Tổng nợ xấu tăng 52% so với đầu năm
Theo báo cáo tài chính quý III/2023 của 28 ngân hàng thương mại, tổng dư nợ cho vay khách hàng tính đến 30/9 đạt gần 9,34 triệu tỷ đồng, tăng 9,3% so với đầu năm.
Một số ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 2 con số như: VPBank (+19%), MSB (+17,1%), MB (+16,44%), BaoVietBank (+16,4%), Techcombank (+12,6%)… Một số ngân hàng có mức tăng trưởng thấp hơn như: ABBank (+4%), Eximbank (+4,2%), Saigonbank (+4,3%)...
Xét về nợ xấu, tính đến 30/9, tổng nợ xấu tại 28 ngân hàng thương mại là gần 210.238 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm. Về cơ cấu nợ xấu, tăng mạnh nhất là nợ nghi ngờ (nhóm 4) với tỷ lệ 119%, kế đến là nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 69% và nợ có khả năng mất vốn tăng thấp nhất với 12%.
Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tại một số ngân hàng tăng theo cấp số nhân như Bắc Á Bank (tăng 3,8 lần), Eximbank (tăng 3,2 lần)… Có 9/28 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vượt ngưỡng 3%, bao gồm: VPBank (5,74%), VietBank (4,06%), OCB (3,74%), BVBank (3,56%), SHB (3,21%), TPBank (3%)...
Theo dữ liệu từ WiChart (doanh nghiệp về thông tin tài chính), tổng số dư nợ xấu nội bảng tính đến cuối quý III của nhóm ngành ngân hàng là gần 210.000 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cuối quý liền trước và 52,7% so với cuối năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tiếp tục tăng lên mức 2,25%, tăng 0,64 điểm % so với cuối năm ngoái. Nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) đã có sự cải thiện so với hai quý liền trước, tuy nhiên vẫn tăng tới 38,2% nếu so với thời điểm cuối năm 2022.
Nợ xấu tín dụng bất động sản tăng mạnh
Riêng với tín dụng bất động sản, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng 21,86%, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là nợ xấu của tín dụng bất động sản tính đến tháng 9/2023 là 2,89%, tăng mạnh so với mức 1,72% thời điểm cuối năm 2022.
TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, dự báo nợ xấu sẽ tiếp tục tăng, đỉnh nợ xấu có thể vào cuối quý IV/2023 hoặc sang đầu năm 2024.
Cùng chung nhận định, các nhà phân tích Vietcap chỉ ra rằng những ngân hàng tập trung vào mảng bán lẻ ghi nhận sự suy giảm trong chất lượng tài sản cao nhất. Các ngân hàng thương mại như VPBank, VIB, HDBank, TPBank có số lượng nợ xấu cao do sở hữu danh mục cho vay bán lẻ như cho vay mua nhà, mua ô tô và thẻ tín dụng chiếm tỷ trọng lớn.
Bà Hà Thu Giang cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân; Tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển bền vững đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng...
Năm 2019, Chính phủ đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngành ngân hàng về dưới 2%. Đến cuối 2020, tỷ lệ này chỉ ở mức 1,69%, sau đó lên 2% vào cuối 2022.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 và hàng loạt biến cố kinh tế khiến nợ xấu có xu hướng tăng trong 3 năm qua. Thị trường bất động sản và trái phiếu "đóng băng", các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó... là những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến nợ xấu của toàn hệ thống.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận