Hãng sản xuất xe Nhật Bản Nissan Motor đang chuẩn bị được thiết lập cấu trúc quản trị, lãnh đạo mới, nhằm ngăn chặn việc tái diễn sự tập trung quyền lực trong tay của một giám đốc điều hành, như dưới thời Chủ tịch Carlos Ghosn.
Tránh tập trung quyền lực
Một ủy ban điều hành mới của liên minh 3 hãng xe ô tô Nissan, Renault và Mitsubishi vừa được chính thức thành lập tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập liên minh ngày 27/3 vừa qua, với sự lãnh đạo của Chủ tịch Renault, ông Jean-Dominique Senard.
7 thành viên của ủy ban này đã làm việc cùng nhau để cùng đưa ra các khuyến nghị cải tổ cấu trúc điều hành mới cho Nissan, sau khi người đứng đầu liên minh, cựu Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn bị bắt giữ hồi cuối năm ngoái với các cáo buộc sai phạm về tài chính.
Hãng xe Nhật Bản dự kiến sẽ tiến hành cuộc họp cổ đông bất thường ngày 8/4 tới để họp bàn về các khuyến nghị nêu trên. Nếu hội đồng quản trị Nissan thông qua các biện pháp ban điều hành mới đưa ra, tập đoàn xe hơi này sẽ có một cấu trúc quản trị mới, theo đó các quyết định sẽ được đưa ra dựa trên sự đồng thuận của một nhóm các nhà quản trị thay vì sự quyết định của duy nhất một người.
Một nguồn thạo tin tiết lộ với Bloomberg rằng, ủy ban điều hành mới cũng đề xuất việc thành lập các bộ phận quản trị riêng để giám sát việc đề cử, kiểm toán và thông qua các quyết định trả tiền lương, trong đó phần lớn được điều hành bởi các giám đốc độc lập (một người không kiêm chức quản lý nhiều bộ phận).
“Trước đây, Nissan đã không có bất kỳ ủy ban nào, toàn quyền quyết định là ở ông Carlos Ghosn. Do đó, để biết rõ được những gì hãng xe đang thực hiện là đúng đắn thì nó cần phải được đánh giá bởi những người không có xung đột lợi ích”, nhà phân tích Zuhair Khan từ Jefferies Inc (Công ty Dịch vụ tài chính Nhật Bản) nhận xét.
Nissan và Renault phải giải quyết khác biệt
Các khuyến nghị được thảo luận ngày 27/3 cũng có thể bao gồm việc bổ nhiệm một giám đốc từ doanh nghiệp bên ngoài vào ban giám đốc của Nissan, nguồn tin nêu trên cho biết. Theo nhà phân tích Margaux Pery của cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu S & P, khoảng trống trong bộ máy quản trị của Nissan thời gian qua đang trở thành một trở ngại cho liên minh xe hơi lớn nhất thế giới, và điều này chỉ được giải quyết khi Nissan thiết lập cấu trúc quản trị mới.
Là Chủ tịch của liên minh Renault, Nissan và Mitsubishi đồng thời là Chủ tịch của Nissan, ông Ghosn là nhân vật quyền lực hàng đầu trong ngành xe hơi Nhật Bản. Các công tố viên nói rằng ông này đã sử dụng vị trí của mình để làm sai lệch thông tin tài chính, những cáo buộc mà ông phủ nhận. Hiện, ông Ghosn đã được tại ngoại trước khi tham gia một phiên tòa mới bắt đầu vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, chuyên gia Motoki Yanase từ Moody Japan cho rằng, hiện vẫn còn tồn tại những căng thẳng trong liên minh về sự mất cân bằng quyền sở hữu. Renault hiện là cổ đông hàng đầu của Nissan, giữ 43% cổ phần tập đoàn, trong khi hãng xe Nhật chỉ sở hữu 15% hãng xe Pháp và không có quyền bỏ phiếu.
Gần đây, sự tăng trưởng của Nissan đã vượt xa Renault, dẫn đến lời kêu gọi từ nội bộ hãng xe Nhật về cơ cấu đối tác cân bằng hơn, trong đó có CEO Nissan Hiroto Saikawa.
Theo ông Motoki, việc giải tỏa các căng thẳng này là cần thiết bởi lợi ích đến từ liên minh đối với cả hai hãng xe trên và với đối tác thứ 3 là Mitsubishi Motors. Quy mô của liên minh sẽ mang lại những lợi thế xua tan các ngờ vực trong ngành liên quan tới việc bắt giữ ông Ghosn, đặc biệt khi các nhà sản xuất ô tô đang đối mặt với chi phí đầu tư lớn vào xe điện và xe tự lái và sự cạnh tranh mới từ hãng xe điện Tesla và công ty công nghệ Uber.
Cùng hợp tác với nhau, liên minh được thành lập từ năm 1999 đã bán được 10,8 triệu xe vào năm ngoái, chiếm 1/8 tổng doanh số bán xe toàn cầu.
Ông Janet Lewis, nhà phân tích tại Macquarie Capital Securities (Nhật Bản) cho rằng, Nissan và Renault cần phải giải quyết các khác biệt ngay cả khi hãng xe Nhật đang trở nên độc lập hơn.
Không thể phủ nhận việc liên minh các hãng xe đã giúp gia tăng cạnh tranh trong ngành. Trong đó, Renault và Nissan hợp tác về công nghệ, sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng, mua hàng và nguồn nhân lực. Các hãng xe cũng sử dụng chung chuỗi nhà máy sản xuất tại Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Romania, Slovenia, Mexico, Brasil, Chile, Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận