Xã hội

Nỗi đau quặn thắt sau thảm họa ở thủy điện Rào Trăng 3

Cha mẹ già khóc hết nước mắt vì mất con, những đứa trẻ tương lai xám xịt vì mất cha là nỗi đau khôn xiết sau thảm họa sạt lở ở Rào Trăng 3.

img
Người thân, hàng xóm và cơ quan chức năng huyện Phong Điền chuẩn bị tang lễ cho ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền tại nhà

Cha mẹ già vẫn mỏi mắt ngóng con

Gần 2 ngày qua, Phong Xuân (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) lại đổ mưa rào. Tuyến đường tỉnh lộ 11B qua trung tâm xã, phương tiện cơ giới rầm rập được đưa vào hiện trường vụ sạt lở để cứu hộ, tìm kiếm những công nhân mất tích trong vụ sạt lở công trình thi công thủy điện Rào Trăng 3. Tại sở chỉ huy tiền phương đặt tại xã Phong Xuân, thân nhân những người mất tích tập trung ngóng chờ tin tức người nhà.

Trưa 12/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận thông tin nhiều công nhân gặp nạn do sự cố sạt lở tại công trình thủy điện Rào Trăng 3. Đoàn cứu hộ 21 người gồm: lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Cục cứu hộ-cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam), Quân khu 4…

Đến 21h cùng ngày, đoàn công tác dừng nghỉ tại Tiểu khu 67 - Trạm kiểm lâm Sông Bồ. Trong đêm, núi sạt lở đổ xuống khu vực đoàn dừng nghỉ khiến 13 người tử vong, 8 người thoát được ra ngoài. Hiện thi thể 13 nạn nhân đã được đưa về Bệnh viện Quân y 268 tại TP Huế. Lễ truy điệu cho những người gặp nạn sẽ được tổ chức tại đây.

Ông Lê Văn Hoan (62 tuổi, ở huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã ở đây nhiều ngày. Sau khi nhận tin báo con trai Lê Văn Sáng - công nhân thủy điện Rào Trăng 3 mất tích, ông bắt xe vào Huế trong đêm để ngóng tin con.

Anh Sáng làm công trình được ba năm nay. Tuần trước anh còn gọi điện ra hỏi thăm sức khỏe gia đình, vợ và hai con nhỏ.

“Giờ không biết con tôi sống chết thế nào. Mong sao con tôi bình an trở về với vợ con”, ông Hoan nói trong nước mắt.

Đứng cách đó không xa, bà Phan Thị Lương (thành phố Huế) bật khóc, kêu tên con trai duy nhất Phạm Chí Thanh (24 tuổi), làm việc tại bộ phận kỹ thuật ở thủy điện Rào Trăng 3). Đã 5 ngày qua, vợ chồng bà tìm mọi cách gọi điện thoại cho con nhưng không thể liên lạc được. Bà lại gọi cho đồng nghiệp của con mong ngóng được chút tin tức về con nhưng tất cả đều chìm trong vô vọng.

Tháng trước, người mẹ này gói gém hành lý, thực phẩm cho cậu con trai độc nhất lên đường vào thủy điện Rào Trăng 3 công tác. Lúc đi, Thanh hứa sẽ sắp xếp công việc để về thăm mẹ. Nào ngờ...!

Làng xóm tiếc thương chủ tịch huyện lo cho dân

Sáng 16/10, hàng xóm, lực lượng công an, UBND huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế chung tay sửa lại nhà cửa, dựng rạp để tổ chức tang lễ cho ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền. Ông là một trong 13 người hy sinh khi tham gia tìm kiếm cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3.

Trời mưa tầm tã, căn nhà cấp 4 của gia đình ông Bình bên bờ sông Bồ (phường Tứ Hạ, TX Hương Trà, Thừa Thiên Huế) thấm dột khắp nơi, sân vườn nhão nhoẹt bùn đất sau lũ lụt.

Ông Tiến (hàng xóm của ông Bình) cho biết, vợ chồng ông Bình chẳng có gì ngoài căn nhà cấp 4 đang ở, mà nhà cũng đã cũ kỹ lắm rồi. Đây cũng là căn nhà cha mẹ ông xây mười mấy năm trước chứ ông cũng không có nhà riêng.

“Bình mới lên làm chủ tịch huyện được hơn 1 tháng chứ mấy. Mấy hôm mưa lũ, nhà dột tứ tung, nước ngập sâu cả mét, đến là khổ. Giờ nó đi rồi, để lại mẹ già, vợ và 2 con”, ông Tiến nghẹn ngào.

Ông Tiến cho biết, từ lúc xảy ra lũ lụt, ông Bình chẳng mấy khi có mặt ở nhà, đi khắp địa bàn chỉ đạo công tác phòng chống lũ lụt, tiếp tế lương thực cứu dân. Mẹ già hơn 70 đau ốm nằm viện, nhà ngập sâu, ông Bình nhờ em vợ trông nom giúp để đi lo cho dân.

“Hôm Bình tham gia đoàn công tác tìm kiếm cứu nạn ở Rào Trăng 3, mẹ vẫn đang nằm viện. Ai ngờ nó gặp nạn. Nó đi luôn rồi, tôi và bà con chòm xóm không bao giờ được gặp nó nữa”, ông Tiến nghẹn giọng.

Mẹ ông Tiến ngồi bên tiếp lời: “Hắn làm chủ tịch, chức to mà sống như dân tui đây. Chừ chú phóng viên đi hết xóm ni hỏi mà coi, tui nói là 100 người thì 100 người đều nói như tui. Chủ tịch lo cho dân rứa, quý lắm”.

Người thân ông Bình cho hay, 2 người con ông mới học lớp 8 và lớp 9, mẹ già đau ốm quanh năm, vợ ông thì làm công chức ở Phòng Văn hóa thông tin huyện, không biết có cáng đáng nổi cuộc sống khó khăn về sau không.

img
Người thân Thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc cũng chuẩn bị để cử hành tang lễ cho anh theo phong tục địa phương sau khi hoàn thành các thủ tục tại Bệnh viện Quân y 268

Nỗi đau người ở lại

Cũng trong sáng nay, trong con hẻm nhỏ tại phường An Cựu (TP Huế), họ hàng của Thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc - Trưởng ban Công Binh (Phòng Tham mưu, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế) đang chuẩn bị làm tang lễ cho anh tại nhà. Thi thể Thiếu tá Phúc đang được lưu giữ tại Bệnh viện quân y 268 (TP Huế), chờ làm lễ truy điệu, lễ tang chung với các đồng đội hi sinh tại Tiểu khu 67 - Trạm kiểm lâm Sông Bồ.

“Giờ gia đình chuẩn bị làm lễ tang cho cháu theo phong tục địa phương, nhưng phải chờ các thủ tục bên nhà tang lễ được cử hành trước. Đến giờ gia đình vẫn chưa biết khi nào được đưa thi thể cháu về cả”, ông Lê Văn Hùng, cậu ruột Thiếu tá phúc nói.

Ông Hùng cho biết, công việc của anh Phúc rất bận, có khi tuần đến 10 ngày mới về nhà một lần. Mỗi lần cậu cháu gặp nhau cũng chỉ nói qua loa đôi câu. “Hôm 11/10 là lần cuối cậu cháu gặp nhau, thằng Phúc về để xe trước nhà tôi, chỉ kịp chào cậu con mới về rồi chạy vào nhà với cha mẹ, vợ con. Mùa mưa lũ nó đi thường xuyên hơn. Có hôm nó về nhà chỉ được 5 phút là phải lên đường đi làm nhiệm vụ”, ông Hùng nhớ lại.

Anh Phúc có vợ và hai con thơ mới 2 và 6 tuổi. Cũng hôm 11/10, anh Phúc còn tính chạy về nhà để đưa con nhỏ 2 tuổi đi bệnh viện vì cháu bị sốt. Nhưng đến chiều, anh báo với mẹ là sẽ đi làm nhiệm vụ luôn, giao con cái lại cho bố mẹ, chỉ xếp vài bộ đồ rồi lên đường làm nhiệm vụ.

Chiều 14/10, cán bộ báo tin anh Phúc cùng đồng đội mất tích do sạt lở. Cả gia đình lòng như lửa đốt, cầu trời khấn phật cho mọi người an toàn. Nhưng hôm sau, bầu trời như đổ sập khi hay tin anh Phúc và đồng đội đã hi sinh trong rừng, thi thể của 13 người được tìm thấy, chở về bệnh viện.

Ông Tôn Thất Lập (bác ruột Thiếu tá Phúc) kể lại, từ chiều 12/10, khi gia đình không thể liên lạc được với anh, ông đã dự cảm có chuyện chẳng lành.

“Cháu hy sinh vì nghĩa vụ với tổ quốc. Gia đình tôi không có mong cầu gì, giờ trong lòng mọi người chỉ còn nỗi xót xa, đau buồn vô tận”, ông Lập mắt đỏ hoe, nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.