Xã hội

Nỗi đau dần nguôi ngoai sau 10 năm sập cầu Cần Thơ

26/09/2017, 07:06

Ngày xảy ra sự cố khiến Hân vĩnh viễn mất đi người cha khi em mới 13 tuổi.

20

Hiện trường sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ vào ngày 26/9/2007

Đúng ngày này cách đây 10 năm, công trình xây dựng cầu Cần Thơ xảy ra sự cố khi hai nhịp dẫn đang đổ bê tông bất ngờ đổ sập làm hàng chục người chết và nhiều người khác bị thương. Giờ đây, nỗi đau mất mát đã phần nào nguôi ngoai trong tâm trí của những người dân địa phương.

Bao mái đầu xanh phải quấn khăn tang

Là địa phương có nhiều người tử nạn nhất trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ vào ngày 27/9/2007, TX Bình Minh (ngày đó là huyện Bình Minh) có 42 người chết, riêng tại xã Mỹ Hòa phải chịu mất mát nhiều nhất khi có đến 34 người ra đi mãi mãi. Thiệt hại to lớn về nhân mạng là không gì bù đắp được. Trong một ngày biết bao mái đầu xanh phải quấn khăn tang vì người thân ra đi.

Sau 10 năm, chúng tôi trở lại Mỹ Hòa, tìm những đứa trẻ năm nào có người thân bị mất trong vụ tai nạn. Ông Huỳnh Minh Thiệt, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Mỹ Hòa cho biết, tại xã có khoảng 60-70 em học sinh có thân nhân là nạn nhân trong vụ tai nạn đó. Nhờ sự hỗ trợ đáng kể từ các tổ chức, cá nhân mà mỗi em đều được nhận sổ tiết kiệm trị giá từ 10 - 30 triệu đồng.

Có em nhận được 2 sổ tiết kiệm do các nhà hảo tâm trao tặng thêm. Cũng có những trường hợp dù đã nhận được sổ tiết kiệm nhưng lại không tiếp tục đến trường do hoàn cảnh gia đình. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít. Đa số các em đều được học tập và đến nay có rất nhiều em tốt nghiệp ra trường, có công ăn việc làm, một số quay về phục vụ ngay tại xã nhà.

Biến nỗi đau thương thành sức mạnh, những học sinh, sinh viên ngày ấy bằng sự nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của gia đình, địa phương và xã hội đã ra sức học tập, xem đó như là cách góp phần xoa dịu nỗi đau mà bản thân và gia đình từng phải gánh chịu.

Vượt lên nỗi đau

Chúng tôi tìm đến nhà em Phạm Thị Ngọc Hân (ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa). Ngày xảy ra sự cố khiến em vĩnh viễn mất đi người cha, Hân chỉ mới 13 tuổi. Hiện tại, Hân đã tốt nghiệp ngành Quản trị du lịch và lữ hành của trường Đại học Cần Thơ và đang làm việc cho khách sạn Vinpearl Phú Quốc. Sau những ngày gian nan, vất vả, giờ đây Hân đã đủ khả năng để lo cho em gái. Theo lời Hân kể, hai chị em Hân mồ côi cha không lâu thì lại chịu tiếp cảnh mồ côi mẹ. Số tiền trong sổ tiết kiệm cũng không còn là bao vì trong quá trình điều trị bệnh cho mẹ đã rút ra quá nửa. Có lúc tưởng chừng như giấc mơ đại học của Hân phải khép lại. Nhưng nhờ nghị lực và ý chí kiên cường mà hai chị em vượt qua tất cả. Châu, em gái Hân hiện đang học lớp 11 trường THPT Bình Minh.

Hân tâm sự: “Khi mẹ mất, trong sổ tiết kiệm chỉ còn lại 65 triệu đồng. Em quyết định không rút ra mà để dành hàng tháng lãnh tiền lãi để trang trải. Nhờ vào sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, tấm lòng yêu thương của ông bà ngoại mà em được như ngày hôm nay. Giờ đây đã có đầy đủ khả năng để lo cho em gái nên em quyết định để lại 65 triệu trong sổ tiết kiệm này cho Châu, để em ấy cảm nhận được những gì còn lại của cha mẹ và xem như nguồn động lực để em ấy cố gắng phấn đấu ăn học. Một phần đây là sự bù đắp mà em dành cho em gái vì lúc ấy em còn quá nhỏ chưa biết gì”.

Còn với cô sinh viên Nguyễn Thanh Loan, theo lời bà Lê Thị Dợn (55 tuổi, ngụ Mỹ Hưng, xã Mỹ Hòa), mẹ Loan cho biết: “Ngày cha mất, Loan vừa mới thi đậu Đại học Cần Thơ, cô em gái mới vào mẫu giáo. Với quyết tâm cố gắng hoàn thành chương trình đại học để làm vui lòng người cha đã mất, Loan dùng số tiền trong sổ tiết kiệm phục vụ việc học tập và đã tốt nghiệp đại học, đang làm việc tại Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Cần Thơ”.

Tương tự là trường hợp anh Lê Quang Tình (31 tuổi, ngụ xã Thành Lợi, TX Bình Minh) hiện là Trưởng ban Nhân dân kiêm Bí thư Chi bộ ấp Thành Đức. Tình là con của ông Lê Văn Thạnh, bị tử nạn ngay trong ngày đi làm đầu tiên. Khi ấy, Tình đang là sinh viên năm thứ hai trường trung cấp. Cha mất, Tình nhận được sổ tiết kiệm hỗ trợ đối với hoàn cảnh có người thân tử nạn. Số tiền không là bao nhưng đã phần nào giúp Tình trang trải việc học tập. Tốt nghiệp ra trường, Tình trở về phục vụ quê hương, nơi mà ngày trước cha anh cũng đã từng đóng góp công sức xây dựng.

Khoảng 7h55 ngày 26/9/2007, hai nhịp cầu dẫn ở độ cao khoảng 30m của cầu Cần Thơ đang được xây dựng thì bị sụp, kéo theo giàn giáo cùng nhiều công nhân, kỹ sư đang làm việc rơi xuống. Có 55 người chết, 80 người khác bị thương. Sự cố tưởng chừng như vượt quá sức chịu đựng, làm cho nhiều người nhụt chí, nhưng bằng sự bền bỉ vượt lên nỗi đau làm thay cho những người ngã xuống, để rồi ngày 24/4/2010, hàng nghìn người dân hai bên bờ Cần Thơ, Vĩnh Long vỡ òa trong niềm vui khi cầu Cần Thơ chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng.

Trong các ngày 23 và 24/9, nhiều đoàn kỹ sư Nhật Bản và Việt Nam đã đến chùa Bồ Đề (xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh, Vĩnh Long) thắp hương tại bia tưởng niệm 55 nạn nhân trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ (26/9/2007 - 26/9/2017). Tại đây, nhiều thành viên trong đoàn và người thân đã không kìm được nước mắt khi nhớ lại sự hy sinh của 55 công nhân 10 năm trước và quá trình nỗ lực khắc phục sau đó để công trình  biểu tượng cho quan hệ hợp tác Việt - Nhật này được hoàn thành.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.