Phát triển - Kết nối

Niềm vui đường mới ở nơi "sơn cùng, cốc thẳm"

27/07/2021, 07:00

Quảng Ninh đã và đang tập trung phát triển hạ tầng giao thông cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển, rút ngắn khoảng cách giàu, nghèo.

Đổi đời nhờ đường mới

Từ khi con đường bê tông được hoàn thiện vào trung tâm thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long, đời sống vật chất, tinh thần của gần 50 hộ dân với gần 200 nhân khẩu người tộc Dao sinh sống nơi đây đã thực sự "đổi đời".

Ông Bàn Văn Vy, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng hớn hở khoe: Trước khi có đường bê tông, số hộ nghèo, cận nghèo của thôn chiếm đa số, vậy mà chỉ sau hơn 2 năm đường được mở, hiện nay, thôn chỉ còn 4 hộ nghèo, cận nghèo; số hộ khá, giàu lên tới trên 50%; nhà nào kiên cố, có đồ dùng sinh hoạt giá trị…

img

Đường rộng rãi, thông thoáng được đầu tư qua trung tâm xã Dương Huy, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) - nơi đồng DTTS chiếm trên 80%

Khe Phương được biết đến là thôn xa nhất, khó khăn nhất của xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long. Ở nơi "sơn cùng, cốc thẳm", khó khăn chồng chất, giao thông cách trở, kinh tế chủ yếu dựa vào tự cung, tự cấp.

Để giúp người dân nơi đây đi lại thuận lợi, từng bước phát triển kinh tế theo hướng hàng hoá, từ năm 2014, bằng nguồn vốn Chương trình 135, huyện Hoành Bồ (nay là TP Hạ Long) đã đầu tư 4,8 tỷ đồng để rải cấp phối 1,7km đường và làm một ngầm tràn, nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần giao thông thuận lợi cho vùng này.

Đến cuối năm 2017, dự án đường từ trung tâm xã Kỳ Thượng vào Khe Phương giai đoạn 1 được triển khai và hoàn thành vào cuối năm 2018. Con đường rộng 5m, chiều dài 4,1km, tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng đã mở ra sự liên kết, giao thương thuận lợi giữa Khe Phương và các khu vực khác của xã Kỳ Thượng.
img

Đường bê tông từ trung tâm xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long mới được mở vào thôn Khe Phương tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào DTTS

Hạ núi, làm đường giúp thoát cảnh "5 không"

Cũng giống Khe Phương, điểm dân cư Đồng Mỏ - Bến Ván tự bao đời sống trong cảnh “5 không” (không điện, không đường, không nước sạch, không sóng điện thoại và rất nhiều người không biết chữ).

Điểm dân cư này có 5 dân tộc anh em (Dao, Nùng, Sán Dìu, Sán Chỉ và người Kinh) sinh sống. Các hộ sống ở tận vùng sâu, núi thăm, xa trung tâm, đường sá đi lại khó khăn, vào mua mưa, lũ, khu vực này hầu như "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

img

Từ khi có đường mới, bà con DTTS điểm dân cư Đồng Mỏ - Bến Ván, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả đã phát triển kinh tế làm được nhà kiên cố, mua sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt đắt tiền

Hiện Quảng Ninh có trên 162.500 người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 12,32% dân số sinh sống, cư trú rải rác trên 85% diện tích toàn tỉnh.

Những năm qua, Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ, toàn diện các dự án, kế hoạch phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho vùng đồng bào DTTS, trong đó phát triển cơ sở hạ tầng giao thông là "điểm nhấn" quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, rút ngắn khoảng cách về mọi mặt giữa thành thị với vùng nông thôn, miền núi, hải đảo.

Từ đầu năm 2018, TP Cẩm Phả đã quyết định hạ núi, làm đường từ Đồng Mỏ vào Bến Ván đấu nối với Tỉnh lộ 329 từ Cẩm Phả lên huyện Ba Chẽ. Tuyến đường có quy mô đường cấp 5 miền núi, với tổng chiều dài toàn tuyến là trên 3,6km, chiều rộng mặt đường 3,5m, kết cấu áo đường gồm lớp đá dăm dày 20cm, mặt đường bê tông măng đá.

Tổng mức đầu tư tuyến đường là 16,9 tỷ đồng do Ban quản lý Dự án công trình TP Cẩm Phả làm chủ đầu tư. Trung tuần tháng 1/2019, đường Đồng Mỏ - Bến Ván đã chính thức được đi vào sử dụng trước sự hân hoan của trên 150 hộ dân sinh sống tại đây.

Ông Nguyễn Văn Nức, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 10 hân hoan kể: Từ ngày đường thông, điện lưới được kéo vào, đời sống của hơn 60 mươi hộ dân ở Bến Ván cứ thế phát triển.

"Nếu như thời điểm trước khi có đường, số hộ nghèo, cận nghèo ở đây lên tới gần 80%, hầu hết các hộ sinh sống trong nhà tạm. Vậy mà chỉ một thời gian ngắn khi giao thông lại thuận lợi, nông – lâm sản được giá, cả điểm dân cư chỉ còn có 2 hộ cận nghèo, không gia đình nào phải sinh sống trong nhà tạm. Trẻ con đến tuổi đi học đều được đến trường…", ông Nức phấn chấn.

Ông Ngọc Thái Hoàng, Phó ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Thời gian qua, Quảng Ninh đã chi hàng ngàn tỷ đồng để làm mới, nâng cấp hệ thống giao thông cho vùng đồng bào DTTS.

Hiện nay, 100% xã vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm; đường trục xã, liên xã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa 100%; số địa phương đạt chuẩn về giao thông hiện nay là 96/98 xã, tăng 52 xã so với năm 2010.

Kết cấu hạ tầng giao thông vùng nông thôn, miền núi, vùng DTTS của Quảng Ninh được hoàn thiện đã tạo thế và lực mới để giảm nghèo đa chiều, nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân. Hết năm 2020, vùng DTTS của Quảng Ninh còn 555 hộ nghèo trên tổng số 833 hộ nghèo của Quảng Ninh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.