Gặp lại chồng sau 56 năm trong hình hài nắm đất
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, giữa dòng người đi viếng mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân (Bình Định), tôi thấy bóng dáng một người phụ nữ năm nay đã ngoài 80. Thân hình gầy gò, gương mặt đầy những nếp nhăn bởi những thăng trầm của thời gian, bởi những lam lũ thường nhật. Và, cũng bởi nỗi nhớ người chồng ra đi biền biệt từ chiến tranh. Cụ là Võ Thị Tịnh (83 tuổi) ở xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Lật lại từng trang ký ức, những ngày tháng đầy gian khổ nhưng tự hào của ngày xưa lại hiện về. Năm 1962, chồng cụ - liệt sĩ Đỗ Ngọc Đương đi chiến trường miền Nam chiến đấu. Lúc ấy, cụ và chồng vừa về với nhau được vỏn vẹn vài năm. Chiến tranh ác liệt, anh Đương có về thăm vợ đôi ba lần rồi biền biệt.
Kể từ đó đến nay, cụ Tịnh không còn gặp lại chồng nữa. Dù được xác nhận là chồng đã hy sinh, nhưng cụ lại không biết chồng hy sinh ở đâu, hài cốt ở phương trời nào.
Cụ Tịnh xúc động khi được gặp lại chồng sau 56 năm chờ đợi, dù bây giờ hình hài của người thanh niên năm ấy ra chiến trận đã hòa vào từng tấc đất quê hương
Đằng đẵng 56 năm của một đời người là quá dài cho những sự nhung nhớ, đợi chờ. 56 năm ấy, cụ Tịnh chưa bao giờ thôi đau đáu về một ngày sẽ tìm được hài cốt của chồng. Cứ thế, cứ mỗi một ngày trôi qua là một ngày cụ lại hy vọng. Bởi người chồng thân yêu vẫn còn nằm đâu đó trên những cánh rừng kia.
Cho đến đầu năm 2022, khi nghe tin chồng hy sinh trong trận đánh trên đồi Xuân Sơn, xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân, cụ Tịnh lập tức từ Thanh Hóa vào Bình Định để tìm chồng, dù người chồng ấy giờ đây chỉ còn là một nắm đất.
"56 năm qua tôi không biết tin tức về chồng. Tôi trông chờ biết bao nhiêu năm nhưng mãi đến ngày hôm nay mới biết chồng hy sinh ở đây. Cứ như một giấc mơ vậy, giấc mơ kéo dài suốt 56 năm. Biết tin tìm thấy mộ tập thể, tôi vào Bình Định thăm chồng nhưng chẳng biết cụ thể hài cốt chồng tôi ở đâu trong hàng chục liệt sĩ nằm đó", cụ Tịnh xúc động.
Không biết được cụ thể, bởi trong trận đánh ác liệt vào đêm 25 rạng sáng ngày 26/12/1966, các chiến sỹ Trung đoàn 22 (thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng) đã anh dũng nằm xuống trong một hố chôn tập thể trên đồi Xuân Sơn. Các anh, những người xa lạ đã gặp nhau, cùng ăn ở, cùng chiến đấu và cùng nằm xuống bên nhau cho ngày đất nước hòa bình.
Những cái ôm đầy xúc động của hai thế hệ, những người đấu tranh giành độc lập và thế hệ những người tiếp tục giữ vững nền độc lập ấy
Thế hệ sau viết tiếp trang sử vàng
“56 năm trôi qua, hình hài xương thịt các đồng chí đã trở thành đất đá, cỏ cây, thành những mạch nước chảy trong lòng đất mẹ, hòa vào truyền thống cội nguồn của dân tộc.
Vẫn còn đó dây thắt lưng, bình tông, tăng, võng, những đôi dép cao su, những mảnh dù mục vụn, những tấm khăn choàng, những kỷ vật vợ trao chồng, mẹ trao con trước lúc lên đường làm nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc. Tất cả thật là vô giá.
Kể từ hôm nay, các đồng chí sẽ được trở về với đồng đội của mình ở Nghĩa trang liệt sỹ thị trấn Tăng Bạt Hổ trong tình cảm thương yêu vô hạn của đồng chí, đồng bào”.
Đó là những chia sẻ đầy xúc động của ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trong Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ hy sinh năm 1966 tại đồi Xuân Sơn vào giữa tháng Tư vừa qua.
Để có được buổi lễ này là nỗ lực tìm kiếm không biết bao nhiêu năm ròng rã của chính quyền địa phương và các cựu binh may mắn còn sống sót. Từ những thông tin ít ỏi, cựu chiến binh Đặng Hà Thụy (79 tuổi, nguyên cán bộ Đoàn 5501) đã kết nối với các cựu binh Mỹ qua các trang mạng xã hội. Từ những email trao đổi qua lại, thông tin về khu mộ tập thể của các chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng ngày ấy đã dần dần được hé lộ.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nán lại từng đi thắp hương mộ các liệt sĩ tại nghĩa trang thị trấn Tăng Bạt Hổ dù đoàn người đến viếng đã ra về hết
“Dẫu cho đã 56 năm dài đằng đẵng trôi qua nhưng việc tìm được hài cốt các đồng chí là niềm vui mừng khôn xiết, vì đó là tâm nguyện hằng ấp ủ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định. Phải làm tròn trách nhiệm của mình đối với những người đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng suốt mấy mươi năm qua, mỗi người dân Việt Nam chưa bao giờ quên sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ để đất nước có được độc lập như ngày hôm nay. Hằng năm, Đảng, Chính phủ đã luôn quan tâm, chăm sóc những người có công, những thân nhân liệt sĩ. Đã đầu tư cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ, hiện vẫn còn nằm đâu đó trong lòng đất mẹ để đưa về với người thân, với đồng đội.
Như câu nói đầy xúc động của ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định: "Các liệt sĩ của chúng ta nằm ở đây không ai biết, không người hương khói, không có một nén nhang. Giờ đã bước đầu phát hiện được một số hài cốt liệt sĩ rồi thì phải làm sao cố gắng tìm được hết anh em để đưa về nơi an nghỉ cuối cùng trang trọng, thiêng liêng; tạo điều kiện cho cán bộ, nhân dân và các thế hệ trẻ đến dâng hương tưởng nhớ tri ân các liệt sĩ".
Hay như hình ảnh ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương vẫn nán lại Nghĩa trang liệt sĩ Tăng Bạt Hổ, ngắm từng tấm bia, đọc từng dòng chữ khi đoàn người đến viếng đã rời đi.
Đó chính là những sự trân trọng, biết ơn của thế hệ sau, thế hệ may mắn được lớn lên mà không chịu cảnh khói lửa chiến tranh đối với cha ông mình. Những người không tiếc xương máu vì nền độc lập dân tộc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận