Hạ tầng

Nối dài tuổi xuân những cung đường

29/04/2019, 06:15

Vượt qua những khó khăn, công tác duy tu luôn được tăng cường, đảm bảo nhằm giữ chất lượng đường.

img
QL48 qua nhiều năm khai thác vẫn được chọn là đường kiểu mẫu nhờ làm tốt
công tác quản lý, duy tu, sửa chữa định kỳ

Từ đường đất thành đường… kiểu mẫu

Những ngày cuối tháng 4/2019, PV Báo Giao thông có dịp đi cùng đoàn cán bộ Ban QLDA Vốn sự nghiệp kinh tế giao thông (VSNKTGT) Nghệ An kiểm tra hiện trường dọc 2 tuyến QL48 và QL16. Đây là 2 tuyến đường dẫn về “cực Bắc” đất Nghệ, nối thông với nước bạn Lào.

Hiện nay, Sở GTVT Nghệ An đang thực hiện quản lý, bảo trì 46 tuyến đường bộ, trong đó 8 tuyến quốc lộ dài khoảng 950km, 38 tuyến đường tỉnh dài gần 1.000km.


Theo ghi nhận của PV, trên tuyến QL48, lưu lượng người và phương tiện đi lại rất lớn. Dù tuyến đường qua nhiều năm khai thác nhưng chất lượng mặt đường vẫn rất tốt. Hệ thống biển báo, cọc tiêu cắm theo đúng tiêu chuẩn, được quét sơn, ve sáng loáng; Lề đường, mương thoát nước được vét, dọn sạch sẽ, thông quang. Kỹ sư Huỳnh Tuấn Anh - Phó phòng Tuần kiểm, Ban QLDA VSNKTGT Nghệ An cho biết: Tuyến QL48 có tuổi thọ khai thác gần 30 năm, nhưng nhờ được đầu tư, sửa chữa thường xuyên nên đến nay đường không chỉ thông suốt, êm thuận mà còn ngày một khang trang hơn. Tuyến đường này đã được Sở GTVT chọn và đăng ký với Tổng cục ĐBVN là một trong số tuyến đường kiểu mẫu về công tác quản lý và duy tu đường bộ.

Khi đến đoạn qua xã Nghĩa Xuân, huyện Nghĩa Đàn, kỹ sư Tuấn Anh chỉ cho chúng tôi kết cấu mới của tuyến đường khi trở thành đường kiểu mẫu. Kết cấu này có được từ dự án cải tạo nâng cấp mặt đường do Ngân hàng Thế giới tài trợ. “Toàn bộ vạch sơn, biển báo, cọc tiêu được làm lại theo Quy chuẩn QCVN 41:2016/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ. Hệ thống cống thoát nước dọc sẽ được đặt ngầm, đổ bê tông nắp chịu lực, lề đường trát vữa... Khi đó, mặt đường sẽ thông thoáng, sạch đẹp, hệ thống cống rãnh không bị xâm lấn khỏa lấp bởi các hộ dân ven đường”, kỹ sư Tuấn Anh cho biết.

Khi tìm hiểu sâu hơn về tuyến QL48, chúng tôi mới biết đây cũng là tuyến đường “đầu tay” mà Công ty CP QL&XD Cầu đường Nghệ An được giao duy tu, quản lý. Ông Phan Văn Tý, Phó giám đốc công ty cho biết: Năm 1993, nhận ủy thác quản lý tuyến QL48, khi chúng tôi đi xác định tuyến, hỏi nhân dân trong vùng: đường QL48 ở đâu mà không ai biết. Người dân chỉ vào con đường đất lầy lội rồi nói: “Đó là đường lên huyện biên giới Quế Phong”. Những năm sau đó, được sự quan tâm của Bộ GTVT, UBND tỉnh Nghệ An nên QL48 được đầu tư, nâng cấp dần.

Nếu như năm 1998, QL48 mới chỉ được đầu tư ở quy mô đường đá dăm nước, mặt đường rộng 3,5m thì đến những năm 1999 - 2000, tuyến đường đã được đầu tư nâng cấp thành đường láng nhựa, mặt đường 5,5m. Đến năm 2015, tuyến đường tiếp tục được đầu tư thảm bê tông nhựa phần còn lại và gia cố lề mỗi bên 50cm. Sau đó, tuyến đường tiếp tục được đầu tư và nâng cấp mở rộng ở những đoạn có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn.

Đường là thương hiệu của công ty

img
QL48 qua nhiều năm khai thác vẫn được chọn là đường kiểu mẫu nhờ làm tốt công tác quản lý,
duy tu, sửa chữa định kỳ

Chị Võ Thị Lan Hương, Hạt trưởng Hạt Quản lý giao thông huyện Quế Phong, đã có hơn 20 năm gắn bó với các cùng đường miền Tây Bắc xứ Nghệ. Chị Hương kể, lúc mới tiếp nhận, QL16 còn lởm chởm đất đá, chi chít ổ gà, ổ voi trong khi quanh năm mây phủ. Thoắt cái, QL16 giờ cũng đã được láng nhựa phẳng lỳ, ô tô, xe máy bon bon.

Nữ hạt trưởng khoe đơn vị có 12 cán bộ, công nhân viên quản lý 53km (gồm QL16, QL48, đường tỉnh 544B). Công tác quản lý, duy tu và sửa chữa những cung đường miền núi tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng anh em vẫn luôn nêu cao tinh thần tất cả vì tuyến đường thông suốt, an toàn.

“Với mỗi tuyến đường, ngoài sự quan tâm đầu tư xây dựng mang tính toàn diện của tỉnh và bộ, thì ngay từ những ngày đầu tiếp quản, chúng tôi xác định công tác quản lý, duy tu và sửa chữa đường là yếu tố “sống còn” quyết định đến chất lượng tuyến đường. Quản lý, duy tu và sửa chữa tốt thì đường êm thuận, sạch đẹp, tuổi thọ cao. Làm không tốt thì đường xuống cấp, tuổi thọ giảm”, ông Tý nói.

“Ngoài ra, với chúng tôi, mỗi tuyến đường đều gắn với lịch sử hình thành, phát triển của công ty, nên việc quản lý, duy tu và sửa chữa không chỉ đơn thuần là công việc mà còn cả tấm lòng, tình yêu của toàn thể cán bộ, công nhân viên; là thương hiệu của công ty”, Phó giám đốc Tý nhấn mạnh.

Tiên phong đổi mới, sáng tạo trong duy tu

Ông Phan Hải Châu, Phó giám đốc Ban QLDA Vốn sự nghiệp kinh tế giao thông Nghệ An cho biết: Công tác quản lý, giám sát các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ ủy thác được ban lãnh đạo Sở GTVT đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Ngoài các hạt, các đơn vị duy tu, bảo dưỡng, các phòng ban, còn có 1 phó giám đốc sở trực tiếp quản lý, giám sát. Công tác nghiệm thu tháng, nghiệm thu quý cũng được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ theo các quy chế của Tổng cục ĐBVN. Đặc biệt, từ năm 2016, Sở GTVT Nghệ An đã cho áp dụng rộng rãi phần mềm công nghệ thông tin (CNTT) Govone vào công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và xử lý nhanh các sự cố trên tuyến. Có thể xem đây là “chìa khóa” để ngành GTVT Nghệ An tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả quản lý kết cấu hạ tầng giao thông.

“Nếu như trước đây, phải mất 3 - 4 ngày, thông tin từ hiện trường mới được chuyển đến các bộ phận chức năng. Sau đó, lại thêm từng ấy thời gian, đơn vị mới nhận được các chỉ đạo khắc phục thì với ứng dụng phần mềm Govone, chỉ với chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng được kết nối mạng, các công nhân tuần đường có thể chụp ảnh, quay video rồi gửi lên hệ thống. Lập tức, thông tin sẽ được chuyển đến lãnh đạo sở và các bộ phận chuyên môn. Chỉ trong vòng 5 - 10 phút, những sự cố của đường, cầu, cống hay những phát sinh trên đường sẽ được lãnh đạo sở chỉ đạo xử lý. Chưa kể, các nhóm chuyên môn còn kết nối với nhau qua mạng xã hội Zalo để giao ban công việc, giám sát mọi hoạt động trên tuyến”, ông Châu nói.

Điều khiến các cục QLĐB, sở GTVT địa phương lo ngại nhất lúc này chính là nguồn vốn cho công tác duy tu, sửa chữa định kỳ. “Từ năm 2018, nguồn vốn thuộc Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư được chuyển về Bộ Tài chính quản lý. Một số tuyến quốc lộ hiện tại chưa được bàn giao tài sản do vướng Nghị định 10, nên không được duyệt vốn, gây khó khăn trong công tác duy tu sửa chữa đường. Thành ra từ đó đến nay không có kinh phí sửa chữa những đoạn hư hỏng nặng. Đối với các tuyến đường tỉnh, đã có thêm nhiều tuyến mới được nâng cấp từ đường huyện lên, nhưng nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng vẫn đang cố định ở mức 32 tỷ/ năm như trước đây. Nhiều tuyến đường đã hư hỏng, xuống cấp nhưng không có kinh phí để sửa chữa”, kỹ sư Châu cho biết.

Khó khăn là vậy, nhưng không có nghĩa là mặc kệ cho tuyến đường hư hỏng, xuống cấp. Để đảm bảo các tuyến đường luôn thông suốt, an toàn, trước mắt sở đề nghị các đơn vị quản lý tự bỏ nguồn vốn để sửa đường đảm bảo giao thông. “Ngoài ra, các đơn vị đều phải tăng cường áp dụng cơ giới hóa để tăng hiệu quả của công tác duy tu, bảo dưỡng đường”, ông Châu nói.

img

Tân Sơn Nhất áp dụng mức an ninh cao nhất để khách đi lại an toàn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.