Website bán vé tàu |
“Lập lờ đánh lận con đen”
Gần đây, nhiều thông tin phản ánh của bạn đọc mua phải vé giá cao hơn so với quy định của ngành Đường sắt. Các vé này được bán trên nhiều trang mạng khác nhau.
Để kiểm chứng thông tin này, PV Báo Giao thông trực tiếp truy cập vào một số website làm dịch vụ đặt vé, mua vé cho khách du lịch nước ngoài. Truy cập vào trang web: vietnam-rail.com, công bố giá vé ghế ngồi mềm tàu SE1 chặng Hà Nội - Huế là 41USD, khi PV đặt vé thì con số cuối cùng lại là 42,64USD bao gồm cả thuế, phí. Nếu tạm quy đổi theo tỷ giá 23.000VND = 1USD thì giá vé này là 980.720VND. Trong khi đó, cùng thời điểm tra tìm, trên website bán vé www.dsvn.vn của ngành Đường sắt, giá vé cùng loại chỗ, cùng mác tàu chỉ có 467.000 đồng/vé.
Không chỉ “nhắm” tới khách nước ngoài, thực tế không ít trang web tương tự bán vé cho khách nội địa. Chỉ cần seach trên Google với từ khóa “vé tàu”, PV ghi nhận hàng chục website bán vé tàu trực tuyến như: vetaugiare24h.com; vetautructuyen.vn; vetau247.com... Đáng nói, đây không phải là các website bán vé trực tuyến của ngành Đường sắt, nhưng lại “lập lờ đánh lận con đen”, sử dụng logo, hình ảnh, form đặt vé tương tự các website bán vé chính thức khiến khách hàng lầm tưởng đây là website của đường sắt.
Phóng viên thử vào trang vetaugiare24h.com và vetautructuyen.vn để đặt vé tàu SE8 chặng Sài Gòn - Thanh Hóa khởi hành ngày 31/1, hai trang này báo giá vé ngồi mềm điều hòa 1.968.000 đồng/vé, giá vé giường tầng 1 khoang 4 điều hòa 2.507.000 đồng/vé. Trong khi giá vé hai loại chỗ này bên website: dsvn.vn của ngành Đường sắt lần lượt chỉ là 1.868.000 đồng/vé và 2.047.000 đồng/vé.
Còn vào trang vetau247.com, vé tàu SE7 chặng Hà Nội - Huế dịp Tết, loại chỗ giường nằm tầng 1 khoang 4 điều hòa là 1.262.000 đồng/vé; nhưng trên website: dsvn.vn giá vé này của tàu SE7 khởi hành ngày 6/2 (ngày mùng 2 tháng Giêng Âm lịch) là 1.110.000 đồng/vé.
Tổng công ty Đường sắt VN cũng cho biết, hiện trên mạng internet đang xuất hiện một số trang web bán vé tàu hỏa với giá đắt gấp vài lần so với giá vé của ngành Đường sắt. “Các trang này có tên miền gần giống với website của ngành Đường sắt như: vietnam-rail.com; www.vietnam-rail.net… nên một số hành khách, nhất là người nước ngoài đã hiểu nhầm và mua vé với giá rất cao”, Tổng công ty Đường sắt khuyến cáo.
Nhiều lần phản ánh với công an nhưng chưa xử lý
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, đơn vị đã nhiều lần tìm hiểu và vào một số trang web giả danh thì thấy, trên trang luôn “cài” một câu hoặc từ ngữ mà nhiều khi người mua không để ý như: Làm dịch vụ hay làm đại lý…
“Ngay cả website cố tình nhận là đại lý cũng ghi rất chung chung như: Đại lý của đường sắt mà không nêu cụ thể là đại lý của đơn vị nào. Hơn nữa, các hình ảnh cũng chỉ na ná, sẽ có điểm khác so với website của đường sắt. Vì thế, rất khó kiện họ về tội giả mạo”, ông Văn nói.
Thông tin thêm với Báo Giao thông, ông Lê Quốc Trung, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho hay, đã có nhiều trường hợp khách hàng đến ga đổi, trả vé mới biết mình bị mua giá cao mà không được các website này thông báo có gồm phí dịch vụ mua vé hay không. Trên các trang này cũng không thể hiện giá vé gốc của ngành Đường sắt. Trên thẻ lên tàu in ra và cấp cho hành khách vẫn đúng thông tin người đi tàu, hành trình, chỉ có giá vé là cao hơn.
“Có thể sau khi người mua đăng ký thông tin đặt vé, nhân viên của các website sử dụng thông tin này để mua vé trên website của ngành Đường sắt. Khi in thẻ lên tàu xong, sẽ sửa lại giá tiền và photo lại, rồi cấp bản photo cho người mua để đi tàu”, ông Trung nói và cho biết, công ty đã nhiều lần phản ánh với các cơ quan chức năng, các cơ quan công an, đề nghị theo dõi và có biện pháp đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, chưa nhận được phản hồi hay kết quả điều tra của cơ quan công an.
“Nếu là đại lý của ngành đường sắt vi phạm, chúng tôi sẽ cắt hợp đồng vì theo quy định, đại lý phải bán đúng giá vé đã niêm yết trên hệ thống bán vé điện tử và chỉ hưởng hoa hồng. Còn tiền dịch vụ phải thông báo và thỏa thuận với khách hàng”, ông Trung khẳng định và cho biết, hiện công ty có 120 đại lý ở các tỉnh và đều đăng công khai địa chỉ, số điện thoại.
Hành vi vi phạm bản quyền, hoàn toàn có thể khởi kiện Ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Giải pháp dịch vụ đường sắt (FPT IS) cho rằng, việc các wesite này sử dụng các hình ảnh như trên thực chất là hành vi “nhái” website thật. “Tôi cho rằng, việc này là vi phạm bản quyền, vì các thiết kế layout trên website, hệ thống bán vé điện tử của ngành Đường sắt là định vị, quảng bá hình ảnh ngành Đường sắt. Tổng công ty Đường sắt VN hoàn toàn có thể kiện các website này”, ông Bình nói. Để tránh thiệt hại khi mua vé trực tuyến từ các website “nhái” với giá đắt gấp nhiều lần so với giá vé gốc, hành khách nên truy cập vào trang web chính thức hoặc qua các kênh phân phối của ngành Đường sắt để tra tìm, mua vé. Website bán vé tàu của Tổng công ty Đường sắt VN là: www.dsvn.vn. Ngoài ra, còn có website bán vé của Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn: vetau.com.vn; giare.vetau.com.vn; giare.vetau.vn; Công CP Vận tải đường sắt Hà Nội: vetauonline.vn. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận