Thế giới giao thông

Nở rộ xây cầu kính làm du lịch, nghi ngại độ an toàn

23/05/2021, 08:13

Xu hướng xây cầu kính tại những khu vực đồi núi hiểm trở để hút khách du lịch ưa trải nghiệm mạo hiểm đang nở rộ.

img

Cầu kính bắc qua núi, thành phố Long Tỉnh, Cát Lâm, Trung Quốc

Thế giới nói chung và nhất là tại Trung Quốc đang chuộng xu hướng xây cầu kính tại những khu vực đồi núi hiểm trở để hút khách du lịch ưa trải nghiệm mạo hiểm.

Song những cây cầu kính này đặt ra rất nhiều hoài nghi về mức độ an toàn, đặc biệt là sau vụ cầu kính bị gió bão làm hư hại nặng tại Trung Quốc mới đây.

Xu hướng cầu kính nở rộ, rủi ro song hành

Chưa có tổ chức nào thống kê số lượng cầu kính trên thế giới nhưng một điều chắc chắn là du lịch càng phát triển, số lượng cầu kính mới, với những kỷ lục về chiều dài, mức độ cầu kỳ, được xây dựng ở những nơi địa hình hiểm trở… càng nhiều.

Ở phương Tây có thể kể đến một số cái tên như cầu Tháp ở London (Anh), cầu Skywalk ở Grand Canyon (bang Arizona, Mỹ...). Còn tại châu Á, Trung Quốc đang đi đầu xu hướng này với ước tính khoảng 60 cầu kính đã và đang được xây dựng trên khắp đất nước tỷ dân từ năm 2016, theo Tạp chí Earth của Bảo tàng Địa chất Trung Quốc.

Thậm chí, không ít cây cầu kính của Trung Quốc ghi danh vào Kỷ lục Guiness. Chẳng hạn như cầu kính ở núi Thiên Môn, Trương Gia Giới, dài 430m, bắc ngang 2 vách đá sâu 300m, mở cửa đón du khách vào năm 2016.

Thời điểm đó, đây là cây cầu bằng kính cao và dài nhất thế giới. Mới đây, kỷ lục này bị phá vỡ bởi cây cầu tại Thanh Viễn, Quảng Đông, Trung Quốc với chiều dài 526m.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển cầu kính với những cái tên cầu Rồng Mây ở Sapa và cầu Tình yêu ở Mộc Châu...

Song, kể từ khi xu hướng này nở rộ, tại Trung Quốc chứng kiến rất nhiều sự cố đe dọa tính mạng của khách du lịch khiến người dân nước này nói riêng và thế giới nghi vấn về mức độ an toàn.

Ngày 7/5 mới đây, gió bão đã khiến cây cầu treo trên núi Piyan (TP Long Tỉnh, tỉnh Cát Lâm) hư hại, nhiều tấm kính lát cầu bị nứt vỡ, có tấm còn bị cuốn mất, khiến một khách du lịch bị kẹt lại, run sợ bám vào thành cầu trước sức gió lên tới 150km/h.

Tuy vị khách gặp sự cố đã được đội cứu hộ đưa xuống an toàn, kiểm tra sức khỏe, tâm lý và không gây thêm bất cứ hệ lụy nào khác nhưng giới chức địa phương đã quyết định đóng cửa cầu và thanh tra toàn diện.

Toàn bộ sự việc đã được khách du lịch gần đó ghi lại và đăng tải lên mạng xã hội, làm dấy lên lo ngại về sự an toàn ở những cây cầu kính trên toàn Trung Quốc. “Có quá nhiều cầu kính được xây dựng trong vài năm gần đây để phục vụ khách du lịch nhưng làm sao chúng ta có thể đảm bảo mức độ an toàn của những cấu trúc này?”, một bác sĩ họ Li tại tỉnh Tứ Xuyên đặt nghi vấn.

Tiêu chuẩn kỹ thuật và vận hành cầu kính thế nào?

img

Hình ảnh du khách bị mắc kẹt trên cầu kính

Theo Tân Hoa Xã, chính quyền nhiều địa phương của nước này đã công bố hướng dẫn để đảm bảo an toàn cầu kính từ năm 2018. Trong đó, tỉnh Hồ Bắc đã công bố bộ tiêu chuẩn kỹ thuật với cầu và đường dành cho người đi bộ bằng kính tại các điểm thăm quan, nêu rõ hướng dẫn về vật liệu, vị trí, thiết kế, thi công cũng như quy trình vận hành.

Chẳng hạn, cầu kính không được xây dựng tại những nơi thường xuyên xảy ra động đất, phải đóng cửa trong thời thiết xấu hoặc thảm họa thiên nhiên, hạn chế số lượng người lên cầu không quá 3 người/m2.

Ở các địa điểm tiềm ẩn nguy hiểm, ban quản lý cầu phải cung cấp thiết bị bảo hộ bổ sung, lắp biển cảnh báo bằng tiếng Trung và ít nhất 1 ngôn ngữ nước ngoài.

Trên thế giới, theo ông Paul Bingham, nhà khoa học về vật liệu tại Đại học Sheffield Hallam (Anh), các nhà thiết kế và kiến trúc sư luôn tính toán rất cẩn thận trước khi chọn nguyên liệu. “Nếu dùng kính làm vật liệu xây dựng sẽ có hai điểm yếu. Đầu tiên là kính vốn dễ vỡ. Thứ hai là kính không có tinh thể nên nếu xuất hiện vết nứt trên bề mặt sẽ nhanh chóng lan rộng, khó có thể khôi phục lại”, ông Paul Bingham chỉ ra.

Chính vì thế, rất nhiều nghiên cứu về vật liệu kính được thực hiện tập trung tìm cách hạn chế nứt bề mặt kính. “Một mặt kính bị trầy xước sẽ yếu hơn nhiều mặt kính nguyên sơ khi chưa gặp bụi hoặc không khí”, ông Bingham nói.

Một số kỹ thuật sản xuất vật liệu kính mới đã được sáng tạo để làm cầu đó là phủ thêm một lớp vật liệu như polymer bên ngoài, ngăn mặt kính bị nứt vỡ, trầy xước. Kỹ thuật này được sử dụng để xây cầu ở Long Tỉnh, Trung Quốc như đã nêu ở trên.

Nhiều nhà sản xuất kính khác có thể đưa thêm những lớp polymer linh hoạt mỏng ở giữa các lớp kính phòng trường hợp lớp kính này vỡ sẽ vẫn còn một lớp kính khác nguyên vẹn ngăn tình trạng nứt toàn bộ.

Nhìn chung, chuyên gia Anh khẳng định, nếu cầu kính được xây dựng bằng những cách thức trên thì về cơ bản là an toàn. Quan trọng nhất phải đảm bảo an toàn trong vận hành, nhất là trong trường hợp thời tiết xấu.

Khoảng tháng 3/2018, theo truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV), tỉnh Hà Bắc đã phải đóng cửa toàn bộ 32 cầu kính để kiểm tra an toàn. Năm 2019, một người đàn ông tại Quảng Tây, Trung Quốc đã bị trượt trên cầu kính do mưa lớn, rơi khỏi cầu và thiệt mạng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.