Các ứng dụng chạy đua quảng bá, khuyến mại…
Tối 7/6, anh Đỗ Đức Hùng (Cầu Diễn, Hà Nội) cùng nhóm bạn đặt 5 cốc cà phê phin sữa đá size S của Highlands Coffee Du Thuyền (Tây Hồ, Hà Nội). Với quãng đường hơn 6 km tính từ nơi đặt hàng đến nơi giao hàng, anh Hùng lần lượt thử nghiệm qua dịch vụ của 3 ứng dụng: Go-Food (Go Viet), GrabFood và Now.vn. Theo đó, với ứng dụng Go-Food, anh Hùng phải trả 180.000 đồng, bao gồm phí vận chuyển 35.000 đồng. Với GrabFood, phí ship 21.000 đồng, còn Now.vn phí ship 42.000 đồng. Như vậy, có thể thấy, phí vận chuyển mà khách hàng phải trả cho các ứng dụng gọi đồ ăn khá chênh lệch.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trên thị trường hiện nay, có khá nhiều ứng dụng giao, đặt đồ ăn trực tuyến, như: Now.vn (Foody), GrabFood, Go-Food, Lala Lixi, Lozi,... Hiện các dịch vụ giao nhận đồ ăn phối hợp với các nhà cung cấp (nhà hàng, quán ăn, quán cà phê…) đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút người dùng như tung ra các mã giảm giá từ 20-50%, miễn phí vận chuyển trong quãng đường dưới 2km… Về phương thức thanh toán, khách hàng có thể trả tiền mặt khi nhận hàng (COD), chuyển khoản, qua thẻ ATM, qua cổng thanh toán…
Anh Mai Đức Nam, quản lý quán Thịnh Café (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Ngoài bán hàng theo phương thức truyền thống, quán mới bán thêm sản phẩm trên 2 ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến là Now và GrabFood từ hơn 1 tháng trở lại đây. Theo anh Nam, quy trình đăng ký bán hàng trên các ứng dụng khá đơn giản: Chủ nhà hàng ký hợp đồng với nhà cung cấp ứng dụng rồi đăng bán các món đồ của mình trên đó. Khi có khách mua hàng trên ứng dụng, thông báo được gửi về tài khoản của điểm bán hàng, sau đó shipper sẽ đến quán nhận đồ, trả tiền ứng trước cho chủ quán và đi giao cho khách.
“Mức phí mà quán phải trả cho mỗi ứng dụng cũng khác nhau và có thể chấp nhận được. Cụ thể, GrabFood thu hoa hồng tỷ lệ 17%, còn Now 20%. Cước giao hàng sẽ được shipper tự thu của khách theo quy định của mỗi ứng dụng ở từng thời điểm”, anh Nam nói và cho hay, do mới tham gia nên mỗi ngày quán cà phê của anh chỉ có thêm 2-3 đơn hàng online. Song anh Nam hi vọng tới đây các nhà cung cấp dịch vụ đẩy mạnh quảng cáo, khuyến mại, cộng thói quen mua sắm, tiêu dùng thay đổi, doanh số online của quán của anh sẽ tăng cao dần.
Rủi ro ai chịu trách nhiệm?
Hiện vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh cụ thể đối với loại hình dịch vụ vận chuyển đồ ăn, về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm với chất lượng dịch vụ của các hãng vận chuyển đồ ăn. Tuy nhiên, nhìn chung, các loại hình dịch vụ vận chuyển này cùng đều chịu sự điều chỉnh của các luật liên quan như: Luật An toàn thực phẩm và các nghị định hướng dẫn, các nguyên tắc chung của Bộ luật Dân sự 2015, các văn bản pháp luật về dịch vụ vận chuyển… của nhiều bộ, ban ngành”.
Luật sư Hoàng Kim Thoa, Công ty Luật TNHH MTV QTC
Là một người thường xuyên đặt đồ ăn online, anh Nguyễn Việt Tùng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Dịch vụ đặt đồ ăn qua ứng dụng dễ sử dụng, thực đơn phong phú, thời gian giao hàng nhanh. Tuy nhiên, tôi còn băn khoăn: danh sách các cửa hàng trên ứng dụng đã được kiểm tra, kiểm soát, chứng nhận về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa? Ngoài ra, giữa nhà cung cấp thực phẩm và nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển có ràng buộc về quy trình nhận, giao đồ ăn đảm bảo chất lượng, an toàn? Quá trình sử dụng sản phẩm, người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khoẻ, an toàn tính mạng, ai phải chịu trách nhiệm, nhà cung cấp hay đơn vị vận chuyển?”.
Mang băn khoăn này trao đổi với luật sư Hoàng Kim Thoa, Công ty Luật TNHH MTV QTC, bà Thoa cho biết: Khách hàng sau khi sử dụng đồ ăn, thức uống gặp phải sự cố như đau bụng, ngộ độc...tùy theo từng trường hợp cụ thể sẽ có những cách xử lý khác nhau. Trước hết, phải xác định chính xác nguyên nhân gây đau bụng: Do khách hàng sử dụng không đúng cách (như để quá hạn, không bảo quản theo hướng dẫn); hoặc do trước đó đã ăn đồ ăn khác có thể gây phản ứng xấu với đồ ăn được giao… Nếu không, phải lấy mẫu thức ăn được giao đem tới các trung tâm có chức năng xét nghiệm để xác định nguyên nhân. Tùy vào kết luận của cơ sở y tế mới có thể xem xét trách nhiệm và xác định lỗi của các bên.
“Trong trường hợp thức ăn bị nhiễm độc phải xem xét lỗi của cơ sở làm đồ ăn (nguồn nguyên liệu, quy trình chế biến, bảo quản…) hay đơn vị giao hàng (không tuân thủ thời gian, cách thức giao hàng…)? Từ đó mới xác định được căn cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại Khoản 1 điều 584 và điều 590 theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015”, luật sư Thoa phân tích.
Luật sư Trịnh Anh Dũng - Văn phòng Luật sư Trịnh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội bổ sung: Trách nhiệm của người giao hàng sẽ dựa trên cơ sở hợp đồng vận chuyển của doanh nghiệp. Bộ luật Dân sự cũng đã có quy định rõ về quan hệ vận chuyển hàng hoá như số lượng, thời hạn và bảo quản chất lượng trong quá trình di chuyển...
“Các hãng công nghệ vận chuyển có trách nhiệm cung cấp thông tin người có nhu cầu thực phẩm cho người vận chuyển, nhà hàng đối tác. Và về nguyên tắc, người vận chuyển chỉ đến đúng điểm mà người có nhu cầu muốn mua, ứng trả trước cho đơn hàng. Sau đó vận chuyển đúng số lượng, chất lượng cho người mua và thu tiền. Còn chất lượng sản phẩm đó kém, sản xuất không đúng quy trình… trước tiên người bán phải chịu trách nhiệm”, luật sư Dũng nêu quan điểm.
Đối với lo ngại “bom” hàng, theo luật sư Dũng, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về khách hàng. Khi khách đã đặt buộc phải thanh toán cho đơn hàng bởi người tài xế đã phải ứng trước tiền để mua sản phẩm, nếu từ chối sẽ vi phạm nghĩa vụ dân sự. “Đơn vị chủ quản có trách nhiệm hỗ trợ tài xế hay không phải xem lại chính sách. Đối với người mua cũng vậy, nếu có lỗi của tài xế vận chuyển, có thể cơ quan chủ quản cũng sẽ bị liên đới trách nhiệm. Vì khi tham gia vào bất kỳ ứng dụng vận chuyển đồ ăn nào cũng có quy định cụ thể về điều khoản thực hiện”, luật sư Dũng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận