Nhiều giải pháp quyết liệt đã được Bộ GTVT đề ra để tập trung giải ngân số vốn còn lại, khoảng 16.679 tỷ đồng.
Từ nay đến hết thời hạn giải ngân năm 2021, Bộ GTVT còn tiếp tục phải giải ngân khoảng 16.679 tỷ đồng, trong đó 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam cần giải ngân 5.480 tỷ đồng (Trong ảnh: Thi công cao tốc Mai Sơn - QL45). Ảnh: Tạ Hải
Các PMU lớn đua tiến độ
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiếu hụt nguồn vật liệu đất đắp nền và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thời gian qua, hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây do Ban QLDA Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư vẫn đảm bảo nhịp độ thi công, không gặp gián đoạn.
Ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kinh tế kế hoạch (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, tại dự án Mai Sơn - QL45, các nhà thầu đang triển khai 65 mũi thi công, sản lượng đến hết tháng 9 đạt hơn 1.961 tỷ đồng (đạt gần 29% giá trị hợp đồng).
Tại cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, 69 mũi thi công của các nhà thầu cũng đang ráo riết đẩy nhanh hạng mục nền đường, cầu trên tuyến, sản lượng thi công đến nay đạt hơn 1.011 tỷ đồng.
Ngoài hai dự án trên, từ đầu năm đến nay, Ban QLDA Thăng Long còn quyết liệt đốc thúc các nhà thầu đẩy mạnh thi công dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài, cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long…
Tiến độ các công trình được đảm bảo đã đưa Ban QLDA Thăng Long trở thành đơn vị “đầu tàu” của Bộ GTVT về kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng đầu năm 2021 khi đã giải ngân khoảng 6.467 tỷ đồng, đạt 78,9% kế hoạch.
“Chỉ tính riêng trong tháng 9/2021, Ban QLDA Thăng Long giải ngân được khoảng 600 tỷ đồng. Chúng tôi phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ giải ngân đảm bảo theo yêu cầu của Bộ GTVT”, ông Sơn nói.
Thành lập từ đầu tháng 2/2021, dù còn khá non trẻ song Ban QLDA Mỹ Thuận đang từng bước khẳng định vai trò “mũi nhọn” của Bộ GTVT trong công tác quản lý các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn ở khu vực phía Nam như: Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, dự án nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, dự án tuyến tránh Long Xuyên…
“Năm 2021, Ban QLDA Mỹ Thuận được giao kế hoạch khoảng 3.900 tỷ đồng, đến hết tháng 9 đã giải ngân được khoảng 2.100 tỷ đồng.
Chúng tôi đang quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tăng tốc thi công các dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, dự án đường băng Tân Sơn Nhất… để đến hết năm tài chính 2021, giá trị giải ngân vốn của Ban QLDA Mỹ Thuận đạt trên 95% kế hoạch”, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận nói.
Một đơn vị khác luôn nằm trong nhóm dẫn đầu Bộ GTVT về kết quả giải ngân hàng năm là Ban QLDA đường Hồ Chí Minh.
Ông Trần Văn Xuân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, đến hết tháng 9/2021, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã giải ngân được 3.239 tỷ đồng (đạt 72,4% kế hoạch cả năm) cho các dự án: Cao tốc Cam Lộ - La Sơn, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, cao tốc La Sơn - Túy Loan…
Trong khi đó, ông Hoàng Triệu Long, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Ban QLDA 6) cho biết, năm 2021, đơn vị được giao khoảng 2.084 tỷ đồng. Đến hết tháng 9/2021, Ban QLDA 6 đã kịp giải ngân khoảng 1.318 tỷ đồng, đạt hơn 63% kế hoạch cả năm.
Tập trung giải ngân hết số vốn còn lại
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ KH&ĐT cho biết, năm 2021, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch khoảng 43.397 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9/2021, Bộ GTVT giải ngân được khoảng 26.722 tỷ đồng, đạt 61,6% kế hoạch cả năm.
Kết quả giải ngân của Bộ GTVT cao hơn mức bình quân chung của cả nước (đạt khoảng 47,38%) và đáp ứng tiến độ giải ngân theo Nghị quyết 63 của Chính phủ (hết tháng 9/2021 giải ngân tối thiểu đạt 60%).
Ông Lê Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, để đảm bảo tiến độ thực hiện kết quả giải ngân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể liên tục ban hành các quyết định, công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
Đặc biệt, ngày 1/9/2021, Bộ GTVT ban hành quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án do Bộ GTVT quản lý do đích thân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm Tổ trưởng.
Trong thời gian qua, Tổ Công tác đã tiến hành rà soát thủ tục, kiểm tra hiện trường các dự án được giao vốn lớn, có nguy cơ chậm tiến độ.
“Trên cơ sở đề xuất của Tổ công tác đặc biệt, đến nay, Bộ GTVT đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch nhiều đợt từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ thực hiện giải ngân tốt.
Đồng thời, Tổ Công tác đặc biệt của Bộ GTVT cũng đã phát văn bản cảnh cáo đối với một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án và yêu cầu xử lý trách nhiệm một số tập thể, cá nhân do công trình chậm tiến độ giải ngân”, ông Tiến thông tin.
Theo ông Tiến, thời gian từ nay đến cuối năm, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn: Hoàn thiện các thủ tục để khởi công 11 dự án; hoàn thành đưa vào khai thác 14 công trình; Tập trung giải ngân số vốn còn lại khoảng 16.679 tỷ đồng.
Do đó, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam; Các dự án đường bộ, đường sắt cấp bách…
“Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần chỉ đạo các nhà thầu lập kế hoạch thi công chi tiết từng hạng mục, công trình. Đồng thời, tập trung huy động thiết bị, máy móc, nhân lực, tăng cường các mũi thi công, chủ động sản xuất, tập kết vật liệu.
Đặc biệt, ban quản lý dự án phải chỉ đạo các lực lượng tham gia trên công trường thực hiện nghiêm những quy định về phòng chống dịch Covid-19”, ông Tiến nói.
Khẳng định nhiệm vụ triển khai các dự án đảm bảo tiến độ, hoàn thành kế hoạch giải ngân là rất quan trọng, nhưng theo ông Tiến: “Chất lượng thi công các công trình là yêu cầu hàng đầu.
Vì vậy, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần đặc biệt quan tâm trong chỉ đạo triển khai các dự án được giao quản lý”.
Thống kê của Vụ KH&ĐT, từ nay đến hết thời hạn giải ngân năm 2021 (kết thúc vào 31/1/2022), Bộ GTVT còn tiếp tục phải giải ngân khoảng 16.679 tỷ đồng gồm: 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam cần giải ngân 5.480 tỷ đồng; 5 dự án ODA (dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc; dự án nâng cấp QL19 qua Tây Nguyên; dự án cải tạo cầu yếu trên các tuyến quốc lộ; dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh Long Xuyên; dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc tuyến Vành đai 3 TP.HCM) cần giải ngân 3.560 tỷ đồng; Các dự án đường bộ, đường sắt cấp bách cần giải ngân 1.832 tỷ đồng…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận