Đã có lúc “bế tắc”
2019 là năm chương trình Vầng trăng cổ nhạc tròn 19 tuổi. Đây là một trong những chương trình cải lương đã trở thành “thương hiệu” nổi tiếng suốt hàng chục năm qua, cũng là chương trình hiếm hoi lên sóng gần 20 năm với sự gắn bó của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn, Kim Tử Long… Mỗi tháng 1 lần, tới nay, Vầng trăng cổ nhạc đã có 203 số được phát sóng. Được tổ chức bắt đầu tại sân khấu Vườn hồng - Khách sạn REX, rồi tới sân khấu Đầm Sen, Nhà hát Đài truyền hình TP HCM và theo năm tháng, chương trình đã được đưa đi nhiều tỉnh, thành khắp cả nước như: Hà Nội, Bạc Liêu, Hậu Giang… để phục vụ người dân.
Một sân chơi nữa cho giới mộ điệu cải lương là Chuông vàng vọng cổ - cuộc thi nhằm tìm ra những tài năng, thế hệ kế truyền của bộ môn nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử. Đến nay, cuộc thi đã bước sang năm thứ 14 và là cái nôi của những gương mặt tài năng như: Võ Minh Lâm, Hồng Thanh Vân, Hồ Ngọc Trinh…
Để duy trì những chương trình nghệ thuật truyền thống suốt hàng chục năm chẳng hề dễ dàng. Đã có thời điểm, Vầng trăng cổ nhạc suýt dừng sản xuất. Nghệ sĩ Minh Vương kể lại, những năm 2010 - 2011, đạo diễn Kiều Tuấn và biên tập viên Hiền Phương từng chia sẻ, có lẽ chương trình phải ngưng thực hiện do một số trục trặc. Nghe tin đó, ông và các nghệ sĩ đều rất buồn và thất vọng, hụt hẫng. Chính ông đã phải lên tận Sở Văn hóa TP HCM gặp các lãnh đạo để xin “cứu giúp” chương trình, bởi đây là chương trình rất được người dân yêu thích, là nơi để các nghệ sĩ có thể mỗi tháng gặp khán giả và biểu diễn cải lương.
Trong khi đó, Chuông vàng vọng cổ cũng không khá khẩm hơn. Là sân chơi duy trì, bảo tồn và phát huy ca cổ, tìm kiếm và đóng góp những nhân tài cho sân khấu cải lương nhưng chương trình gặp không ít chông gai. Khó khăn nhất là nguồn thí sinh ngày càng ít vì bị chia sẻ cho nhiều chương trình gameshow, truyền hình thực tế khác.
Đạo diễn Minh Hải, Trưởng ban Văn nghệ, Đài Truyền hình TP HCM tiết lộ, những năm trước, chương trình có khoảng vài nghìn hồ sơ tham gia nhưng vài năm trở lại đây, con số chỉ được vài trăm hồ sơ. Chính đạo diễn Trần Hiền Phương của cuộc thi cũng thừa nhận, mỗi năm cuộc thi càng gặp khó khăn vì thế hệ kế thừa nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương không nhiều. Người trẻ theo đuổi loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương ngày càng ít bởi đây là ngành nghề đang gặp nhiều khó khăn, từ việc tổ chức biểu diễn tới cơ hội làm nghề.
Nỗ lực vì nghệ thuật truyền thống
Để có chặng đường dài hoạt động, đổi mới là việc sống còn của mỗi chương trình, bất kể là ca nhạc, gameshow hay cuộc thi. Hiện nay, trước làn sóng chương trình giải trí “hoành hành” trên truyền hình, mỗi gameshow, truyền hình thực tế đều phải liên tục thay đổi format để đáp ứng được nhu cầu và thu hút khán giả. Không đi theo con đường ấy nhưng Vầng trăng cổ nhạc hay Chuông vàng vọng cổ cũng phải nỗ lực thay đổi để không gây nhàm chán cho khán giả.
Mỗi số biểu diễn có thể thay đổi về âm nhạc như đưa vào trích đoạn cải lương, nhiều bài ca lẻ, hoặc hòa trộn trích đoạn và bài ca, hoặc hát tân cổ… phải làm mới vậy mới thu hút được khán giả trẻ. Quan trọng nhất là phải đào tạo được lớp khán giả trẻ, để họ bắt kịp văn hóa dân tộc.
NSƯT Thanh Tuấn
Đạo diễn Minh Hải thừa nhận, việc tìm tòi đổi mới chính là thách thức với những người sản xuất chương trình. Bởi cải lương trước đây mang tính tự sự, đối đáp qua lại và chỉ phục vụ lứa khán giả trung niên. Hiện tại, chương trình còn phải tìm cách thu hút khán giả trẻ, đồng thời mở rộng quy mô lên tới hàng nghìn khán giả nên chương trình buộc phải hấp dẫn, nhiều màu sắc từ thiết kế sân khấu, cách dàn dựng, tính toán bài bản cho tất cả những yếu tố cấu thành chương trình.
“Chúng tôi phải cân đo từng thứ một, vì trước đây có tài trợ nhưng mấy năm nay xin tài trợ rất khó khăn. Toàn bộ kinh phí do đài chi trả, khi tới tỉnh, thành nào biểu diễn thì được họ hỗ trợ một phần thôi. May mắn là các nghệ sĩ rất sẵn sàng thay đổi, chạy theo cái mới để đi tìm khán giả. Vả lại, Nam bộ là cái nôi của cải lương nên cũng có thuận lợi một phần”, anh chia sẻ. Đạo diễn Minh Hải cũng cho hay, đài vẫn phải vừa làm, vừa lắng nghe những ý kiến đóng góp của nghệ sĩ, khán giả để chạy theo tình hình và đổi mới không ngừng. Tuy nhiên, đổi mới thế nào vẫn là một bài toán chưa thể có đáp số ngay.
Trong khi đó, là người gắn bó với cả Vầng trăng cổ nhạc và Chuông vàng vọng cổ từ những năm đầu, nghệ sĩ Minh Vương nhìn nhận, các chương trình này “giữ lửa” được đến ngày nay vì được thực hiện nghiêm túc, chính xác, đi sâu vào nghệ thuật nên được đón nhận. Những chương trình giải trí nếu làm hời hợt, sẽ rất dễ bị mất khán giả và không thể đi đường dài. Nam nghệ sĩ tiết lộ, cũng có ý kiến cho rằng, nên làm cho các chương trình này có tính vui vẻ, giải trí hơn nhưng ông phản bác ngay. Theo nghệ sĩ Minh Vương, không được phép hời hợt, đùa giỡn với nghệ thuật hay bắt chước các gameshow khác, bởi làm vậy sẽ dần vắng khán giả.
Còn trong mắt NSƯT Thanh Tuấn, những chương trình nghệ thuật truyền thống buộc phải luân phiên thay đổi nghệ sĩ, tìm tòi những cái hay, mới lạ từ kịch bản, bài vọng cổ, âm nhạc… phải đảm bảo tính nghệ thuật, sân khấu phải có cảnh trí đẹp, tạo cho người xem cảm hứng để đến xem mới có thể tạo sự hấp dẫn. Nam nghệ sĩ đánh giá, những tìm tòi thay đổi phải dựa trên việc nghiên cứu sở thích của khán giả, nhất là khán giả trẻ. Lý do bởi những người lớn tuổi đã thích cải lương vọng cổ từ lâu, nên họ chỉ cần nghe những giọng ca quen thuộc là đã sống lại những ký ức của mình. Còn khán giả trẻ có sở thích riêng và đối tượng này đang cần được nhắm đến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận