Xã hội

Những vị sư cởi áo cà sa khoác chiến bào

11/09/2016, 08:10

5 nhà sư chùa Thắng Phúc (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) đã anh dũng hy sinh, được Nhà nước công nhận liệt sĩ.

3

Nhà chùa thường xuyên tổ chức phát quà từ thiện cho những người có hoàn cảnh khó khăn

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, hàng chục nhà sư cùng các đệ tử chùa Thắng Phúc (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) quyết định “Xả áo cà sa khoác chiến bào”. 5 nhà sư đã anh dũng hy sinh, được Nhà nước công nhận liệt sĩ, khẳng định tinh thần “hộ quốc, an dân” của những bậc tu hành.

62 đời sư tổ gây dựng ngôi cổ tự

Trong một buổi giao ban báo chí, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng tâm sự: “Trong lịch sử chống ngoại xâm, Hải Phòng là nơi đầu sóng, ngọn gió lập nên rất nhiều chiến công. Không chỉ người dân, có những ngôi chùa như chùa Thắng Phúc các nhà sư tham gia kháng chiến và có tới 5 nhà sư đã anh dũng hy sinh, được Nhà nước truy tặng liệt sĩ”.

Tìm tới chùa Thắng Phúc, khác với suy nghĩ ban đầu của chúng tôi về một ngôi cổ tự, chùa được xây mới hoàn toàn, nhiều gian thờ vẫn còn mùi vôi vữa. Đại đức Thích Quảng Minh, Trưởng ban Trị sự giáo hội Phật giáo huyện Tiên Lãng, trụ trì chùa Thắng Phúc cho biết: “Chùa Thắng Phúc hiện nay được xây dựng trên nền chùa cũ, toàn bộ ngôi chùa cũ đã không còn do thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến từ thời kháng chiến chống Pháp”.

Theo các tư liệu cổ còn ghi lại, Thắng Phúc là một ngôi chùa lớn được nhà Lý xây dựng vào khoảng thời gian từ năm 1.105 - năm 1.125 để an trấn vùng Duyên hải (vùng đất nay là Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình) của Đại Việt. Đây là một công trình Phật giáo lớn tọa lạc ven dòng sông Văn Úc cạnh bến đò An Tháp, địa phận trang Mĩ Huệ thuộc Lộ Hồng Châu (nay là huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng). Chùa được làm bằng gỗ lim cột lớn, lợp ngói mũi gồm 87 gian xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc rất kiên cố.

Trong khuôn viên chùa ngoài vườn tháp còn có hai pho tượng cao 6 - 7m đứng nhìn ra phía sông, dân thường gọi là tượng Đức ông. Chùa có hồ nước trong và nhiều cây xanh tạo nên vẻ đẹp thanh khiết và huyền ảo nơi cửa Phật. Sân chùa có tượng các loài thú dữ như: Voi, hổ, sư tử, cá sấu... đang quỳ chầu thể hiện sự quy phục trước Phật pháp. Nội điện có nhiều tượng qúy và các đồ thờ đẹp, có giá trị nghệ thuật cao như: Cửa võng, câu đối, đại tự, hoành phi... đứng trên đê cao nhìn xa thấy hàng trăm gian chùa hòa vào cây xanh bên dòng sông như dải lụa đào uốn lượn.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đất nước khi thịnh, lúc suy chùa vẫn được giữ gìn, tu tạo. Từ thời Lý đến triều Nguyễn qua 62 đời các vị sư tổ trụ trì, chùa vẫn được sửa chữa định kỳ, thường xuyên nên ngôi chùa này thời đó là một trong những ngôi cổ tự lớn nhất miền duyên hải.

4

Các khóa tu tập thường xuyên được tổ chức tại chùa Thắng Phúc

Quặn lòng đốt cổ tự, lên đường đánh giặc

Trong lịch sử hàng nghìn năm của Phật giáo Việt Nam, tinh thần “hộ quốc, an dân” là dòng chảy xuyên suốt và những tăng ni, Phật tử chùa Thắng Phúc cũng nằm trong tinh thần đó. Năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo chủ trương của Ủy ban Kháng chiến tỉnh Kiến An và Liên khu 3, chùa Thắng Phúc phải tiêu hủy. Sở dĩ phải thực hiện việc tiêu thổ kháng chiến bởi ngôi chùa này nằm tại vị trí giao thông thuận lợi “trên bến, dưới thuyền”. Đây lại là một ngôi chùa lớn nhất khu vực với gần 100 gian, nằm trong “tầm ngắm” của giặc Pháp với mưu đồ biến nơi đây thành căn cứ, đồn trú và từ đó làm bàn đạp đánh chiếm khu vực huyện Tiên Lãng và các huyện ngoại thành Hải Phòng.

Ngày nay, chùa Thắng Phúc mới được xây dựng trên nền chùa cũ. Đại đức Thích Quảng Minh cho biết, chùa hiện được xây với gần 100 gian nhằm phục dựng lại sự bề thế của chùa Thắng Phúc khi xưa. “Chúng tôi luôn lấy những tấm gương hy sinh của các hòa thượng để giáo dục cho các tăng ni, Phật tử tinh thần yêu nước “Hộ quốc, an dân”. Chùa được đồng ý xây dựng lại không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh mà còn là nơi rèn luyện, phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau”, Đại đức chia sẻ.

Người dân huyện Tiên Lãng còn kể lại câu chuyện: Những tăng ni, Phật tử đã bí mật vận chuyển rơm rạ quấn vào cột chùa và đốt. Do ngôi cổ tự có tới gần 100 gian nên lửa cháy suốt hơn 10 ngày mới tiêu hủy hết ngôi chùa. Người dân Tiên Lãng nhìn cảnh chùa cháy mà lòng như lửa đốt, nhiều người đã bật khóc vì xót xa, nuối tiếc một ngôi chùa lớn, đẹp đã có gần nghìn năm ở đất này nay không còn nữa. Nhiều tượng đồng, chuông đồng ở chùa đều hiến cho cách mạng để sản xuất vũ khí đánh giặc. 

Sau khi tự tay đốt cổ tự, trụ trì chùa Thắng Phúc lúc đó là sư tổ Tự Tâm Cẩn đã gọi hơn 20 đệ tử cùng hàng chục chú tiểu, Phật tử lại dạy: “Nước còn thì đạo còn, nước mất là đạo mất, nay vận nước lâm nguy đạo cũng lâm nguy. Phải cứu nước mới giữ được đạo”. Nghe lời sư tổ, các tăng ni, Phật tử quyết “xả áo cà sa khoác chiến bào”. Người trẻ tuổi về tham gia bộ đội, du kích đánh giặc, người cao tuổi vào hội “Tăng già cứu quốc”, ủng hộ kháng chiến, nuôi giấu, che chở cán bộ trong các trận càn quét, khủng bố của địch. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, 5 nhà sư là: Hòa thượng Thích Thanh Lãng, sư ông Thích Quảng Tại, sư bác Thích Quảng Hợp, sư bác Thích Quảng Tuệ, hòa thượng Thích Nguyên Uyển đã anh dũng hy sinh, được Nhà nước công nhận là Liệt sĩ.

Kể về sự hy sinh anh dũng của các nhà sư, Đại đức Thích Quảng Minh, trụ trì chùa Thắng Phúc cho biết: Mỗi vị sư có sự hy sinh trong hoàn cảnh khác nhau nhưng đều phải chịu sự tra tấn đau đớn về thể xác. Hòa thượng Thích Thanh Lãng bị giặc Pháp bắt tại chùa Dương Áo. Chúng tra tấn dã man và đưa hòa thượng lên cối xay lúa, cứa dao vào cổ hy vọng ông sẽ khai những đồng đội đang nằm dưới hầm. Nhưng với chí khí cách mạng và lòng trung kiên, ông đã không chịu khuất phục trước những cực hình của kẻ thù. Bất lực, chúng đã treo cổ ông lên cây đa gần chùa Dương Áo. Sau khi anh dũng hy sinh, hòa thượng được nhân dân an táng và sau này đưa di hài về chùa yên vị. 

Hòa thượng Thích Nguyên Uyển theo lời truyền, ông bị giặc Pháp bắt năm 1951 tại một ngôi chùa thuộc xã Kiến Thiết (Tiên Lãng). Chúng dùng nhiều hình thức tra tấn dã man nhưng không khuất phục được ông, chúng đã xỉa thẳng lê vào cổ để hy vọng ông khai và nhận mặt 5 chiến sỹ cách mạng bị chúng bắt trước đó, nhưng hòa thượng quyết không khai. Trước khí tiết của ông, chúng đã điên cuồng xả đạn sát hại hòa thượng…

Ngoài 5 nhà sư anh dũng hy sinh, còn có hàng chục nhà sư, chú tiểu, Phật tử của chùa Thắng Phúc nghe theo lời dạy của sư tổ đã rời sư môn tham gia kháng chiến.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.