Nhưng rồi chính những y, bác sỹ tại bệnh viện đã lên tiếng minh oan cho chị và có người nhận được tạng đã lặn lội tìm gặp bốn mẹ con chị, để nối sợi dây ân tình ngày càng bền chặt.
Tai họa bất ngờ
Trưa tháng 7 nắng gay gắt, chị Nguyễn Thị Giang (xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) trở về nhà sau ca làm việc buổi sáng tại một xưởng sản xuất nước đóng chai cạnh nhà. Vừa vào nhà, chị cẩn thận gỡ bó lá sen, lấy ra những bông hoa sen cuống vẫn còn tươi nhựa cắm vào bình rồi nhẹ nhàng đặt lên bàn thờ. Trên đó, hình ảnh anh Ngọ Văn Soái, chồng chị trong di ảnh đang mỉm cười nhìn vợ. Cạnh đó, tấm phông dịp cuối năm 2019 gia đình chị nhận kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” được treo trang trọng trên tường.
“Từ khi vụ tai nạn giao thông cướp anh ấy đi, cuộc sống của bốn mẹ con tôi hoàn toàn đảo lộn. Nhưng tôi luôn thấy anh ấy vẫn đâu đây”, chị Giang khẽ nói.
Giọng trìu mến và tự hào, chị kể, chồng chị là một người yêu vợ, thương con, chăm chỉ làm ăn. Dù hoàn cảnh khó khăn vì nhà chỉ có vài sào ruộng, lại phải lo cho mẹ già và ba con nhỏ, nhưng nhờ chăm chỉ làm thêm lúc nông nhàn, cuộc sống của gia đình không phải rơi vào cảnh “ăn bữa nay lo bữa mai”.
Cuộc sống đang bình yên với bao dự định lo cho con cái, xây nhà, nuôi mẹ, thì tháng 9/2019, trong một lần đi mua thiết bị điện để sửa chữa trong gia đình, anh Soái bị tai nạn giao thông ngay đầu ngõ. Gia đình đưa anh đến bệnh viện ở Bắc Ninh, nhưng các bác sĩ bảo anh bị chết não.
Nghĩ “còn nước còn tát”, chị Giang vay mượn tiền đưa chồng lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Nhưng ở đây, điều diệu kỳ đã không xảy ra.
“Tôi nghe bác sỹ nói chồng đã chết não, đã tiêm ba lần thuốc mà không thay đổi được tình hình thì quỵ xuống. Tôi đã ngồi bên anh ấy rất lâu. Đau đớn và tiếc thương chồng, tôi nghĩ anh ấy ra đi khi còn trẻ và khỏe mạnh, bao ước mơ và dự định anh muốn làm còn dang dở. Vậy thì chắc anh cũng muốn làm thêm những việc có ích cho cuộc sống này và tôi quyết định hiến tạng của anh, để cứu sống người khác, để anh vẫn đâu đó trên cuộc đời này”, chị Giang nói.
Ân tình ở lại
Nhưng quyết định của chị Giang thời điểm đó khiến cả làng, cả xã, cả huyện Hiệp Hòa đều xôn xao bàn tán, bởi ở đây, chưa có người nào hiến tạng như vậy. Hành động của chị Giang bị nhiều người “châm chọc”, đàm tiếu ác ý, cho rằng chị “bán tạng của chồng lấy 300 triệu đồng”... Những lời đồn ác ý ấy khiến người phụ nữ đang phải chịu đựng cùng cực nỗi đau mất chồng, đang phải gồng gánh nuôi ba con nhỏ và mẹ chồng trở nên suy sụp.
Bác sĩ Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng Bệnh viện Việt Đức cho hay, nhờ quyết định hiến tạng chồng của chị Giang, đã cứu được 4 bệnh nhân đang trong bệnh tật đến tuyệt vọng. Trung tâm đã ghép tim của anh Soái cho một bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, ghép gan của anh cho một bệnh nhân đã hôn mê gan, ghép thận cho hai người khác. “Nếu không có nguồn tạng anh Soái hiến tặng, cuộc sống của 4 bệnh nhân kia sẽ không kéo dài thêm được nữa. Vậy mà đến nay, tất cả bốn người nhận tạng đều bình phục”, bác sĩ Nghĩa chia sẻ.
Đúng một tuần sau khi vợ anh Soái trao tặng nguồn tạng cho những bệnh nhân hiểm nghèo, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức và Trung tâm Điều phối và hiến ghép mô tạng quốc gia đã về thăm gia đình, trao kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” do Bộ trưởng Bộ Y tế ký đến tay chị Giang và các con. Đồng thời, chính các y, bác sỹ Bệnh viện và Trung tâm thanh minh cho nghĩa cử cao đẹp của chị Giang để người dân nơi đây dần thấu hiểu.
Niềm vui của chị Giang và gia đình dường như đã nhân đôi khi thời điểm đó chị biết được những bộ phận cơ thể anh Soái hiến tặng đã kịp thời được cấy ghép cho nhiều bệnh nhân, đem đến một hy vọng sống cho người khác. Một trong những trường hợp đó là cháu C. - nhà ở Lạng Sơn.
Nhà C. có hai anh em trai thì anh trai C. đã mất vì bệnh tim trước đó. Thời điểm trước khi nhận tạng, C. suy tim giai đoạn cuối, dường như gia đình đã hết hy vọng. “Giờ đây, cháu C. khỏe mạnh, cách đây vài tháng, gia đình đã đưa C. về thăm gia đình tôi. Nhìn cháu vui khỏe, tôi trào nước mắt nghĩ, vậy là chồng tôi dù ra đi vẫn có thể làm những việc ý nghĩa cho đời”, chị Giang tâm sự.
Từ chối kể sâu về câu chuyện cuộc sống của C. sau khi nhận tạng vì không muốn nhiều người biết về thực trạng sức khỏe của cháu, mẹ C. cho hay, lúc chưa tìm được tim cho C., cả nhà tuyệt vọng lắm.
“Nhà tôi hoàn cảnh khó khăn, chạy vạy bao nhiêu năm để chữa trị cho hai anh em. Anh trai của C. đã không qua khỏi, cả nhà còn mỗi C. là niềm hy vọng. Tưởng rằng C. không còn cơ hội được sống thì ông trời lại cho gặp trái tim của anh Soái. Chị Giang, anh Soái đã sinh ra C. lần thứ hai. Ân tình này, với gia đình tôi suốt đời không phai”, mẹ C. chia sẻ với PV Báo Giao thông.
Sự dũng cảm và hi sinh của chị Giang đang dần được đền đáp khi cộng đồng đã thấu hiểu, chia sẻ với nghĩa cử cao đẹp của chị. Những người hàng xóm giờ đây thường xuyên sang thăm hỏi, giúp đỡ bốn bà cháu, mẹ con. Chị Giang được nhiều người giới thiệu việc làm thêm, nhưng chị đã chọn một chỗ làm gần nhà, dù lương chỉ 3 triệu đồng/tháng nhưng chị có thêm thời gian về chăm sóc mẹ chồng và các con.
Hạnh phúc thêm nữa là ba đứa con của chị Giang đều chăm ngoan, học giỏi. Ngoài thời gian đi học, ba chị em phụ giúp mẹ công việc nhà, nuôi gà, nuôi vịt.
“Giờ bố các cháu, trụ cột gia đình đã mất, bốn mẹ con tôi sẽ đùm bọc, cố gắng để sống thật tốt, sống có ích, để anh Soái dưới suối vàng cũng yên lòng”, chị Giang nói.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Giang, Bí thư Đảng ủy xã Châu Minh cho biết, nghĩa cử cao đẹp của gia đình chị Giang - anh Soái đã được người dân hưởng ứng và ghi nhận rộng rãi, không còn hiện tượng bàn tán, “châm chọc” như lúc đầu. Trong những đợt tổng kết về tấm gương người tốt, việc tốt trên địa bàn cấp xã, huyện và tỉnh, chị Giang và gia đình đều được tuyên dương. Cấp ủy, chính quyền địa phương xã Châu Minh cũng đã tuyên truyền để nhân rộng tấm gương như gia đình chị Giang ra cộng đồng. “Gia đình chị Giang thuộc diện cận nghèo, kinh tế khó khăn nên cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm, giúp đỡ”, ông Giang cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận