Ông Lâm Văn Hoàng TGĐ Ban QLDA đường HCM |
Về “đại công trường” dự án đường Hồ Chí Minh, ông Lâm Văn Hoàng, Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh bật mí sẽ có nhiều giải pháp đầu tư, kêu gọi vốn, đồng thời chỉ đạo quyết liệt thi công để rút ngắn thời gian hoàn thành so với yêu cầu của Quốc hội.
Tăng cường đầu tư theo hình thức xã hội hóa
Theo Nghị quyết của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Khóa 13, đến năm 2020, đường Hồ Chí Minh sẽ được nối thông toàn tuyến từ Cao Bằng đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô hai làn xe. Tới thời điểm này, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh triển khai thế nào, thưa ông?
Đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng năm 2000, đến năm 2007 đã cơ bản hoàn thành đoạn Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) với chiều dài khoảng 1.350km. Để nối thông toàn tuyến với quy mô hai làn xe như yêu cầu trong Nghị quyết 66 của Quốc hội, từ cuối năm 2007, dự án tiếp tục được đầu tư xây dựng giai đoạn 2 từ Cao Bằng đến Hà Nội và từ Kon Tum đến Cà Mau với chiều dài khoảng 1.393km.
Đến nay, giai đoạn 2 của dự án đang triển khai thi công 1.035km, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 355km và khoảng 185km đã thảm bê tông nhựa. Đến năm 2017, dự án đường Hồ Chí Minh với quy mô hai làn xe sẽ nối thông 1.035km, còn lại 358km, Bộ GTVT, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đang kiến nghị Quốc hội, Chính phủ thông qua một số chủ trương để có thể triển khai sớm nhằm rút ngắn thời gian nối thông toàn bộ tuyến đường.
Như vậy, giai đoạn nối thông tuyến quy mô hai làn xe còn 7 dự án thành phần chưa triển khai xây dựng với chiều dài 358km. Thời gian tới, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh sẽ có giải pháp gì để đẩy nhanh đầu tư xây dựng các dự án này, thưa ông?
Mặc dù việc xây dựng các dự án thành phần để nối thông tuyến là rất cấp bách nhưng trong điều kiện nguồn lực của đất nước còn khó khăn nên chưa thể bố trí vốn để triển khai. Vì vậy, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã chủ động đề xuất với Bộ GTVT một số chủ trương nhằm nhanh chóng triển khai các đoạn này để sớm nối thông tuyến và phát huy hiệu quả dự án.
"Để đảm bảo chất lượng dự án, chúng tôi đã thành lập tổ chuyên gia tư vấn độc lập (gọi tắt là “đội 141”). Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện các đơn vị sai sót, “đội 141” có quyền yêu cầu nhà thầu, tư vấn giám sát dừng thi công và báo cáo trực tiếp lãnh đạo Ban để có biện pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời, đồng thời, có hướng dẫn lại các nhà thầu, tư vấn khắc phục các sai sót, cách làm đúng. Chính nhờ đó mà chất lượng dự án của chúng tôi ngày càng được nâng cao, đến nay chưa xuất hiện hư hỏng lớn, đặc biệt là hiện tượng hằn lún vệt bánh xe”. Ông Lâm Văn Hoàng |
Theo đó, chúng tôi đã rà soát để tối ưu hóa tiêu chuẩn kỹ thuật của các dự án ở khu vực Tây Nguyên và một số dự án khác cho phù hợp với điều kiện thực tế theo phương châm không thay đổi quy mô và hiệu quả đầu tư nhằm tiết kiệm một phần vốn dư đầu tư các dự án chưa triển khai, đặc biệt là các dự án đi qua Bắc Kạn – Thái Nguyên – Tuyên Quang, bao gồm tuyến tránh thị trấn Ngân Sơn, tuyến tránh thị trấn Nà Phặc, cầu Bình Ca và đoạn Chợ Mới – ngã ba Trung Sơn với tổng mức đầu tư khoảng 4.454 tỷ đồng. Nếu được chấp thuận, các dự án này dự kiến sẽ khởi công ngay trong năm 2015 và hoàn thành trong năm 2017, sớm hơn một năm so với yêu cầu của Quốc hội.
Bên cạnh đó, trong năm qua, ngoài năm dự án BOT ở khu vực Tây Nguyên với tổng mức đầu tư (TMĐT) 5.890 tỷ đồng đang triển khai, chúng tôi đã kêu gọi đầu tư xã hội hóa thêm một số đoạn tuyến bằng hình thức BT, BOT, điển hình là dự án BT La Sơn – Túy Loan với TMĐT khoảng 11nghìn tỷ đồng vay vốn tín dụng lãi suất thấp của Ngân hàng Tokyo - Mitsumishi UFJ của Nhật Bản. Đoạn Cam Lộ - La Sơn dài 103km với TMĐT khoảng 10 nghìn tỷ đồng đang tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Các dự án cầu Ngọc Tháp và tuyến nối QL2 - QL32, dự án Chơn Thành – Đức Hòa sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ hiện đang triển khai dở dang do thiếu vốn được đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư sang BOT (khoảng 3 nghìn tỷ đồng) để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Một dự án khác là Đoan Hùng – Chợ Bến, theo quy hoạch được duyệt với quy mô đường cao tốc, hiện nay, chúng tôi đang lập dự án đầu tư với quy mô hai làn xe để kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT hoặc dùng vốn ODA, phấn đấu năm 2016 sẽ triển khai và hoàn thành trong năm 2018, sớm hơn hai năm so với yêu cầu của Quốc hội.
Một đoạn đường Hồ Chí Minh qua xã Xuân Hòa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã hoàn thành mở rộng - Ảnh: Dương Linh |
Dùng chiến thuật “hoa thơm lấn cỏ dại”
Theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ GTVT, đến cuối năm 2015, toàn bộ dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sẽ hoàn thành đưa vào khai thác. Đến thời điểm này, tình hình triển khai dự án được thực hiện ra sao, thưa ông?
Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên có chiều dài khoảng 663km, từ Đắk Giôn (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước). Ngoài 110km từ Đắk Giôn – Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum) đã hoàn thành trong giai đoạn 1, giai đoạn 2 đầu tư 553km từ Tân Cảnh đến Chơn Thành, trong đó đã hoàn thành khoảng 133km các đoạn qua đô thị của các tỉnh Tây Nguyên và đoạn từ Kon Tum – Pleiku, các đoạn còn lại chưa đầu tư, bị xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng và giảm thiểu TNGT trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã xác định cùng với QL1 đây là dự án quan trọng quốc gia và ban hành Nghị quyết riêng cho tiếp tục triển khai để hoàn thành vào năm 2016. Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh thực hiện các công tác chuẩn bị để triển khai đồng loạt các dự án vào cuối năm 2013, đầu năm 2014. Thời gian đầu, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên các dự án thi công chậm, không đảm bảo tiến độ đề ra. Sau một thời gian nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, sự quản lý, điều hành sát sao của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, đến nay các dự án đã đảm bảo tiến độ, thậm chí có dự án, gói thầu vượt tiến độ, chất lượng đảm bảo. Đến nay đã thảm bê tông nhựa được khoảng 375/553km. Chúng tôi đang phấn đấu đến Tết Ất Mùi sẽ thảm xong tối thiểu 70% bê tông nhựa lớp 1 và hoàn thành thảm toàn bộ trước 30/6/2015, sớm hơn yêu cầu của Quốc hội hơn 1 năm.
Để đạt được những kết quả này, ông có thể “bật mí” về các giải pháp mà Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã thực hiện trong thời gian qua?
Cùng với việc thường xuyên kiểm tra hiện trường, kiểm soát chặt chất lượng thi công, chúng tôi kiên quyết xử lý các nhà thầu chậm tiến độ bằng các biện pháp cảnh cáo, cắt bớt khối lượng hoặc nặng hơn là thay thế một số nhà thầu vi phạm tiến độ. Việc điều chuyển khối lượng, thay thế, bổ sung nhà thầu được thực hiện theo chiến thuật “hoa thơm lấn cỏ dại”, tức là chọn các nhà thầu trong cùng dự án thi công đảm bảo chất lượng, đạt và vượt tiến độ thay thế các nhà thầu chậm tiến độ, vi phạm chất lượng. Chính điều này đã tạo nên khí thế thi đua cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà thầu. Cụ thể là, những nhà thầu yếu kém buộc phải tăng cường đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng để tránh tiếp tục bị cắt chuyển khối lượng hoặc bị thay thế, nhà thầu “khỏe” phấn khởi được giao thêm việc vì thế tiếp tục phấn đấu để hy vọng chủ đầu tư thưởng giao công việc tiếp theo.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận