Xã hội

Nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của thế giới và VN

17/06/2015, 20:24

Tôi kêu gọi tất cả các Chính phủ phải cam kết đạt được thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu ở Paris.

KI HAU
Việt Nam đang tiến hành đồng thời nhiều biện pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu (Trong ảnh: Các tình nguyện viên trồng cây ngập mặn tại khu hang Đầu Gỗ - Quảng Ninh). Ảnh: Ngô Yến.

Được đánh giá là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21, biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành mối quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế, Việt Nam và của thành phố Đà Nẵng.

Những nỗ lực của quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Các nhà lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã đồng tình rằng, biến đổi khí hậu là một thách thức khẩn cấp và là mối đe dọa tiềm tàng ảnh hưởng đến sinh kế. Biến đổi khí hậu hạn chế các lựa chọn cho sự phát triển và những nỗ lực để xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhận định rằng: “Biến đổi khí hậu là vấn đề đã được xác định trong thời kỳ của chúng ta. Biến đổi khí hậu xác định sự tồn tại của chúng ta. Phản ứng của chúng ta sẽ xác định tương lai của chúng ta. Để giải quyết thách thức này, chúng ta cần cả thế giới cùng hành động”.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã yêu cầu các nhà lãnh đạo đi đầu trong cuộc chiến chống lại vấn nạn toàn cầu này: “Tôi kêu gọi tất cả các Chính phủ phải cam kết đạt được một thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu ở Paris vào năm 2015 và giúp hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C”.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, hơn 130 Chính phủ, doanh nghiệp, nhóm đại diện của xã hội dân sự và người dân bản địa đã cam kết bảo vệ lá phổi của trái đất thông qua việc giảm một nửa nạn phá rừng vào năm 2020 trước khi chấm dứt hoàn toàn vào năm 2030.

Cũng tại hội nghị lần này, các đơn vị tham gia đã thông qua “Tuyên bố New York về rừng”, trong đó kêu gọi khôi phục 350 triệu ha rừng và đất nông nghiệp, với diện tích lớn hơn lãnh thổ của Ấn Độ.

Đối với vấn đề khí thải, các thị trưởng của hơn 2 nghìn thành phố trên thế giới đã ký kết một hiệp ước, trong đó cam kết giảm các kênh phát thải khí thải nhà kính xuống 454 megatonnes vào năm 2020.Liên minh toàn cầu ở lĩnh vực nông nghiệp có khả năng thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, với sự tham gia của 16 quốc gia và 37 tổ chức, đã được hình thành để bảo vệ 500 triệu nông dân trên toàn thế giới trước biến đổi khí hậu.

Liên minh được thành lập nhằm mục tiêu tăng một cách bền vững và công bằng sức sản xuất và thu nhập nông nghiệp; xây dựng một cách vững chắc nhất hệ thống lương thực và sinh kế nông thôn; giảm thiểu hoặc loại bỏ các khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, Liên minh cũng nhằm mục đích cải thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng của người dân nhằm thích ứng với những thực tế hoạt động nông nghiệp, thực phẩm và hệ thống chính sách xã hội có tính đến biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Những cố gắng của Chính phủ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Nhận thức rõ tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã sớm tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC, 1992), Nghị định thư Kyoto (KP, 1998). Bộ TN&MT được chỉ định là Cơ quan đầu mối của Chính phủ Việt Nam tham gia và thực hiện UNFCCC, KP. Chính phủ đã ban hành các chỉ thị, quyết định, nghị quyết giao Bộ TN&MT và các bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện các cam kết này.

Trong thời gian qua, theo tinh thần của Nghị quyết số 60/2007/NQ-CP ngày 3/12/2007 của Chính phủ, Bộ TN&MT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 158/QĐ-TTg ngày 2/12/2008 và trở thành định hướng và chiến lược cơ bản quốc gia để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngày 5/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2193/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trong đó nêu rõ, mục tiêu chung của chiến lược là phát huy năng lực của toàn đất nước, tiến hành đồng thời các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

Ngày 30/8/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1183/QĐ-TTg về Phê duyệt Chương tình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2015. Theo đó, Mục tiêu chung của Chương trình là từng bước hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng cường nhận thức và năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, định hướng giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng nền kinh tế carbon thấp, tích cực cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống trái đất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.