Hạ tầng

Nỗ lực để đưa CHK Long Thành khai thác vào năm 2023

24/01/2016, 13:06

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí bên hành lang Đại hội XII.

san0bay-long-thanh
Phối cảnh sân bay Long Thành.

Xin Thứ trưởng cho biết dự án Sân bay Long Thành (SBLT) – một trong những dự án chiến lược, trọng điểm quốc gia được Bộ GTVT triển khai tới đâu?

Dự án sân bay Long Thành đã được lập dự án tiền khả thi trình Chính phủ trình Quốc hội và được thông qua chủ trương trong kỳ họp gần đây nhất.

Theo quy trình, thủ tục đầu tư, Chính phủ đang chỉ đạo ngành GTVT triển khai lập dự án khả thi. Chúng tôi cũng đang lựa chọn tư vấn để lập dự án khả thi trong năm 2016-2017, phấn đấu năm 2018 khởi công để đưa vào khai thác năm 2023.

Để triển khai dự án này, ngoài Bộ GTVT phải có sự phối hợp các bộ, ngành, địa phương. Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là phải bằng mọi cách huy động nguồn lực cho dự án. Trong đó, trước hết nguồn lực để đầu tư xây dựng một số hạng mục quan trọng như nhà ga, đường băng, sân bãi… Cùng với huy động nội lực từ Tổng công ty Cảng hàng không (ACV), cần có phải kết hợp tổng lực nguồn vốn trong, ngoài nước.

Thứ hai, cần phải tập trung cho công tác GPMB. Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ cho tách khâu bồi thường, GPMB thành dự án riêng biệt với sân bay Long Thành để thực hiện cho kịp tiến độ.

Ngành GTVT được xác định phải đi trước, tạo tiền cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong bối cảnh kinh tế đất nước khó khăn, ngân sách eo hẹp, ngành có giải pháp gì để huy động được các nguồn lực cho đầu tư KCHT, thưa Thứ trưởng?

Từ nay tới năm 2020, nước ta cần 40-50 tỷ USD cho phát triển HTGT. Năm 2015, chúng ta đã giải ngân được 87.000 tỷ đồng (hơn 4 tỷ USD). Như vậy, trong 5 năm tới, mỗi năm chúng ta phải huy động trung bình 7 tỷ USD và đây là một thách thức lớn.

Để thực hiện được mục tiêu đó, cần phải thực hiện nhiều giải pháp, như: Hoàn thiện cơ chế thông qua hệ thống pháp luật để huy động đa nguồn lực, vì nếu chỉ trong chờ vào NSNN sẽ rất khó khăn. Phải làm sao để khối tư nhân tham gia đầu tư HTGT mạnh mẽ. Muốn vậy, phải có chính sách để đảm bảo lợi ích cho tư nhân khi tham gia đầu tư như cơ chế về phí, giá, chia sẻ rủi ro.

Đồng thời, phải xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Điều này cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, các địa phương liên quan.

Vừa qua, chính sách đầu tư cho KCHT cũng đã có sự quan tâm tới nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, dân tộc thiểu số… Tuy nhiên, tại nhiều nơi, người dân đi lại vẫn khó khăn và nhu cầu từ khu vực này cũng còn rất lớn. Ngành GTVT quan tâm, giải quyết vấn đề này như thế nào để hài hòa lợi ích này?

Như tôi đã nói, nhu cầu đầu tư cho KCHT giao thông rất lớn, song nguồn lực của chúng ta còn hạn chế. Đảng, Nhà nước xác định rõ, KCHT giao thông phải tạo ra sự đột phá mạnh mẽ, song phải gắn với giải quyết an sinh xã hội. Bộ GTVT cũng xác định nguồn lực Nhà nước để dành ưu tiên xây dựng KCHT lớn, trọng yếu, có sức lan tỏa.

Trong đó, những công trình có sức hấp dẫn phải kết hợp huy động nguồn lực tư nhân và có cơ chế để họ thu hồi vốn. Song, lên khu vực Tây Bắc không thể thu phí của dân được, thì phải có sự điều tiết của Nhà nước trong phân bổ nguồn lực.

Ngoài ra, có thể kêu gọi thêm từ xã hội hóa. Như vừa qua, ngành GTVT đã hoàn thành 187 cầu treo dân sinh – chủ yếu từ nguồn xã hội hóa – phục vụ bà con. Hay Đảng, Nhà nước đang triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới - ở đó kết hợp nguồn vốn TƯm địa phương… Có thể nói, chúng ta không quên đầu tư cho các vùng, miền, song cũng phải xác định đúng hướng, rõ ràng đột phá ở đâu.

Với lợi thế bờ biển trải dọc dài theo đất nước, ngành GTVT có chiến lược phát triển các phương thức vận tải như đường thủy ra sao để giảm tải cho hệ thống đường bộ?

Hành lang Bắc Nam được xác định là tuyến giao thông huyết mạch, từ hàng hải đến đường sắt, đường thủy nội địa… Chúng tôi đã thực hiện nhiều chương trình cụ thể, như kết nối vận tải đường thủy nội địa với hàng hải; đẩy mạnh hiện đại hóa đường sắt Bắc Nam để giảm tải cho đường bộ. Bộ GTVT cũng đang cải thiện nhanh tắc nghẽn đường sắt Bắc Nam, để tăng cường kênh luân chuyển hàng hóa…

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, từ những kỳ Đại hội trước, nhất là là Đại hội XI đã định hướng, xây dựng chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng (KCHT), đặc biệt là hạ tầng giao giao thông (HTGT) là một trong 3 đột phá quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội. Và chiến lược này tiếp tục được xác định là một bước đột phá trong Dự thảo văn kiện Đại hội XII.

Từ định hướng lớn đó, ngành GTVT đã điều chỉnh, xây dựng chiến lược chuyên ngành, trong đó có kết cấu HTGT. Từ năm 2011-2014, các chiến lược, quy hoạch 5 lĩnh vực chuyên ngành đều được cập nhật, điều chỉnh để phù hợp chủ trong phát triển hạ tầng phục vụ phát triển KTXH. Kết quả thực hiện đã được Đảng, Quốc hội, Nhà nước, nhân dân ghi nhận.

Giai đoạn tới, chiến lược đầu tư KCHT cũng như phát triển GTVT tiếp tục tập trung vào một số định hướng quan trọng: KCHT tập trung vào công trình lớn có sức lan tỏa ở các vùng trọng điểm và óc tính liên thông; Huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước; Giải quyêt thách thức trong quá trình thực hiện bao gồm trách nhiệm cơ quan chủ quản, chính quyền địa phương trong GPMB và các bộ, ngành liên quan; Đẩy mạnh ứng dụng KHCN, đặc biệt là công nghệ mới, vật liệu mới trong các công trình GT. Tổ chức khai thác các công trình hiệu quả và đẩy mạnh phương thức kết nối; Nỗ lực giảm chi phí vận tải để nâng cao năng lực cạnh tranh…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.