Ông Lương Xuân Bình cho biết, hiện tại ông vẫn chưa được giao việc gì và chịu sự “ghẻ lạnh” của mọi người ở cơ quan
Sau gần 3 tháng Thanh tra Chính phủ công khai kết luận thanh tra, khẳng định những nội dung tố cáo của ông Lương Xuân Bình, nguyên Phó trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội là có cơ sở, ông Bình vẫn chưa được bố trí lại vị trí công tác, chưa được phục hồi chức vụ. Nhưng nỗi khổ tâm lớn nhất với ông Bình lúc này không phải vì những thứ đó, mà là vì sự dửng dưng, “ghẻ lạnh” khi ông xuất hiện ở cơ quan.
“Người độc hành” trên con đường khó khăn
Đầu xuân Tân Sửu (2021), PV Báo Giao thông tới trụ sở Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) tìm gặp ông Lương Xuân Bình - người đã có hành trình 6 năm tố cáo những sai phạm tại dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.
Dù đây là cuộc gặp riêng tư với cá nhân ông Bình, nhưng để lên được căn phòng tầng 3 nơi ông Bình ngồi, PV cũng phải trải qua một quá trình hỏi han, dò xét.
Trong căn phòng làm việc không có biển chức danh, không bảng tên và bụi bặm, ông Bình ngồi một mình cạnh bàn làm việc với chiếc tủ trống trơn, xộc xệch, ánh sáng trong phòng lờ mờ bởi chiếc bóng điện cũ.
Sau khi có văn bản chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ thì TP Hà Nội có chỉ đạo, giao Sở Nội vụ tham mưu cho Ban Cán sự Đảng báo cáo trường hợp bổ nhiệm lại của anh Bình.
Đồng thời giao Thanh tra thành phố xác minh làm rõ hành vi trù dập anh Bình để báo cáo thành phố. Thời hạn của TP Hà Nội giao là tháng 1, nhưng vấn đề này có nhiều nội dung nên Ban vẫn đang phối hợp với Thanh tra thành phố xác minh, làm rõ.
TP Hà Nội cũng chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội thực hiện một số nội dung theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ. Lãnh đạo Ban đã họp với anh Bình, trong quá trình làm việc thì lãnh đạo Ban đã thống nhất điều chuyển anh Bình về vị trí Tổ trưởng Tổ Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO.
Chánh văn phòng Ban QLDA đường sắt đô thị Hà Nội Lưu Trung Dũng
“Vừa rồi, lãnh đạo MRB có làm việc, đề nghị tôi chọn một vị trí nào đó trong Ban, nhưng tôi không chọn vì trong văn bản chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ nói rất rõ “phục hồi vị trí làm việc” của tôi.
Vậy nên hiện tôi cứ đến đây ngồi, hết giờ làm việc thì về, chưa được bố trí công việc gì cả”, nguyên Phó Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội bắt đầu câu chuyện.
Câu chuyện của ông Bình bắt đầu từ năm 2014, khi ông phát hiện và phản ánh các sai phạm nhà thầu và MRB đã ký hợp đồng thi công khi chưa có “mặt bằng sạch” là không đúng quy định; về việc dự án liên tục đội vốn; một số vị trí lãnh đạo MRB được bổ nhiệm thần tốc khi thiếu điều kiện…
“Tháng 8/2014, tôi kiến nghị MRB tăng 6,5 triệu Euro cho hợp đồng trọn gói với tư vấn Sytras. Việc kiến nghị diễn ra trong nội bộ Ban, tự nhiên như một nhiệm vụ mà mình phải thực hiện.
Tháng 1/2015, tôi viết báo cáo gửi Bí thư Thành ủy Hà Nội - đây là quyết định khó khăn nhất trong suốt 35 năm công tác của tôi. Tôi hiểu rất rõ những khó khăn, rủi ro sẽ ập đến không chỉ cho tôi mà còn cho cả gia đình”, ông Bình nhớ lại.
Hành trình tố cáo những sai phạm ở MRB đã đem đến cho ông Bình nhiều cảm xúc, từ thất vọng cho đến vui mừng khôn xiết.
Theo ông Bình, có thời điểm Thanh tra TP Hà Nội vào xác minh sau phản ánh của ông và kết luận tất cả nội dung ông phản ánh đều sai và Ban đang làm đúng. Lúc đó, ông thất vọng rất lớn, nhưng điều này cũng thôi thúc quyết tâm trong ông nhiều hơn, ông tiếp tục kiến nghị lên những cấp cao hơn.
Vẫn không nhận được câu trả lời thoả đáng, ông Bình còn bị trù dập. Ngày 5/10/2016, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 5553 về việc không bổ nhiệm lại chức vụ Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đối với ông Bình.
Ông bị xếp vào diện dôi dư và đứng trước nguy cơ mất việc làm, nhiều lần bị thuyên chuyển vị trí công tác, đuổi ra khỏi phòng họp, bị kỉ luật...
Từ tố cáo của ông Lương Xuân Bình, ngày 25/11/2020, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận chỉ ra nhiều sai phạm của các bên liên quan. Theo đó, nhà thầu và Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã ký hợp đồng thi công khi chưa có “mặt bằng sạch” là không đúng quy định.
Tại thời điểm thanh tra, mặt bằng của gói thầu vẫn chưa được bàn giao đầy đủ. Từ việc chậm bàn giao mặt bằng, nhà thầu đã yêu cầu bổ sung khoản kinh phí khoảng 40 triệu USD (hơn 800 tỷ đồng), nguy cơ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, vi phạm Khoản 3, Điều 64, Luật Đấu thầu.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra dấu hiệu vi phạm liên quan việc lựa chọn nhà thầu, gói thầu đoạn tuyến trên cao trị giá 65,2 triệu euro (khoảng 1.900 tỷ đồng).
Nhớ lại những tháng ngày khó khăn đó, ông Bình bảo, ông chưa từng thấy sợ. Bởi ông vẫn tin, mình làm đúng bổn phận, chức trách của mình để tránh thất thoát cho Nhà nước và nhân dân. “Quanh mình vẫn có nhiều người tốt, công lý rồi sẽ chiến thắng”, ông Bình kể.
Nhưng ông bảo, ông đã trải qua những ngày tháng rất buồn và cô độc. 30 năm cống hiến cho MRB, nhưng giờ đây, nhiều đồng nghiệp nhìn ông với ánh mắt kỳ thị, thậm chí có phần giận dữ, cho rằng ông gây mất đoàn kết, mang lại tiếng xấu cho Ban.
Có những người hiểu chuyện hơn thì cũng ái ngại, không dám lại gần, thân thiết với ông vì sợ liên luỵ.
“Biết mình đang đi con đường chông gai, tôi cũng chủ động làm tất cả mọi việc thu thập tài liệu, khiếu kiện một mình vì sợ liên lụy đến mọi người.
Hành trình ấy khó khăn và khốc liệt lắm, 6 năm đằng đẵng cảm thấy như một mình mình một con đường, cứ độc hành lầm lũi bước. Thương và lo nhất là cho gia đình, vợ con. May vợ con tôi thấu hiểu, thông cảm...”, ông Bình trải lòng.
Khó khăn chưa kết thúc
Tháng 12/2020, sau hơn 6 năm gửi đi những lá đơn tố cáo đầu tiên, ông Bình đón nhận tin vui khi Thanh tra Chính phủ kết luận về những sai phạm tại dự án Nhổn - ga Hà Nội và thông báo nhiều vấn đề ông tố cáo là “có cơ sở”.
Cùng với kết luận này, Phó tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh ký văn bản gửi lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị bảo vệ người tố cáo, phục hồi vị trí việc làm của ông Bình trước đây và yêu cầu MRB “không được phép có bất cứ hành vi trù dập, kỳ thị, phân biệt, đối xử bất công đối với ông Lương Xuân Bình”.
Tuy nhiên, đã hơn 2 tháng sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận, ông Bình chưa hề được phục hồi vị trí việc làm như trong kết luận thanh tra.
“Nỗi khổ tâm lớn nhất của tôi hiện nay không phải chức vụ, vị trí làm việc hay lương thưởng chưa được phục hồi, ở đây nỗi đau chính là sự “ghẻ lạnh” dửng dưng khi đến cơ quan. Hiện tại tôi vẫn chưa được giao việc gì cả”, ông Bình bộc bạch.
Ông Bình cho biết, hiện tại đang chuẩn bị một báo cáo tổng hợp để báo cáo, kiến nghị với Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hà Nội, MRB phục vụ cho việc thực hiện kết luận thanh tra. Mục đích cuối cùng vẫn là sự thượng tôn pháp luật và bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhà nước, bảo vệ tiền thuế của nhân dân.
“Có những người thấy cái sai không dám nói vì sợ bản thân bị ảnh hưởng. Việc chỉ ra sai phạm là hoàn toàn xuất phát từ cái chung không hề có sự thù ghét cá nhân nào cả. Vậy tại sao chúng ta lại lưỡng lự, chùng tay, thoả hiệp với cái sai?”, ông Bình nêu vấn đề.
Phải kiên quyết bảo vệ người tố cáo
Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những tố cáo của ông Bình là có cơ sở và đề nghị bảo vệ người tố cáo, phục hồi vị trí việc làm của ông Bình, những cơ quan liên quan phải nhanh chóng vào cuộc thực hiện kết luận thanh tra.
“Tinh thần là phải bảo vệ những người dám nói, dám làm vì lợi ích chung. Chính vì vậy cần phải nhanh chóng tạo điều kiện bảo vệ những người như ông Bình. Nhìn rộng ra, việc bảo vệ ở đây không chỉ riêng ông Bình mà còn góp phần đấu tranh xu hướng “đại quan liêu”, trù dập người tố cáo. Ở đây, cấp trên đã kết luận như vậy thì cấp dưới phải nghiêm túc thực hiện”, ông Hùng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận