Đoàn người dắt xe hàng trăm mét ngược vỉa hè đường Tố Hữu - Ảnh: Đăng Minh |
Trường tiểu học của con gái tôi nằm trong một khu đô thị mới, rộng rãi và sạch đẹp. Nhà tôi ở ngay gần trường nên hai vợ chồng bàn nhau, từ lớp 1 đến lớp 2, tôi và vợ sẽ thay nhau đưa đón con đi học. Nhưng tới lớp 3, sẽ hướng dẫn con tự đi bộ về. Đoạn đường chỉ chưa đầy 1km, vỉa hè thoáng, rộng nên chắc không cần lo gì cả.
Nhưng dự định của vợ chồng tôi không thành. Ngay từ những ngày đầu đưa con đến lớp, cảm giác khá thất vọng và lo lắng. Ngay ở cổng, mặc dù nhà trường đã kẻ vạch, chia ô để xe rất cẩn thận nhưng vẫn còn nhiều phụ huynh dừng đỗ ô tô, xe máy một cách tùy tiện và cẩu thả. Nhiều người đi xế hộp sang trọng nhưng dừng xe giữa cổng trường rồi vô tư quay đầu kệ đám đông chật vật dồn dịch. Những chiếc xe máy vì sốt ruột, vì lo muộn giờ làm cũng túa lên vỉa hè thả con xuống cho thật nhanh. Trong những khung giờ cao điểm đó, cổng trường không khác gì cái chợ, nhộn nhạo, bát nháo và mất an toàn.
Các cô giáo mà tôi quen thường lắc đầu ngán ngẩm. Họ có thể soạn được những bài học rất hay về giao thông. Nhưng ngay khi bước chân ra khỏi cổng trường, lũ trẻ lại quen ngay với cung cách tham gia giao thông tùy tiện, bát nháo của người lớn.
Đó là câu chuyện ở cổng trường. Bước ra ngoài đường, trẻ nhỏ sẽ phải làm quen với những cách thức giao thông xấu xí khác. Rất nhiều người vượt đèn đỏ, đi vào làn đường ngược chiều. Tôi đã từng thấy một người đàn ông dừng xe, hăng hái đẩy thanh chắn ở đường Kim Mã ra cách vị trí cũ gần một mét, để rồi một đoàn xe máy hân hoan rẽ tắt ở điểm “người anh hùng” mới mở. Trong đó có rất nhiều ông bố bà mẹ đang chở con phía sau.
Những ngày qua, hình ảnh từng đoàn người rồng rắn dắt xe đi trên vỉa hè ở phố Tố Hữu, Hà Nội đã cho chúng ta rất nhiều suy ngẫm.
Có thể, giao thông Hà Nội chưa hoàn thiện, có thể nút giao cắt đó còn nhiều điểm bất cập, có thể nếu chấp nhận đi đúng luật, những người tham gia giao thông đó sẽ mất thêm một ít thời gian. Nhưng không, họ đã chọn cách lách luật, “xé rào” để đi cho nhanh, cho tiện. Cái họ được sẽ là tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc (xăng xe) nhưng cái mất đi thì không nhiều người nhìn ra.
Ngay bản thân họ sẽ hình thành một thói quen tùy tiện, không tôn trọng cộng đồng và nếu họ chở con mình phía sau, chúng sẽ học rất nhanh cách thức bất tuân luật pháp. Khi lớn hơn, bọn trẻ được tự mình lái xe, sẽ chẳng có gì ngăn cản chúng đi vào làn đường ngược chiều, vượt đèn đỏ hay lái xe khi chưa có giấy phép, đi hàng ba, hàng bốn…
Nhìn rộng ra, ở quy mô toàn xã hội, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề, hệ lụy khác từ thói quen hành xử theo kiểu vô pháp, vô thiên như vậy.
Nhiều người đặt ra những câu hỏi như, vì sao Hà Nội rất hay tắc đường, hay xảy ra va chạm, TNGT. Tại sao bao nhiêu tuyến đường được nâng cấp, bao nhiêu dự án giao thông được hình thành nhưng bộ mặt giao thông đô thị vẫn luôn bức bí, ngột ngạt. Xin thưa, tất cả bắt nguồn từ ý thức.
Ngành Giáo dục có đưa ra bao nhiêu tiết dạy về an toàn chăng nữa mà học không đi đôi với hành cũng thất bại. Trẻ con sẽ ứng xử thế nào khi ngoài xã hội luôn tồn tại một thực tế khác xa sách vở, khác xa những điều mà thày cô truyền đạt.
Và cái vòng quay luẩn quẩn đó liệu sẽ theo chúng ta bao nhiêu năm nữa. Lũ trẻ lớn lên, bị nhiễm thói quen của bố mẹ, rồi chúng lại trở thành những ông bố, bà mẹ và bắt đầu thực hiện một “quy trình” tham gia giao thông bát nháo. Con cái của chúng lại học theo…
Thực ra, sẽ có bạn đọc cho rằng, cách nhìn của người viết bài này khá bi quan, nhưng những con số về TNGT khủng khiếp hàng năm ở nước ta được thống kê thì có muốn lạc quan cũng không được.
Mỗi năm, Nhà nước, Chính phủ, các ban, ngành đã chi ra rất nhiều tiền của để thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Nhưng hàng ngày vẫn có những đoàn người lũ lượt kéo nhau dắt xe trên vỉa hè, vẫn có những tài xế chạy ngược chiều trên cao tốc, uống rượu và phi vào đường cấm… thì thực sự quá khó để giải thích về cái gọi là thói quen của một bộ phận người Việt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận