Dự án thành phần Mai Sơn - QL45 thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 dài 63,37km đi qua địa phận hai tỉnh Ninh Bình (14,35km) và tỉnh Thanh Hóa (49,02km). Trên đoạn tuyến cao tốc này có hai hầm lớn xuyên núi là hầm Tam Điệp (qua TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) dài 245m và hầm Thung Thi (thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá) dài 680m.
Bên trong hầm Tam Điệp sáng rực với hệ thống đèn chiếu sáng
Riêng phần hầm Tam Điệp là một trong hạng mục thuộc gói thầu XL10 (Dự án thành phần Mai Sơn - QL45) được khởi công trong tháng 2/2021 do Tập đoàn Sơn Hải thực hiện thi công. Đơn vị thi công đã áp dụng công nghệ khoan hầm của Áo và giải pháp thi công đào hầm qua núi của Nhật Bản.
Hầm Tam Điệp nhìn từ trên cao
Theo nhà thầu, khó khăn nhất khi thi công đường hầm Tam Điệp là cấu tạo địa chất ở đây có đá lẫn đất khá phức tạp, nếu tính toán không kỹ có thể gây sạt lở đường hầm. Bên cạnh đó, xung quanh khu vực này có một số mỏ khai thác đá sử dụng mìn nổ nên vấn đề địa chấn, sóng không khí cũng đã được tính toán kỹ lưỡng.
Mặt hầm bê tông được đổ BTCT dày 28cm
Ông Đỗ Mạnh Hà, Chỉ huy gói thầu XL10 (thuộc Văn phòng ĐHDA Mai Sơn - QL45 thuộc Ban QLDA Thăng Long) cho biết: Ở gần khu vực thi công hầm Tam Điệp có mỏ đá của một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nên trong quá trình triển khai thi công đã phối hợp với Sở Công Thương Ninh Bình; Công an tỉnh Ninh Bình; đại diện Tổng công ty kinh tế kỹ thuật công nghiệp Quốc phòng - GAET; đơn vị TVGS; Ban QLDA và nhà thầu thi công giám sát đo trực tiếp sóng chấn động và sóng không khí.
Đường dẫn vào hầm Tâm Điệp (đoạn phía nam tuyến cao tốc)
Theo kết quả đo được, khi nổ 2 bãi mìn, 2 thiết bị ghi được 2/4 tín hiệu về sóng chấn động; 2/4 tín hiệu về sóng quá áp không khí. Hai kết quả đo giám sát đều nằm dưới ngưỡng quy định (Với khoảng cách từ 92m đến 1.524m tốc độ cực đại cho phép dưới hoặc bằng 25,4mm/s; Sóng xung kích không khí dưới hoặc bằng 133 dB (L).
Kết quả đo sóng chấn động và sóng không khí từ 2 bãi nổ mìn khai thác đá gần hầm Tam Điệp
Quan sát bằng mắt thường thì bán kính mảnh đất, đá văng xa của hai bãi nổ mìn đều dưới 50m. Như vậy, qua kết quả giám sát thực tế, việc nổ mìn khai thác đá của doanh nghiệp đều đảm bảo an toàn cho công trình hầm Tam Điệp.
Phần mái trượt ta luy dương của hầm Tam Điệp được xây dựng chắc chắn, tránh đá từ trên rơi xuống
Được biết, hầm Tam Điệp có 2 ống hầm, mỗi ống gồm 1 hầm đơn hoàn chỉnh lưu thông một chiều đảm bảo tĩnh không đứng tối thiểu H=5m; diện tích mặt cắt mỗi ống hầm ~ 99m2; tim hai hầm đơn cách nhau 45m; bề rộng mặt cắt ngang mỗi hầm 14,05m, gồm 3 làn xe cơ giới. Đường chính hai bên đầu hầm có dải dừng xe khẩn cấp với bề rộng 2m, dài 30m (không kể chiều dài đoạn chuyển làn) bố trí không liên tục, so le nhau khoảng cách 4-5 km/điểm.
Hệ thống cứu hoả trong hầm đã được lắp chờ sẵn
"Cơ bản hầm Tam Điệp chỉ còn lại vài hạng mục nhỏ là sơn hầm, hệ thống cứu hoả, đường đi bộ (dành cho cán bộ, nhân viên vận hành, kiểm tra an toàn hầm). Đối với các thiết bị cứu hoả thì đã được đưa về tập kết sẵn. Khi nào đi vào hoạt động thử thì sẽ lắp đặt do các linh kiện đều có giá thành cao", Chỉ huy gói thầu XL10, ông Hà cho biết thêm.
Phần lan can và đường đi bộ dành cho cán bộ, nhân viên vận hành đang trong giai đoàn hoàn thành
Gói thầu XL10, Dự án án thành phần Mai Sơn - QL45 gồm 14,56 km đường, 06 cầu chính tuyến với tổng chiều dài 588m, 1 hầm dài 245m, 1 cầu vượt nút giao, 1 cầu thuộc phạm vi đường gom, 2 nút giao liên thông, 14 hầm chui dân sinh.
Gói thầu đang triển khai 16 mũi thi công, gồm 5 mũi thi công đường, 7 mũi thi công cầu, 2 mũi thi công cấu kiện, 2 mũi thi công hoàn thiện hầm Tam Điệp. Sản lượng thi công đến nay đạt 1.067,09/1.606,12 tỷ đồng tương đương 66,44%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận