Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng khiến 11 người thương vong tại Lạng Sơn sáng 17/9 |
10 người thiệt mạng
Do hoàn lưu bão số 3, rạng sáng 17/9 tại huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) xảy ra sạt lở đất làm 7 người chết và 6 người bị thương. Vụ sạt lở đất xảy ra tại lán ở của công nhân xây dựng tại bến xe Xuân Cường, xã Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng làm 6 người chết và 5 người bị thương. Tại tỉnh Quảng Ninh, mặc dù không có thiệt hại về người nhưng có hơn 5 nghìn ha hoa màu, lúa bị đổ, ngập. 6 nhà cấp 4 bị đổ ở huyện Tiên Yên và huyện Đầm Hà. Toàn tỉnh có 145 nhà bị tốc mái và một cột ăng ten ở huyện Hải Hà bị đổ. Mưa bão cũng làm 52 đường dây trên địa bàn tỉnh bị sự cố, 15 thành phố, huyện, thị bị mất điện. Đến chiều 17/9, cơ bản các địa phương bị mất điện đã được khắc phục. Tại TP Móng Cái, bão đã làm 16 ngôi nhà tốc mái, nhiều cây cối bị đổ, 10 cây cột điện hạ thế bị đổ, gần 1 nghìn ha lúa mùa chính vụ đang vào hạt và trà lúa muộn đang làm đòng, trổ bông bị gãy gập.
Tại Hải Phòng, theo thống kê chưa đầy đủ, bão số 3 đã khiến 80 m2 nhà tạm tại quận Dương Kinh bị đổ sập; 12 nhà xưởng, chòi canh ở quận Đồ Sơn bị tốc mái; 120 m2 phòng học và 50 m2 trụ sở cơ quan tại huyện đảo Cát Hải bị tốc mái; 16.272 ha lúa ở các huyện Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão... bị đổ và ảnh hưởng năng suất; 850 ha hoa màu (dưa hấu, ớt, ngô...) bị hư hại; 53 cây xanh đô thị bị gãy đổ; 200 ha thủy sản của huyện An Lão bị ngập; 340 ha cây ăn quả ở Thủy Nguyên, Dương Kinh, Đồ Sơn gãy đổ; Một số vị trí trên các tuyến đê tả sông Hóa, tả sông Thái Bình, tả sông Văn Úc bị xói lở...
Thiệt hại nặng về hạ tầng giao thông
Ông Nguyễn Hoàng Huyến, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (Bộ GTVT) cho biết, tính đến đầu giờ chiều 17/9, bão số 3 đã gây thiệt hại lớn về hạ tầng giao thông ở các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Thông tin từ Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tính tới chiều 17/9, cơn bão số 3 đã làm chết 10 người (Lạng Sơn 7, Hà Nội 2, Nghệ An 1) do sạt lở đất, điện giật; Bị thương 9 người (Lạng Sơn 6 người, Nghệ An 3 người). |
Theo ông Huyến, tại Lạng Sơn, QL1, QL1B có 6 vị trí bị sạt lở ta luy dương với khối lượng khoảng 800m3, riêng QL1B có ba vị trí bị ngập nước nhưng không bị tắc đường. Trên QL31 có 15 vị trí cây đổ ngang đường, có sụt trượt nhưng không gây ách tắc giao thông; QL4B cũng có 15 vị trí cây đổ ngang đường và sụt trượt đất đá khoảng 300 m3, không gây ùn tắc giao thông. QL4A có 5 vị trí sụt trượt, QL279 tại Km 157 +200 - Km 157+270 bị nước xói lở mặt đường rộng 1,2 m sâu 0,4 m, riêng Km 191+800 bị sạt lở với khối lượng lớn, đơn vị quản lý đã huy động xe, máy đến thu dọn đất đá, đảm bảo giao thông.
Tại tỉnh Bắc Kạn, do mưa to sau hoàn lưu bão số 3, các tuyến tỉnh lộ và quốc lộ trên địa bàn tỉnh bị sạt lở nhiều điểm, gây tắc đường. TL254 bị cả một quả đồi sạt lở xuống với tổng khối lượng đất đá gần 8 nghìn m3, nhưng 12h ngày 17/9 đã thông xe. Tại Km 12+260 tuyến TL258, cũng bị sạt lở, gây tắc đường. Trên QL3B, sạt lở nghiêm trọng ở hai điểm tại Km 12+450 và Km17, do địa hình phức tạp, việc xử lý rất khó khăn.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, QL18 tại cầu Bãi Cháy đã phải cấm xe máy qua cầu vào hồi 22h và cấm ô tô qua cầu lúc 23h ngày 16/9 đến 5h ngày 17/9 các xe đã lưu thông bình thường. Cũng theo ông Huyến, để khắc phục hậu quả sau bão, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN, Sở GTVT tập trung lực lượng thu dọn đất đá để thông xe, những vị trí bị sụt ta luy âm, nước ngập mặt đường cần tổ chức cắm cọc tiêu, rào chắn cảnh báo và trực gác 24/24h, bảo đảm ATGT.
M. Tiến - TR. Thành - K. Hà
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận