Tiệm vàng Hoàng Đức ở chợ Đông Ba, TP Huế sáng 2/8 mở cửa, nhưng 2 tủ kính trưng bày vàng phía trước tiệm vàng vẫn đang được bọc kín bằng hệ thống bảo vệ. Tại đây, có những tờ giấy với nội dung: “Tiệm bên chợ Đông Ba xin tạm nghỉ ít ngày. Mọi việc khách liên hệ quầy nhà 161 Trần Hưng Đạo”.
Khu vực tiệm vàng Hoàng Đức trước chợ Đông Ba sáng 2/8
Theo ghi nhận của PV, tấm kính lớn tại tủ đựng vàng bị rạn vỡ ở góc. Những tủ kính trưng bày vàng còn lại tại tiệm vàng cũng đang được phủ vải từ phía trên xuống.
Người phụ nữ đang có mặt tại cửa hàng vàng Hoàng Đức cho biết, hiệu vàng này có 2 cơ sở, tiệm vàng ở nhà vẫn hoạt động bình thường. Cửa hàng này đang gọi thợ đến sửa chữa sau sự việc hôm 31/7.
“Bên em có lượm lại, mất mát cũng không mấy”, người phụ nữ tại tiệm vàng Hoàng Đức cho hay.
Theo các luật sư, đối với trường hợp người dân, nếu nhặt được vàng, sau thông báo của công an đem nộp lại mà không nộp có thể xem là chiếm giữ tài sản trái phép của người khác.
Theo quy định, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 đến dưới 200 triệu đồng, hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Còn nếu chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Sáng cùng ngày, Công an TP Huế cho biết, sau khi xảy ra vụ việc, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Huế và Công an các phường lân cận khu vực xảy ra vụ cướp đang tiếp tục vận động người dân nhặt được số vàng mà tên cướp đã quăng ra đường trả lại cho bị hại.
“Đến nay đã có một số người đến giao nộp lại vàng đã nhặt. Cụ thể, sáng nay có thêm 2 người đến giao nộp và chúng tôi vẫn đang tuyên truyền vận động để người dân đã nhặt vàng giao nộp lại, sau đó tổng hợp số liệu cụ thể để bàn giao lên Phòng Cảnh sát hình sự theo quy định.
Nếu những trường hợp nào biết được số vàng này là tang vật của vụ cướp nhưng vẫn cố tình không trả lại, Công an sẽ có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật”, đại diện Công an TP Huế cho hay.
Công an TP Huế cũng cho biết, hiện tại các chủ tiệm vàng bị cướp vẫn chưa có thống kê cụ thể gửi đến Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP Huế về số lượng vàng bị mất trong sự việc trên.
Đối tượng sử dụng súng AK xông vào tiệm vào thời điểm đang được dẫn giải sau đó được chụp lại từ clip trên MXH
Trước đó, vào khoảng 12h30 ngày 31/7, một đối tượng sử dụng súng AK bất ngờ xông vào 2 tiệm vàng Hoàng Đức và Thái Lợi trước chợ Đông Ba, nổ súng chỉ thiên uy hiếp chủ tiệm rồi cướp vàng, sau đó ném ra đường và đi bộ đến khu vực cầu Gia Hội.
Ngay khi nhận được tin báo, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế đã chỉ đạo lực lượng triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, khoanh vùng và ngăn không để người dân đi chuyển vào hiện trường.
Nơi xảy ra sự việc là khu vực trung tâm TP Huế, đông dân, để đảm bảo an toàn cho người dân, lực lượng Công an đã tìm cách hướng đối tượng di chuyển đến nhà Lục Giác - Công viên Trịnh Công Sơn. Lúc này, đối tượng có biểu hiện kích động, muốn… tự vẫn.
Đại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế và một số cán bộ Công an khác trực tiếp tiếp cận, trò chuyện và thuyết phục đối tượng.
Tuy nhiên, đối tượng đã yêu cầu được nói chuyện với Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế.
Khi được Đại tá Đặng Ngọc Sơn gặp gỡ, động viên, thuyết phục, đến khoảng 14h cùng ngày, đối tượng đã đồng ý giao nộp súng.
Cảnh sát xác định đối tượng cướp tiệm vàng là Ngô Văn Quốc (SN 1984, trú tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế), cán bộ trại giam Bình Điền. Quốc có dấu hiệu tâm lý bất thường dẫn đến hành vi mất kiểm soát.
Về động cơ gây án của đối tượng, phía công an tỉnh cũng cho biết, đang quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin.
Trước đó, Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã có những chia sẻ về việc khi lực lượng chức năng tiếp cận, trò chuyện và thuyết phục thì đối tượng trên yêu cầu được nói chuyện với ông.
Theo Đại tá Đặng Ngọc Sơn, tâm lý tội phạm bao giờ cũng muốn gặp lãnh đạo cơ quan điều tra, gặp người cao nhất ở đó để thể hiện thái độ của mình. Ban đầu gặp ông đối tượng vẫn cương quyết bảo em tự tử, em bắn em chết... Nhưng sau khoảng 20 phút Đại tá Đặng Ngọc Sơn trực tiếp động viên, thuyết phục, đối tượng đã buông súng.
Đại tá Sơn cho biết, trong khoảng thời gian trên ông đã nói chuyện với đối tượng rất nhiều, phân tích cái được, cái mất, khuyên giải đối tượng dừng lại vì còn gia đình, con cái, vợ con, dừng lại để hưởng khoan hồng của pháp luật và đừng gây hại đến sinh mạng, sức khỏe của người khác cũng như bản thân mà khổ gia đình, con cái, vợ con...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận