Ảnh minh họa |
Theo báo cáo được Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UB GSTC QG) công bố tại Hội thảo “Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính 2015 và chỉ số kinh tế dẫn báo” tổ chức sáng 14/3, tại Hà Nội, tổng tài sản có của hệ thống ngân hàng (NH) Việt Nam là 7.109 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2014. Tín dụng tăng nhanh và đều trong năm với tốc độ 19,3% so với năm 2014. Trong đó tín dụng VND tăng 24,1%, tín dụng ngoại tệ giảm 12,9%.
Đánh giá về chất lượng tín dụng, Phó chủ tịch UB GSTC QG Trương Văn Phước cho rằng đã cải thiện đáng kể. Theo đó, nợ quá hạn giảm từ 5,3% năm 2014 xuống 4,4% còn 179.501 tỷ đồng. Nợ xấu giảm từ 3,7% xuống 2,9% còn 119.660 tỷ đồng. Các NH tiếp tục xử lý nợ xấu thông qua dự phòng rủi ro tín dụng với số tiền 78.629 tỷ đồng. Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cũng đã mua 243 tỷ đồng nợ xấu.
Ủy ban GSTC QG dự báo, năm 2016, kinh tế tăng trưởng 6,7 - 6,8%; lạm phát trong khoảng 3 -3,5%. Lãi suất có xu hướng tăng từ 2015 sẽ tiếp tục tăng trong năm 2016 thêm 1 - 2%. |
“Tín dụng tăng nhanh đã giúp các NH có nguồn thu, giúp đẩy nhanh xử lý nợ xấu. Nhưng mặt khác, trong khi nợ xấu cũ vẫn chưa xử lý xong thì lại phát sinh nợ xấu mới 45 nghìn tỷ đồng. Và đây sẽ lại là rủi ro trong dài hạn”, ông Phước cảnh báo.
Chung mối quan tâm này, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Đức Thúy đặt câu hỏi: “Ai cũng nói nợ xấu là một vấn đề lớn. Nhưng nếu tỷ lệ này còn dưới 3% thì tốt quá rồi mà sao phải nói là vấn đề lớn, vì kinh doanh NH là phải có nợ xấu?”.
Chủ tịch UB GSTC QG Vũ Viết Ngoạn lưu ý thêm, mặc dù đã có 243 tỷ đồng nợ xấu được VAMC mua, song nếu chưa được xử lý thì các tổ chức tín dụng vẫn phải trích lập dự phòng và sẽ là gánh nặng tiếp tục đè lên vai họ. Người đứng đầu UB GSTC QG cũng cho rằng, mất cân đối kỳ hạn vẫn là một cảnh báo cho hệ thống NH về rủi ro thanh khoản. Theo tính toán của cơ quan này, năm 2015, tín dụng trung và dài hạn tăng 31,4%, chiếm 55,4% tổng tín dụng; Tín dụng ngắn hạn chỉ tăng 7%, chiếm 44,6% tỷ trọng còn lại. Trong khi đó, huy động vốn, chủ yếu vẫn là kỳ hạn ngắn, dưới một năm. “Vốn huy động trên một năm đã ít, trên 5 năm gần như không có. Do đó, thanh khoản của hệ thống NH vẫn là vấn đề cần quan tâm”, ông Ngoạn nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận