Chiều 19/4, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức họp báo trước công bố quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết tháng 11/2023, Thủ tướng đã có quyết định phê duyệt về quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh tạo dựng những giá trị khác biệt, tạo ra năng lực cạnh tranh nền kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh tạo dư địa cho tăng trưởng.
Nội dung quy hoạch tỉnh đã nêu rõ quan điểm, định hướng phát triển, với tầm nhìn chiến lược "Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt".
Với động lực mới, đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Phấn đấu đến năm 2050 phát triển toàn diện, nhanh và bền vững.
Ông Trịnh Minh Hoàng thông tin thêm, tỉnh xác định quy hoạch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, phải đi trước, với tư duy mới, tầm nhìn chiến lược dài hạn, để định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Để đón đầu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đề ra nhiều giải pháp thu hút các nhà đầu lớn đầu tư vào lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng. Tập trung thu hút đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển, phát triển công nghiệp, hạ tầng đô thị.
Đối với hệ thống giao thông qua địa bàn tỉnh đã từng bước hoàn thiện, trục cao tốc Bắc - Nam sắp được thông xe là động lực mới phát triển, thu hút nguồn vốn đầu tư.
Thực tế năm 2023, hai đoạn cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Vĩnh Hảo - Phan Thiết thông xe, đã kéo một lượng lớn khách du lịch đến địa bàn tỉnh.
"Đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sắp được thông xe sẽ rút ngắn thời gian từ TP.HCM đến Ninh Thuận chỉ còn khoảng 3,5 giờ chạy xe đây là thuận lợi rất lớn cho việc phát triển kinh tế, xã hội ngành du lịch của tỉnh", ông Hoàng khẳng định.
Ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, từ quy hoạch được phê duyệt tỉnh đã tập trung kêu gọi đầu tư 5 trụ cột chính, có chọn lọc trọng điểm.
Nhiều dự án có quy mô lớn, có tính lan tỏa được triển khai thực hiện tạo động lực thúc đẩy nhanh sự phát triển của tỉnh.
"Thời gian qua các doanh nghiệp lớn, tập đoàn nước ngoài đã quan tâm ký biên bản ghi nhớ 55 dự án với số vốn ước tính khoảng 130 nghìn tỷ đồng.
Các dự án trọng điểm sắp được triển khai như dự án năng lượng tái tạo, tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối, nhà máy sản xuất Hydrogen… điện gió ngoài khơi", ông Hoàng nói.
Để kết nối liên vùng tỉnh đã triển khai xây dựng các tuyến giao thông kết nối liên vùng như: Đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, (Ninh Thuận) đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, (Lâm Đồng) có chiều dài 62,45km.
Tỉnh đang tiếp tục xúc tiến đầu tư xây dựng tuyến đường động lực kết nối Cảng tổng hợp Cà Ná lên khu vực Nam Tây Nguyên, phục vụ nhu cầu giao thương, vận chuyển hàng hóa, kết nối các khu công nghiệp, phát triển dịch vụ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận