảo, bùng binh. Ban đầu các con đường được đặt tên địa danh rồi chuyển sang số rồi lại chuyển sang tên Pháp.
Vào thời điểm đó, những sĩ quan, công chức người Pháp, họ đã huy động tới 4 vạn người dân ở Sài Gòn và 5 tỉnh Nam kỳ, xây dựng đường phố và đô thị thành phố Sài Gòn với tất cả những gì sang trọng nhất, giàu có nhất mà chính quyền Pháp ở Sài Gòn lúc ấy có được nhằm biến nơi này trở thành hòn ngọc của vùng Viễn Đông.
Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh có diện tích gấp 30 lần so với đô thị Sài Gòn trước năm 1975. Hệ thống đường đô thị của thành phố dày đặc, với tổng chiều dài trên 4.000 km, lớn nhất trong các đô thị ở Việt Nam. Ở trong khu vực trung tâm như quận 1, quận 3, quận 5, do được quy hoạch tốt ngay từ những ngày đầu, đến nay đã qua 150 năm vẫn là những trục đường sầm uất nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận