Đầu năm 2021, Bộ GTVT phối hợp với Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long và UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ khánh thành dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.
Hơn một năm sau ngày thông xe, tuyến cao tốc đang từng bước phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại những địa phương mà dự án đi qua.
Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi nhìn từ trên cao
Tài xế xe tải Nguyễn Văn Nam, ngụ Cần Thơ, thường xuyên chở nông sản đi các tỉnh miền Tây cho biết: “Từ khi tuyến đường được thông xe đã rút ngắn thời gian di chuyển từ 1 giờ 30 phút còn khoảng 50 phút so với đi tuyến QL80. Tui chỉ mong mai này từ Cà Mau về tới TP.HCM sẽ nối liền một mạch toàn là đường cao tốc, để việc di chuyển làm ăn của bà con lúc nào cũng thuận lợi”.
Ông Trần Minh Hiếu (74 tuổi, chủ một doanh nghiệp ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) chia sẻ, nhiều năm qua, các xe tải chở hàng của ông đã phải đi qua QL80 để về Kiên Giang. Dạo đó, đường xấu và dài, việc di chuyển rất mất thời gian, làm tốn thêm tiền bạc và công sức.
“Bây giờ có đường mới ngắn hơn, an toàn hơn, giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí”, ông Hiếu chia sẻ.
Anh Đặng Hoàng Hồ (51 tuổi, ngụ TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang), tài xế Công ty CP Xe khách Phương Trang), thâm niên 20 năm điều khiển xe khách tuyến đường dài, thường xuyên đi tuyến Rạch Giá - TP.HCM cũng cho biết: “Khi tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi thông xe, cánh tài xế rất vui mừng vì sự an toàn và nhanh chóng. Trước đây, xe phải chạy với tốc độ chưa đến 40km/h trên QL80, giờ đi nhanh hơn mà lại tiết kiệm được 5 - 7 lít dầu/ lượt đi”.
Còn ông Nguyễn Hữu Khiêm, Chánh văn phòng Hiệp hội Vận tải tỉnh Kiên Giang cho biết, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi thông xe không chỉ là niềm vui đối với các doanh nghiệp vận tải mà còn là niềm vui chung đối với nhân dân Kiên Giang và bà con các tỉnh lân cận.
“Không những góp phần giảm thiểu TNGT mà tuyến đường còn là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Nhất là việc vận chuyển hàng hóa nông nghiệp, thủy hải sản đến TP.HCM và các tỉnh lân cận được kịp thời”, ông Khiêm cho hay.
Theo ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, sau khi khánh thành và đưa vào khai thác, dự án đã tạo động lực mạnh mẽ, góp phần thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt là đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng để thu hút và đón đầu chuyển dịch dòng vốn đầu tư, đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Qua đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động, nâng cao mức thụ hưởng hạ tầng và đời sống cho nhân dân Kiên Giang và các tỉnh Tây Nam bộ nói chung…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận