Các y bác sĩ khám chữa bệnh cho bệnh nhân HIV |
Tận tình chăm sóc và điều trị bệnh nhân nhiễm HIV, các bác sỹ bệnh viện 09 - nơi được coi là mái nhà của nhiều số phận cùng đường - phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, vất vả. Nhưng nỗi buồn lớn nhất của các bác sỹ nơi này lại là sự kỳ thị của người đời.
Sợ bệnh, lánh bác sỹ
Làm việc trong một môi trường toàn bệnh nhân HIV, đầy hiểm nguy rình rập, theo bác sỹ Nguyễn Thị Thảo, PGĐ Bệnh viện 09, nhiều năm qua, không ít y bác sỹ, kỹ thuật viên khi lấy máu bệnh nhân bị bắn cả vào mắt, hay vô tình kim tiêm đâm vào tay. Có những lúc, chính bệnh nhân uy hiếp bác sỹ, y tá bằng cách lấy kim tiêm có máu nhiễm HIV đâm vào. Tuy nhiên, may mắn tất cả y, bác sỹ đều kịp thời uống thuốc dự phòng, không bị lây nhiễm HIV.
"Nhiều bệnh nhân được điều trị tốt, ra viện có công ăn việc làm ổn định vẫn thường xuyên gọi điện tâm sự, chia sẻ với chúng tôi. Đó chính là món quà vô giá, giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục theo nghề”. Bác sỹ Nguyễn Thị Thảo |
“Nhưng lo lắng nhất của chúng tôi lại chính là phơi nhiễm lao. Đến nay, các cán bộ y tế trong viện cũng có gần chục người bị phơi nhiễm lao bởi gần đây tỷ lệ bệnh nhân bị lao kháng đa thuốc khá nhiều. Dược sĩ Nguyễn Thị H., làm việc tại nhà thuốc bệnh viện là một trường hợp đã từng bị nhiễm lao khi mới sinh con được 17 tháng. Chị phải mất một khoảng thời gian dài cách ly gia đình, chồng và con nhỏ để điều trị căn bệnh lao kháng thuốc”, bác sỹ Thảo nói và cho hay, hầu hết y, bác sỹ khi quyết định chọn Bệnh viện 09 làm nơi công tác, đều vấp phải sự phản đối quyết liệt của cha mẹ, người thân, chồng con, bạn bè.
Một nữ bác sỹ từng gắn bó với nơi này 9 năm kể lại: “Dù đã quá quen với việc vợ làm ở đây, nhưng mỗi khi có ai hỏi vợ làm ở đâu, thường chồng tôi đều lảng tránh. Tôi hiểu là anh ấy không muốn mọi người nói những lời làm tôi tổn thương và trong thâm tâm, anh vẫn mong tôi chuyển viện. Nhiều lần, tôi giới thiệu làm ở Bệnh viện 09, đã không ít người buột miệng “ghê thế”, “sợ thế”. Ngay cả lúc xin học cho con gái, cô giáo con cũng nói: “Làm ở đấy chắc chẳng ai nhờ”.
Bác sỹ Thảo cho biết, trước đây, đã từng có trường hợp nữ bác sỹ của bệnh viện sắp đến ngày kết hôn, nhưng khi gia đình nhà chồng biết con dâu tương lai làm việc ở Bệnh viện 09 đã quyết định hủy hôn, nữ cán bộ sau đó rất sốc và phải xin nghỉ việc. “Nhiều bác sỹ, y tá ở đây muốn đi làm thêm buộc phải giấu nghề. Bệnh viện rất khó tuyển dụng bác sỹ về làm việc, bởi công việc vất vả, nguy hiểm, thu nhập thấp, xã hội còn những nhìn nhận chưa đúng”, bác sỹ Thảo nói.
Điểm tựa của những người cùng đường
Những bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện 09 phần nhiều là không gia đình, lang thang, nghiện hút, nhiễm HIV chuyển đến từ các trại, các trung tâm xã hội. Đa phần bệnh nhân lúc mới nhập viện đều mang tâm trạng bi quan, chua chát cho rằng “đưa vào đây cho gần với Văn Điển”. Lại thêm bị người thân bỏ mặc, họ bất cần, không tuân theo phác đồ điều trị của bác sỹ. Nhưng theo bác sỹ Thảo, sau một thời gian nhập viện, đa số bệnh nhân thấy nơi này như mái nhà thứ hai của mình.
“Cách đây không lâu, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nữ trong tình trạng suy kiệt, nhiễm HIV kèm theo nhiều bệnh truyền nhiễm khác, thế nhưng do bi quan, bệnh nhân liên tục từ chối sự hỗ trợ từ cán bộ y tế và nhất mực đòi “được chết”. Khi đó, mỗi cán bộ y tế nơi đây lại kiêm nhiệm thêm chức năng tâm lý viên, gần gũi, động viên, chia sẻ để ổn định tâm lý người bệnh”, bác sỹ Thảo kể.
Anh Nguyễn Văn Hùng (Hà Nội) đang điều trị tại viện, không chỉ nhiễm HIV mà còn mang trong mình nhiều căn bệnh nhiễm trùng cơ hội khác, không có người thân chăm sóc, giờ chỉ biết trông chờ vào sự chăm sóc của các cán bộ y tế nơi đây. “Bệnh viện này là nơi cuối cùng tôi có thể nương náu. Ở đây, tôi có cơm ăn, có thuốc uống, có người chia sẻ”, anh Hùng cho biết.
Điều đau đáu nhất đối với các bác sỹ nơi đây là “sự lạnh lùng, kỳ thị của chính người thân của bệnh nhân”. Trong suốt nhiều năm qua, các bác sỹ đã phải chứng kiến biết bao cái chết lặng lẽ, cô độc của bệnh nhân vì không có lấy một người thân đến gặp mặt lần cuối. Có nhiều bệnh nhân nằm nội trú ở bệnh viện vài năm trời nhưng tuyệt nhiên không có một người thân nào tới thăm nom. Không những vậy, không ít lần lãnh đạo bệnh viện còn nhận được tin nhắn từ người nhà bệnh nhân với nội dung “sao các bác không để cho nó chết đi, cứu làm gì” hay “người nhà tôi xây mộ rồi, cho chết thôi”. Thậm chí, đến khi bệnh nhân hấp hối chỉ với mong ước cuối cùng được gặp mặt người thân, bệnh viện gọi điện thông báo về gia đình cũng không hề nhận được phản hồi.
“Phần lớn bệnh nhân ra đi trong sự ghẻ lạnh của chính những người thân trong gia đình. “Nghĩa tử là nghĩa tận”, khi bệnh nhân nằm xuống, các y bác sỹ trở thành “thân nhân” bất đắc dĩ, chu đáo đưa tiễn người quá cố về đất mẹ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận