Niềm vui của người dân, phật tử bên những cây cầu “Bác Tư Sang”

24/10/2022, 19:35

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã vận động xây dựng gần 300 cầu, cống ở Long An với tổng kinh phí hơn 270 tỷ đồng.

Tỉnh Long An có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Svay Rieng, Prey Veng của Campuchia, dài khoảng 133km, đi qua các huyện Đức Huệ, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường.

Có cầu nối thông các tuyến đường ước mơ thành hiện thực

Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền trong tỉnh, đặc biệt nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (người dân địa phương quen gọi bác Tư Sang) đã vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm xây dựng hàng trăm cầu, cống tạo thuận để người dân, phật tử, tín đồ, học sinh đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi.

img

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ khánh thành cầu giao thông nông thôn tại thị xã Kiến Tường

Với số tiền 2 tỷ đồng, từ nguồn vận động của Bác Tư Sang, UBND thị xã Kiến Tường (Long An) đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 2 cầu (mỗi cầu 1 tỷ đồng) Kênh Ranh và cầu 30/4 (cũ) thuộc xã Thạnh Hưng, xã vùng sâu biên giới tỉnh Long An.

Chia sẻ niềm vui khi có cầu mới, ông Nguyễn Văn Tươi, phật tử xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường xúc động: “Trước khi có cầu mới, 2 cây cầu này nhỏ hẹp, chỉ có xe hai bánh di chuyển được, học sinh đi lại khó khăn. Nhưng từ khi có những cây cầu mới với chiều rộng 3,5m, tải trọng 3,5 tấn, nối thông suốt các tuyến đường, ước mơ nhiều năm nay của người dân, phật tử ở đây đã thành hiện thực”.

Còn tại khu vực cầu Kênh 61, ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, ông Trần Thanh Thạch (ngụ ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp) cho biết: “Hồi chưa có cây cầu này, việc đi lại của người dân, phật tử và bà con dân tộc Khmer gặp không ít khó khăn.

Giờ được chính quyền địa phương, đặc biệt Bác Tư Sang đã vận động các mạnh thường quân tài trợ xây dựng cầu bê tông, người dân ở đây rất vui mừng, con cháu đi học cũng yên tân hơn. Bây giờ, xe có thể vào tận nơi thu mua nông sản nên nông dân không bị thương lái ép giá như trước”.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém

Ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An cho biết, thị xã Kiến Tường mang đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười, có đường biên giới giáp Campuchia, dài trên 26Km.

Người dân, phật tử, tín đồ, đồng bào dân tộc Khmer…sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp, trong đó lúa là cây trồng chủ lực.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật của thị xã, nhất là các xã biên giới còn yếu kém, trên các tuyến đường giao thông chủ yếu là cầu tạm, nhỏ hẹp, chỉ có thể phục vụ cho xe hai bánh. Qua thời gian dài sử dụng, nhiều cầu xuống cấp, hư hỏng nặng, rất nguy hiểm cho người dân khi lưu thông.

img

Hàng trăm cầu giao thông nông thôn được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động xây dựng vùng biên giới Long An

Được sự quan tâm của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, từ năm 2017 đến nay, thị xã Kiến Tường đã xây dựng được 33 cầu giao thông nông thôn, với tổng kinh phí gần 29 tỷ đồng.

Qua đó, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa nông sản cho người dân trong khu vực, góp phần rất lớn vào việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh của địa phương. Đặc biệt, nối thông các tuyến đường kết nối QL62 đi TP.HCM, cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp đi Campuchia.

Với chương trình cầu nông thôn, được sự hỗ trợ của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đến nay sau 5 năm triển khai, chương trình đã vận động xây dựng được gần 300 công trình cầu, cống với tổng kinh phí hơn 270 tỷ đồng tại các địa phương thuộc các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Bình Định, Nghệ An...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.