Nối thông đường Tiểu khu 67 lên Rào Trăng 3
Trao đổi với Báo Giao thông, Ông Nguyễn Thành Vinh, Trưởng phòng Dự án 5 (Ban QLDA đường HCM) thông tin nhanh, vào khoảng 17h chiều ngày 23/10, 2 máy xúc ủi của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng DACINCO và Công ty Thuận An đã tiếp cận hiện trường sạt ở thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên-Huế).
Đây là mũi cơ động đầu tiên của lực lượng "nòng cốt" ngành GTVT trực tiếp mở đường vào khu vực sạt lở công nhân thủy điện Rào Trăng 3. Đồng thời là một trong số ít lực lượng chức năng có thể tiếp cận trực tiếp vào hiện trường. Ngoài ra, các thiết bị cào, múc chuyên dụng khác của các đơn vị thi công dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn được Ban QLDA đường HCM điều động, đang tiếp tục khắc phục sạt lở để nối thông đoạn tuyến lên Rào Trăng 3.
"Đoạn từ Tiểu khu 67 lên Rào Trăng 4 và từ đây lên Rào Trăng 3 đã cơ bản thông tuyến, không còn cắt đường do sạt lở. Những vị trí phải gia cố, lắp đặt ống đang được Sở GTVT Thừa Thiên-Huế triển khai...", ông Vinh thông tin.
Theo đó, 10 xe máy xúc đào, gần 20 công nhân lái máy của các đơn vị thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn trực tiếp đến hiện trường, chia làm các mũi thi công khắc phục sạt lở, gia cố, đảm bảo giao thông tạm, đưa các lực lượng khác tiếp cận hiện trường sạt lở, phối hợp công tác cứu hộ cứu nạn.
Đặc biệt, 4 ngày qua, 3 lái máy được "trung chuyển" bằng đường thủy tiếp cận Tiểu khu 67, lái 3 máy xúc ủi cỡ lớn để mở đường nối tuyến từ Tiểu khu lên Rào Trăng 3.
Ông Nguyễn Vũ Quý, Phó giám đốc Ban QLDA đường HCM cho hay, từ 12/10, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, trực tiếp là Thứ trưởng Lê Đình Thọ tại hiện trường mở đường cứu hộ, cứu nạn Rào Trăng, Ban đã tăng cường cán bộ dự án, nhân vật lực từ các nhà thầu đang thi công dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn khẩn tốc lên hiện trường, nỗ lực khắc phục sạt lở trong điều kiện địa hình hiểm trở, thời tiết nguy hiểm, phức tạp...
Phối hợp chặt chẽ địa phương, chia sẻ người dân bão lũ
Trao đổi với PV, Lãnh đạo Ban QLDA đường HCM cho hay, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban đã cử Phó giám đốc cùng các trưởng phòng dự án nhà thầu đang thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua Thừa Thiên Huế lên hiện trường, điều động máy móc, thiết bị chuyên dụng.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ các lực lượng nòng cốt ngành GTVT tại địa phương: Sở GTVT Thừa Thiên-Huế, Cục QLĐB II, các đơn vị quốc phòng, Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Qua đó, nỗ lực đẩy tiến độ khắc phục sạt lở, nối đường, hỗ trợ công tác cứu nạn, tiếp tế y tế, lương thực...
Không chỉ tăng cường công tác cứu hộ "điểm nóng sạt lở" Rào Trăng 3, ngày 13/10 vừa qua Công đoàn Ban QLDA đường Hồ Chí Minh vận động, khuyên góp trên 200 triệu đồng, tổ chức mua nhu yếu phẩm, phối hợp với địa phương kịp thời hỗ trợ cho những khu vực dân cư bị ngập nặng để người dân hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế vượt qua khó khăn trước mắt.
Ngay trên công trường dự án Cam Lộ-La Sơn, Ban QLDA đường HCM cùng các đơn vị thi công quyên góp ủng hộ người dân các xã thuộc Huyện Phú Lộc, huyện Phong Điền, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế), các xã thuộc huyện Triệu Phong, huyện Hải Lăng, thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) với giá trị khoảng hơn 100 triệu đồng.
Trao đổi với PV, lãnh đạo Ban QLDA đường HCM cho hay, còn rất nhiều khu dân cư, người dân vùng dự án gặp khó khăn do thiên tai, mưa lũ, ban đang tiếp tục kêu gọi các đơn vị liên quan tham gia giúp đỡ các công việc cụ thể, để người dân, chính quyền địa phương sớm ổn định cuộc sống sau bão lũ.
Đặc biệt, lũ rút các địa phương đối mặt tình trạng bùn đọng, ô nhiễm môi trường, hiện Ban QLDA đường HCM chỉ đạo các nhà thầu đang thi công dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua Thừa Thiên Huế và Quảng Trị huy động máy móc, thiết bị san gạt bùn lầy, đất đá sạt lở sau mưa lũ trên các tuyến đường làng, xã xung quanh khu vực dự án để người dân đi lại thuận tiện; huy động công nhân thu dọn vệ sinh trường học, trạm y tế và hỗ trợ một số nhà dân để sớm ổn định cuộc sống cho người dân vùng lũ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận