Chuyện dọc đường

Nỗ lực tìm phương án tốt nhất

02/08/2017, 05:58

Quy hoạch mở rộng, nâng cao năng lực khai thác sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang rất được dư luận quan tâm.

2

Để hóa giải tình trạng tắc nghẽn Tân Sơn Nhất cần đánh giá chính xác mức độ tắc nghẽn trên không, dưới đất, các yếu tố chủ quan, khách quan

Quy hoạch mở rộng, nâng cao năng lực khai thác sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang rất được dư luận quan tâm. Quá trình nghiên cứu đòi hỏi rất cẩn trọng, đưa ra tư vấn chính xác để có quyết sách đúng.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT lựa chọn tư vấn nước ngoài nghiên cứu độc lập phương án quy hoạch tổng thể sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, đến cuối năm 2017 sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Cùng với đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng đã cho thành lập nhóm nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Mới đây, nhóm tư vấn đã đưa ra 4 phương án trình UBND TP.HCM. Phương án đầu tiên mà nhóm nghiên cứu đưa ra là phản biện phương án mở rộng nhà ga về phía Nam do Bộ GTVT thống nhất trình Chính phủ trước đó. Phương án 2 là không mở rộng sân bay, điều chỉnh giao thông trong Tân Sơn Nhất và nâng cao năng lực điều hành của bộ phận điều khiển không lưu (từ 5 phút xuống còn 2 phút mỗi lần cất, hạ cánh). Phương án 3: Mở rộng sân bay về phía Bắc (sân golf), xây thêm nhà ga, bãi đỗ và đường lăn, thêm kết nối giao thông với sân bay. Công suất sân bay sẽ đạt 50 triệu hành khách một năm. Và cuối cùng cũng chọn cách mở rộng sân bay về phía Bắc, với các hạng mục như phương án 3 nhưng sẽ xây thêm đường băng để công suất sân bay đón được 70-90 triệu hành khách mỗi năm.

Một số ý kiến cho rằng, trong khi Thủ tướng đã chỉ đạo giao tư vấn nước ngoài nghiên cứu mà TP.HCM lại lập thêm nhóm tư vấn nghiên cứu nữa có dẫn đến sự chồng chéo?

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, dự án quy hoạch tổng thể sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất mà Thủ tướng chỉ đạo giao tư vấn nước ngoài thực hiện đòi hỏi nhiều nguồn lực, cả về tài chính, thời gian, chuyên gia đầu ngành đi khảo sát thực tế, đo đạc… để xây dựng dự án theo đúng trình tự. Còn nhóm tư vấn của TP.HCM nghiên cứu là đứng ở góc độ đề xuất, góp ý, phản biện cho những phương án mà tư vấn độc lập đưa ra. Nhóm tư vấn không đứng ra để lập dự án riêng dẫn đến sự chồng chéo.

Ông Cường cho rằng, cùng với phương án nghiên cứu của tư vấn nước ngoài thì các phương án nghiên cứu của nhóm tư vấn của thành phố cũng như các ý kiến phản biện sẽ cung cấp thêm thông tin từ các góc độ khác nhau để Thủ tướng có thêm nhiều thông tin đa chiều từ đó đưa ra quyết sách phù hợp nhất trong việc đầu tư mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Trong khi chờ sân bay Long Thành xây dựng và đưa vào khai thác thì việc nâng cấp Tân Sơn Nhất để đáp ứng năng lực phục vụ hành khách là điều cần thiết và cấp bách.

Trong khi chờ tư vấn độc lập nghiên cứu và trình phương án mở rộng, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, thực hiện các giải pháp như: Mở thêm đường lăn, sân đỗ, hoàn thiện phương thức khai thác 2 đường cất/hạ cánh song song… để nâng cao năng lực khai thác cả trong khu bay và nhà ga, phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách ngày càng tăng. Đồng thời, phối hợp với Bộ Quốc phòng trong việc tối ưu hóa tổ chức vùng trời để khai thác giữa hàng không quân sự và dân dụng. Sở GTVT TP.HCM cũng đã thực hiện đầu tư các công trình cầu vượt, phân luồng, phối hợp CSGT, công an địa phương điều tiết giao thông, hạn chế tình trạng ùn tắc, kẹt xe ở các tuyến đường kết nối vào sân bay.

Giải bài toán tắc cả trên trời, dưới đất ở sân bay Tân Sơn Nhất là việc làm thường xuyên đang được các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt chứ không đợi đến khi có kết quả nghiên cứu của tư vấn độc lập.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.