Cà Mau hiện có hơn 2.600 hộ bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt do hạn hán, trong đó hơn 1.700 hộ đặc biệt khó tiếp cận nguồn nước do không khai thác được nước ngầm, kênh rạch khô cạn, đường bị sụt lún, giao thông chia cắt...
Chia nhau nước sinh hoạt
Chị Cao Thị Trang ở ấp 16, xã Khánh An, huyện U Minh cho biết: "Hơn một tháng qua, gia đình tôi phải mua nước lọc để sử dụng.
Một tháng mua khoảng 5-7 bình nước lọc 21 lít, tương đương 300.000-400.000 đồng để sử dụng mặc dù hết sức tiết kiệm".
Chị Nguyễn Thị Đậm (ngụ xã Biển Bạch, huyện Thới Bình) chia sẻ: "Nhà tôi thiếu nước khoảng ba tháng nay rồi, sinh hoạt khó khăn.
Không có nước, tôi mua nước dưới ghe giá 45.000 đồng/m3, khoảng ba ngày xài hết 160.000 đồng.
Hôm rồi, được các chú bộ đội và mạnh thường quân mang nước sạch đến cho tôi và bà con ở đây vui mừng dữ lắm!".
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Giao thông, tại ấp Minh Hà, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, hơn 10 năm nay, người dân chưa có hệ thống nước sạch dẫn đến.
Để chủ động nguồn nước sạch sinh hoạt trong thời gian hạn hán kéo dài, người dân nơi đây đã sử dụng lu, kiệu, khạp để chứa nước dùng dần, và phải tiết kiệm chờ cho đến khi mùa mưa đến.
"Nhà tôi trước đây khoan ống để lấy nước ngầm sâu khoảng 170m, nhưng bây giờ máy bơm hút nước có lúc lên, có lúc không lên, còn nước máy khoan mới thì nhiễm mặn khoảng 5-6 phần ngàn cũng không thể nấu ăn được. Thậm chí, gia đình xây một bồn để chứa nước nhưng cũng không đủ để xài", ông Trần Văn Liếu ở ấp Minh Hà, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời chia sẻ.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 50.000 gia đình thiếu nước sạch và phải sử dụng rất nhiều giải pháp để đảm bảo có nước sinh hoạt.
Những hộ không thể cấp được nước sạch tập trung, địa phương phải có giải pháp cấp nước khác, bằng các bể để tích nước.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, áp lực về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn càng ngày càng lớn hơn. Nhu cầu cuộc sống cao hơn trước dẫn đến nhu cầu về nước cũng cao hơn.
"Riêng tỉnh Cà Mau, tôi đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh cần tiếp tục đầu tư và hành động cụ thể hướng đến việc đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận bình đẳng, công bằng về nước sạch", ông Hiệp đề nghị.
Theo ghi nhận, trên địa bàn tỉnh vẫn còn khoảng 5% hộ dân đang rất khó khăn cần sự hỗ trợ về nước sinh hoạt và hơn 40% hộ dân nông thôn đang sử dụng nước chưa hợp quy chuẩn Quốc gia.
Nỗ lực cấp nước sạch
Hơn một tháng qua, được sự quan tâm của các cấp các ngành, người dân ở cuối nguồn của ấp Minh Hà đã có đường ống dẫn nước sạch từ trạm bơm về.
Có đường nước sạch sinh hoạt, ông Trần Văn Liếu (ngụ ấp Mình Hà, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời) bày tỏ vui mừng: "Người dân chúng tôi mừng lắm vì được chính quyền địa phương quan tâm và triển khai lắp đặt dẫn đường nước sạch về để sinh hoạt, do nguồn nước ở đây đã nhiễm mặn".
Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng trạm cấp nước khu vực ấp Minh Hà cho biết, để đủ nước cho người dân cuối nguồn sử dụng, trạm đã tăng công suất và thời lượng bơm nước sạch. Đồng thời, điều chỉnh thời gian bơm phù hợp để đảm bảo đủ nhu cầu sử dụng của người dân.
Trong những ngày qua, nhằm chia sẻ với khó khăn của người dân ở những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán xâm nhập mặn như ở huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh… lực lượng Cục Hậu cần, Quân khu 9 và lực lượng Công an tỉnh Cà Mau đã tích cực vận chuyển hỗ trợ hàng ngàn mét khối nước sạch để sử dụng.
Cùng với đó, để đảm bảo nước sạch đến với người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng bị ảnh hưởng nặng nề trên địa bàn tỉnh, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau cho biết, UBND tỉnh đã có chủ trương giao cho sở NN&PTNT làm phương án xử lý các công trình cấp nước.
"Đối với những công trình kém hiệu quả, Sở đã thuê đơn vị tư vấn định giá toàn bộ hệ thống cấp nước ở các điểm cấp nước trên địa bàn tỉnh. Đến nay, cơ bản đã đánh giá xong, đang hoàn thiện phương án để xử lý bước tiếp theo..
Đối với hệ thống cấp nước còn hoạt động, nhưng kém hiệu quả, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau sẽ đề xuất đầu tư nâng cấp. Đồng thời, sở cũng đang xây dựng đề án cấp nước nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới", ông Vũ thông tin thêm.
Cũng theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, hiện nay, tỉnh đã nối đường ống nước sạch từ các trạm cấp nước trên địa bàn đến hơn 400 hộ dân, đang tiếp tục nối ống đến các hộ còn lại (hơn 2.000 hộ), tỉnh đã trao hơn 300 dụng cụ chứa nước sạch và tiếp tục nhận hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân cho người dân đang gặp khó khăn.
Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, tình trạng bão, hạn hán, triều cường ngày một bất thường với mức độ ngày một khốc liệt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử kêu gọi người dân phải có hành động thường xuyên, liên tục, tự giác thực hiện bảo vệ nguồn nước sạch.
Cùng với đó, tỉnh sẽ tăng cường đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt, nối dài đường ống dẫn nước sạch.
Hiện đã có 96% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh nhưng nhà tiêu đủ tiêu chuẩn chỉ mới đạt hơn 70%. Chúng ta đã nỗ lực rồi, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải làm", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận