Nhà ga hành khách (T1, T1 mở rộng - Sảnh E và T2) CHK quốc tế Nội Bài là một trong các dự án, công trình được lập phương án chuyển nhượng quyền khai thác Ảnh: Dương Linh |
Chính phủ vừa ban hành nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 5/2015 yêu cầu Bộ GTVT hoàn thiện cơ chế, chính sách và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án bán, cho thuê và chuyển nhượng quyền khai thác công trình hạ tầng giao thông. Vậy đề án nên quy định nhượng quyền khai thác hạ tầng giao thông như thế nào để mang lại hiệu quả?
Chuyển nhượng để thu hút vốn, tái đầu tư
Thực hiện chủ trương nhượng quyền khai thác hạ tầng giao thông, Bộ GTVT đang lập phương án chuyển nhượng quyền khai thác đối với các dự án, công trình đã được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA, trái phiếu, vốn của doanh nghiệp. Hiện Bộ GTVT đang có ba dự án dự kiến nhượng quyền khai thác đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ gồm: Cảng hàng không Phú Quốc; Nhà ga hành khách (T1, T1 mở rộng - sảnh E và T2) của Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.
Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT), trước tiên cần phải hiểu rõ về hình thức chuyển nhượng quyền khai thác hạ tầng giao thông. “Chuyển nhượng quyền khai thác không phải là bán công trình và nó cũng khác với hình thức kêu gọi đầu tư BOT. Đầu tư BOT là đầu tư rồi thu phí hoàn vốn. Còn nhượng quyền khai thác là khi nhà nước có sản phẩm rồi thì nhượng quyền cho nhà đầu tư khai thác trong một thời gian nhất định nhà đầu tư phải trả kinh phí, Nhà nước đã bỏ ra đầu tư công trình đó rồi thu phí hoàn vốn sau”, ông Huy nói và cho biết, về mặt pháp lý, hình thức chuyển nhượng được quy định tại Khoản 9 Điều 3 Nghị định số 15 (O&M).
Tại phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp, tăng cường huy động, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước đầu tư, xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KT-XH với các hình thức đầu tư phù hợp, đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án về bán, cho thuê, chuyển nhượng quyền khai thác công trình hạ tầng giao thông. |
Ông Huy lấy dẫn chứng như việc chuyển nhượng các cảng hàng không, quan điểm của Bộ GTVT là phải đảm bảo các nguyên tắc: Đảm bảo vai trò quản lý nhà nước trong tất cả các hoạt động. Theo đó, Nhà nước nắm giữ tất cả các hoạt động liên quan đến bảo đảm an ninh, quốc phòng, quản lý bảo vệ vùng trời, quản lý khai thác vùng trời, đường hàng không, cung cấp dịch vụ đảm bảo hoạt động bay, quản lý phí chuyên ngành… Bên cạnh đó, Nhà nước thống nhất sở hữu đất đai. Đối với những hạng mục kết cấu hạ tầng sân bay kết hợp quân sự - dân sự, có vai trò đặc biệt quan trọng về mặt an ninh - quốc phòng, công trình cung cấp dịch vụ không lưu, thông báo tin tức hàng không, tìm kiếm cứu nạn sẽ không được chuyển nhượng. Nhà đầu tư có trách nhiệm bảo đảm vận hành khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng, tổ chức kinh doanh, thực hiện kế hoạch đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đang quản lý phù hợp với quy hoạch của nhà nước.
Việc đầu tư hoặc nhượng quyền khai thác phải được định giá, tính toán phương án tài chính và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Đối với việc lựa chọn nhà đầu tư phải đảm bảo công khai, minh bạch và hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng. Cuối cùng, việc quản lý, sử dụng hay nhượng quyền đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền kinh doanh của các doanh nghiệp khác đã được nhà nước cấp phép, không dẫn đến độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh.
Hoàn toàn đồng tình với chủ trương nhượng quyền khai thác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, với tình hình ngân sách hiện nay chỉ đáp ứng chưa được một nửa nhu cầu phát triển hạ tầng nói chung, nếu cứ trông chờ vào nguồn vốn nhà nước sẽ rất chậm, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy khác. Việc tư nhân tham gia đầu tư hay sau này nhận chuyển nhượng lại để khai thác là một xu thế chung của thế giới và là điều rất bình thường.
Nhà ga T1, T1 mở rộng - sảnh E và T2 là một trong các dự án, công trình được lập phương án chuyển nhượng quyền khai thác cho các nhà đầu tư khai thác trong một thời gian nhất định - Ảnh: Dương Linh |
Công khai, minh bạch và đa dạng hình thức chuyển nhượng
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, khi chuyển nhượng hạ tầng giao thông cần lưu ý một số vấn đề như tính liên thông, tính an toàn và tính hệ thống. Điều này cần đặc biệt chú ý đối với hệ thống đường cao tốc bởi nếu cắt khúc ra bán sẽ tạo ra sự gián đoạn, mất an toàn. Bên cạnh đó là phí và mức giá để làm sao dự án không bị bán rẻ, bị lợi ích nhóm chi phối nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo mức thu phí để nhà đầu tư ban đầu không bị thiệt.
Để có lời giải tốt nhất, theo ông Phong, cần phải đấu giá công khai, minh bạch và phải đấu giá đa dạng chứ không để một, hai nhà đầu tư bắt tay nhau. Thứ nữa, cần có mức giá tham chiếu, tính toán các mục tiêu khác hội tụ lại để đưa ra một mức giá phù hợp. Chuyển nhượng khai thác công trình khác với đất đai ở chỗ, nếu đất đai chỉ bán một lần còn đây là một công trình liên quan đến rất nhiều người và có nhiều biến động, phát sinh.
“Tôi nghĩ, chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư hưởng ứng, tham gia. Hiện chúng ta mới chỉ cho các đơn vị trong nước làm. Tuy nhiên, cũng cần có sự lựa chọn các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư ngân hàng cũng tốt, nhưng cũng cần có thêm các nhà đầu tư thuộc lĩnh vực khác, bởi ngân hàng xét cho cùng họ cũng chỉ là huy động vốn của xã hội, chứ không phải là những nhà quản lý chuyên nghiệp. Hơn nữa, đây lại là những dự án dài hạn, kéo dài 20 - 30 năm nên đòi hỏi kinh nghiệm quản lý rất cao”, ông Phong chia sẻ và cho biết, các doanh nghiệp họ tham gia đầu tư nhưng phần lớn vẫn là vốn ngân hàng. Họ chỉ hơn ngân hàng ở chỗ là tự đứng ra chịu trách nhiệm. Vì thế, tốt nhất cần lựa chọn được những nhà đầu tư có thực vốn, có điều kiện về quản lý bởi nếu thu hồi vốn không đạt yêu cầu sẽ rất nguy hiểm.
Đối với lĩnh vực hàng không, theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), quan trọng nhất là phải có khung pháp lý về việc tư nhân quản lý cảng hàng không một cách cụ thể và rõ ràng. Tiếp theo là phải tổ chức việc chuyển nhượng các cảng hàng không đó một cách công khai minh bạch, có sự cạnh tranh bình đẳng, tránh việc định giá không khách quan và chính xác, gây thiệt thòi cho nhà nước.
“Trong chuyển nhượng khai thác cảng hàng không, một điều quan trọng nữa theo tôi là phải tránh việc chỉ định một đối tác nào đó thành người duy nhất được quyền mua cổ phần cảng hàng không. Nếu không xem xét kỹ có thể vô hình trung đã giao một sản phẩm quan trọng trong kết cấu hạ tầng vào tay tư nhân mà không có sự giám sát”, TS. Doanh chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận